11/15/2018 1:32:00 PM
.

Cảnh báo những loại thuốc bị làm giả, kém chất lượng đang bị thu hồi trên thị trường


Thời gian gần đây, Bộ y tế liên tục đưa ra những thông báo về việc thu hồi, đình chỉ lưu hành một số loại thuốc bị làm giả hay không đạt chỉ tiêu chất lượng trên thị trường hiện nay. Người dùng cần thận trọng khi sử dụng các loại thuốc này.

Thu hồi thuốc chữa viêm đại tràng Hipolten do không đảm bảo chất lượng

Được biết, loại thuốc bị thu hồi là thuốc viên bao đường Hipolten (Mộc hoa trắng 500mg), SĐK: VD-19547-13, lô SX: 010318, NSX: 29.3.2018, HD: 29.3.2021, do Cty Cổ phần Dược, Vật tư Y tế Hải Dương sản xuất. Loại thuốc này có thành phần hoạt chất cao Mộc hoa trắng là thuốc tiêu hóa có tác dụng chữa trị chứng viêm đại tràng cấp và mãn tính, các chứng lỵ amip như đau bụng, đi ngoài liên tục, đầy hơi, phân dính máu. Mẫu thuốc lấy tại Công ty TNHH Dược phẩm Á Châu (quầy 306, Trung tâm Hapu Medicenter, số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội) không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng.

Vì vậy Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có văn bản xử lý loại thuốc này.

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Giám đốc Chi nhánh Cty Cổ phần Dược, Vật tư Y tế Hải Dương tại Hà Nội, Công ty TNHH Dược phẩm Á Châu thực hiện thu hồi triệt để lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên đã phân phối trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Các cơ sở y tế công lập trực thuộc ngành, các cơ sở y tế ngoài công lập, doanh nghiệp kinh doanh thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn khẩn trương rà soát, thu hồi lô thuốc viên bao đường Hipolten (Mộc hoa trắng 500mg) bị đình chỉ lưu hành. Phòng y tế các quận, huyện, thị xã thông báo đến cơ sở hành nghề trên địa bàn quản lý; tiến hành kiểm tra, giám sát việc thu hồi của cơ sở có kinh doanh, sử dụng loại thuốc bị đình chỉ lưu hành nói trên.

Phát hiện thuốc kháng sinh Pan-Amoclav bị làm giả

Theo thông báo được phát đi, tại công văn số 21117/QLD-CL, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cho biết thuốc kháng sinh giả Pan - Amiclav 1g có thông tin trên nhãn thuốc là Pan-Amoclav 1g (Amoxicllin & Acid Clavulanic), số lô: 0390618, hạn dùng: 180621, SĐK: VN-23986-17, nhà sản xuất: Panpharma S.A (Z1 Du Clairay-Lutre, 35 133 Forgeres-France), nhà nhập khẩu: Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn.

Được biết, Pan-Amoclav 1g là kháng sinh kết hợp, được chỉ định điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn đường mật, bệnh lậu…

Nhằm đảm bảo sức khỏe và quyền lợi cho người dân, Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu Sở Y tế các địa phương chỉ đạo bệnh viện công lập trực thuộc ngành, cơ sở y tế ngoài công lập, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn tuân thủ việc kinh doanh, mua bán thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; rà soát hoạt động của cơ sở, nếu phát hiện thấy thuốc có thông tin như đã nêu, khẩn trương thông báo và phối hợp với cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý. 

Cục Quản lý dược cũng đề nghị các địa phương tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng về thông tin thuốc giả nói trên, nâng cao cảnh giác của người kinh doanh dược phẩm cũng như người dân.

Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu Phòng y tế các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thông báo đến cơ sở hành nghề trên địa bàn quản lý thực hiện kinh doanh thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các cơ sở.

Sốc với thông tin thuốc chữa bệnh từ thịt người của Trung Quốc

Mới đây, ngày 9/11, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã ra văn bản gửi các sở y tế 63 tỉnh thành liên quan đến thông tin loại thuốc trên.

Theo Cục Quản lý dược, gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về việc Nigeria phát báo động gấp khi có hàng trăm ngàn viên thuốc Trung Quốc làm từ thịt người lưu hành tại nước này. Tổ chức tiêu chuẩn Nigeria xác nhận có dược phẩm của Trung Quốc trên thị trường Nigeria chứa thành phần thịt người. Các thuốc này ở dạng viên con nhộng được quảng cáo có tác dụng hỗ trợ tăng sức đề kháng, điều trị ung thư, tiểu đường và một số bệnh nan y giai đoạn cuối.

Trong công văn gửi các Sở Y tế, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã khẳng định không cho phép đăng ký, sản xuất, nhập khẩu và lưu hành các thuốc “làm từ thịt người” tại Việt Nam. Cục Quản lý Dược đề nghị người dân không mua, bán, sử dụng các sản phẩm thuốc không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý Dược còn yêu cầu các Sở Y tế phối hợp với các đơn vị chức năng như Hải quan, Quản lý thị trường, Công an, Ban chỉ đạo 389 tăng cường kiểm tra các hoạt động kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Hà Nội yêu cầu thu hồi và ngừng lưu thông thuốc trị tiểu đường chứa chất cấm

Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) đã có Công văn số 554/YDCT-QLD thông báo về sản phẩm có nhãn ghi: "Viên thuốc màu xám" (thuốc trị bệnh tiểu đường) dương tính với Phenformin.

Mẫu sản phẩm "Viên thuốc màu xám" được lấy tại tỉnh Cần Thơ do Nhà thuốc YHCT tư nhân Vạn Tế Sanh sản xuất và không có thông tin về số lô, hạn dùng, số đăng ký. Sản phẩm này qua kiểm nghiệm dương tính với Phenfomin - đây là hoạt chất đã bị các nước trên thế giới và cả Việt Nam cấm lưu hành từ nhiều năm qua.

Thực hiện theo Công văn số 554/YDCT-QLD của Cục Quản lý Y Dược cổ truyền (Bộ Y tế) thông báo về sản phẩm có nhãn ghi là Viên thuốc màu xám, thuốc trị bệnh tiểu đường dương tính với Phenformin. 

Sở Y tế Hà Nội cũng đã ngay lập tức phát đi văn bản thông báo gửi đến các đơn vị y tế, UBND quận, huyện, thị xã, các cơ sở hành nghề trên địa bàn quản lý không kinh doanh, sử dụng sản phẩm Viên thuốc màu xám; kiểm tra, xác minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm và báo cáo kịp thời về Sở Y tế Hà Nội trước ngày 9/11.

Với các cơ sở y tế công lập trực thuộc ngành, cơ sở y tế ngoài công lập, doanh nghiệp kinh doanh thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn khẩn trương rà soát, ngừng kinh doanh, sử dụng sản phẩm mang tên Viên thuốc màu xám (thuốc trị bệnh tiểu đường).

Đồng thời, các đơn vị y tế thông tin đến bệnh nhân, người dân không buôn bán, sử dụng sản phẩm có thông tin nói trên do sản phẩm có chứa hoạt chất Phenformin (loại chất đã bị cấm sử dụng trong sản xuất thuốc trị tiểu đường). 

Theo Sở Y tế Hà Nội, Phenformin được sử dụng để điều trị đái tháo đường tại Mỹ từ những năm 1950. Tuy nhiên, đến năm 1973, Phenformin bị cấm sản xuất và lưu hành do ghi nhận hàng loạt ca tử vong liên quan đến nhiễm acid lactic sau khi dùng thuốc. Việc điều trị bằng thuốc này dễ xảy ra các tác dụng phụ, biến chứng gây tử vong, đôi khi diễn biến tử vong rất nhanh mà không tìm được nguyên nhân.

Hiện Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đã cấm lưu hành Phenformin nhưng nhiều cơ sở sản xuất thuốc Đông y vẫn trộn thuốc này và không gắn nhãn mác, gây nguy hiểm cho người bệnh. 

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo)

.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn