5/3/2019 1:55:00 PM
.

Cận cảnh quy trình sản xuất mỹ phẩm gắn mác “hàng hiệu”


Mỹ phẩm giả các thương hiệu nổi tiếng được sản xuất bằng việc sử dụng các loại mỹ phẩm hết Date rồi san chiết sang các lọ mỹ phẩm với nhiều loại nhãn mác, sau đó dập lại hạn sử dụng để cung ứng cho các cửa hàng mỹ phẩm trong và ngoài tỉnh.

Mỹ phẩm giả gắn mác hàng hiệu

Công an thành phố Vinh (Nghệ An) phát hiện một cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả tại phường Bến Thủy, thu gần 10.000 chai, lọ thành phẩm.

Theo đó, tại cửa hàng Nhân Vũ thuộc khối 9 phường Bến Thủy, TP.Vinh, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh do anh Trần Ngọc Lâm và chị Vũ Thị Hoài Nhân làm chủ.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đang trực tiếp san chiết, sản xuất các loại mỹ phẩm giả, nhái nhãn mác các hãng mỹ phẩm nổi tiếng của nước ngoài như: Chanel, Gucci, Dior, L’oreal... Với phương thức sản xuất là sử dụng các loại mỹ phẩm hết Date rồi san chiết sang các lọ mỹ phẩm với nhiều loại nhãn mác, thương hiệu của các hãng có tên tuổi khác nhau. Sau đó dập lại hạn sử dụng để cung ứng cho các cửa hàng mỹ phẩm trong và ngoài tỉnh.

Qua khám xét tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ gần 10.000 lọ mỹ phẩm giả nhái nhãn mác các loại, 1 máy dập Date và một số dụng cụ san chiết, tẩy xóa ngày tháng trên các bao bì.

Chủ cơ sở khai mua các loại mỹ phẩm hết hạn sử dụng rồi đổ vào các chai lọ giả nhãn mác của các thương hiệu nước ngoài. In hạn sử dụng mới, các sản phẩm này được mang đi tiêu thụ tại nhiều cửa hàng mỹ phẩm trong và ngoài tỉnh.

Rùng mình quy trình sản xuất mỹ phẩm cao cấp từ nguyên liệu Trung Quốc

Sau khi đổ nguyên liệu từ một thùng toàn chữ Trung Quốc ra chậu nhỏ, người phụ nữ dùng tay trần múc từng muỗng đổ vào các lọ được dán tem nhãn. Những hộp mỹ phẩm này sau đó được chuyển tới tay người dùng và được đưa vào các spa tiêu thụ.

Trước đó, Dân Trí đưa tin,địa điểm sản xuất mỹ phẩm cao cấp của công ty TNHH TMDV H.B.A là một cơ sở chật hẹp. Tại đây, các công nhân thực hiện đóng gói, sang chiết mỹ phẩm một cách thủ công.

Kiểm tra cơ sở sản xuất này, lực lượng chức năng đã thu giữ nhiều thùng giấy in chữ Trung Quốc và chứa trong đó các loại nguyên liệu để sản xuất mỹ phẩm. Mục sở thị quy trình sản xuất mỹ phẩm “hạng sang” của công ty này khiến nhiều khách hàng không khỏi rùng mình. Các công nhân ở đây sẽ đổ nguyên liệu từ các thùng giấy ra những chiếc chậu đặt dưới sàn nhà, sau đó họ dùng tay không múc từng muỗng nguyên liệu vào các hũ mỹ phẩm rồi đóng tem mác mới.

Ít ai biết rằng chính những hũ mỹ phẩm được sản xuất thủ công này sẽ được chuyển tới các spa làm đẹp để phục vụ chị em tại Thanh Hóa và Ninh Bình.

Gần 500 nghìn sản phẩm dầu gội, sữa tắm… “rởm” trong xưởng sản xuất của ông chủ 9X

Trước đó ngày 2/2/2018, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai cho biết, đang điều tra làm rõ một cơ sở làm giả hàng trăm ngàn sản phẩm mỹ phẩm giả, theo Dân Trí.

Khoảng 12h ngày 1/2, Đoàn kiểm tra liên ngành Đồng Nai kiểm tra cơ sở sản xuất mỹ phẩm, hóa mỹ phẩm tại phường Long Bình, TP Biên Hòa do Lê Văn Năm (28 tuổi) làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở của Năm đang sản xuất các loại mỹ phẩm và hóa mỹ phẩm như: sữa tắm, nước tẩy rửa, nước xịt phòng, dầu gội đầu với số lượng lớn.

Tại đây, lực lượng chức năng thu giữ hơn 420.000 gói dầu gội và sữa tắm; hơn 2.000 chai sữa tắm; 320 chai gội đầu; gần 500 chai xịt phòng và hơn 6.200 chai nước rửa chén giả.

Năm không xuất trình được bất cứ loại giấy tờ nào liên quan đến ngành nghề sản xuất. Ngay sau đó, lực chức năng đã niêm phong toàn bộ lô hàng, tiếp tục điều tra.

Trước đó, Chiều 11/1, Công an huyện Tam Bình (Vĩnh Long) bắt quả tang Lê Chí Cảnh (26 tuổi, ở xã Mỹ Thạnh Trung) đang sử dụng chất phụ gia không rõ nguồn gốc để sản xuất mỹ phẩm kem trộn tại nhà, theo thông tin từ Zing.

Tại đây, cảnh sát tạm giữ 45 kg nguyên liệu hóa chất với phụ gia không có nguồn gốc, khoảng 500 hộp kem thoa thành phẩm, máy dán nhãn cùng nhiều vật dụng khác để đóng gói mỹ phẩm.

Cảnh khai nhận, đã sản xuất mỹ phẩm được khoảng 2 năm và học quy trình từ một người bạn. Thành phẩm làm ra Cảnh mang đi tiêu thụ tại các cơ sở làm đẹp hoặc bỏ mối tại Cần Thơ và Hậu Giang. Toàn bộ mỹ phẩm và nguyên liệu sản xuất đã bị cảnh sát niêm phong để điều tra, làm rõ.

Đột nhập xưởng sản xuất mỹ phẩm nhái ở Trung Quốc khiến nhiều người rùng mình

Tại thị trường châu Á nói chung và đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc và Việt Nam nói riêng, người tiêu dùng rất "sính" hàng ngoại, một phần là bởi thương hiệu danh tiếng của nó, phần vì họ nghĩ chất lượng được đảm bảo. Tuy nhiên ít ai biết rằng bên cạnh những mặt hàng chính hãng thì thị trường mỹ phẩm đang xuất hiện tràn lan các mặt hàng giả, hàng nhái với cái mác “super fake".

Nhiều người sẵn sàng bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua những loại mỹ phẩm ngoại nhập, hàng xách tay mà không biết chắc chắn rằng hàng mình mua có phải hàng chính hãng hay không. Bên cạnh đó, cũng có những chị em phụ nữ ham của rẻ mà mua về mỹ phẩm làm nhái với những lời quảng cáo "100% không chì, đánh mềm môi như son thật", "hàng bao đẹp"... mà bất chấp những ảnh hưởng của nó tới làn da, sức khỏe bản thân.

Và mới đây chị em phụ nữ được phen bàng hoàng khi các phương tiện truyền thông Trung Quốc đồng loạt đưa tin về vụ việc cảnh sát thành phố Đông Dương, tỉnh Chiết Giang đã phát hiện và triệt phá thành công một ổ nhóm chuyên sản xuất mỹ phẩm giả gắn mác nước ngoài.

Ổ nhóm làm hàng nhái này đã dựa vào một công ty sản xuất mỹ phẩm khá hợp tiêu chuẩn với đầy đủ các loại giấy tờ chứng nhận để sản xuất mỹ phẩm tung ra thị trường. Tuy nhiên, sản phẩm của họ lại không mang nhãn hiệu như đã đăng ký mà giả dạng nhiều hãng mỹ phẩm nổi tiếng như: Etude House, L’Oréal, Clinique, NARS, Shiseido...

Cảnh sát thu giữ gần 1,8 triệu sản phẩm nhái cùng 4,4 triệu bao bì giả các hãng mỹ phẩm từ bình dân đến cao cấp, sau khi gia công sẽ được "tuồn" sang những thị trường thịnh hành hàng nhái như Thái Lan, Việt Nam. Đồng thời, cảnh sát cũng thu giữ 1 máy pha chế, 2 máy đóng gói, 5 máy niêm phong, 18 thiết bị sản xuất. Ước tính, tổng số tang vật được thu giữ có giá trị lên tới hơn 100 triệu tệ (tương đương 332 tỷ đồng). 

Toàn bộ các thỏi son đóng mác hàng nổi tiếng đều được gia công sơ sài, bẩn thỉu. Sau khi hoàn thành, sản phẩm được cho vào hộp nhái gần như giống hệt đồ chính hãng, nếu không tinh ý có thể không phát hiện ra. Những cây son này được đổ buôn với giá rất rẻ, chỉ vài tệ, thậm chí vài hào một thỏi (tức chưa đến 5 nghìn đồng). Sau đó, các đầu mối bắt đầu bán ra với giá thành cao hơn, tuy nhiên vẫn rẻ hơn nhiều so với son chính hãng. Điều này đánh vào tâm lý của những cô gái thích mua son giá mềm.

Các loại mỹ phẩm tại đây cũng rất đa dạng, từ những cây bút kẻ mắt hoặc mascara có giá vài chục tệ cho tới những dòng sản phẩm cao cấp có giá lên tới cả ngàn tệ.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo)

Tin trong ngày
Các tin khác
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn