3/24/2021 8:51:00 AM
.

Lật tẩy những chiêu trò tinh vi của những kho hàng giả khủng


Thời gian vừa qua, lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều kho hàng giả, hàng nhái với số lượng lớn. Chủ của những kho hàng này đã sử dụng nhiều chiêu trò tinh vi để qua mắt lực lượng chức năng.

Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Hưng Yên vừa hoàn tất việc tịch thu, niêm phong toàn bộ số hàng hóa vi phạm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh áo phông và áo khoác có dấu hiệu giả mạo nhiều nhãn hiệu thời trang nổi tiếng như “BALENCIAGA”, “LOUIS VUITTON”, “BURBERRY”, “GUCCI” tại địa chỉ Thôn 1, xã Quảng Châu, thành phố Hưng Yên.

Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết: Trước đó, ngày 19/3/2021, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Hưng Yên đã phối hợp với Đội cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Hưng Yên kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng may mặc của bà Trần Thị Huyền, địa chỉ tại thôn 1, xã Quảng Châu, thành phố Hưng Yên. Trong quá trình kiểm tra, phát hiện tại cơ sở đang sản xuất sản phẩm áo phông, áo khoác các loại mang nhãn hiệu “BALENCIAGA”, “LOUIS VUITTON”, “BURBERRY”, “GUCCI” có dấu hiệu là hàng giả mạo nhãn hiệu.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh theo quy định, không xuất trình được hợp đồng gia công và hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Trong khi đó, sau 6 tháng để điều tra, truy vết, các cơ quan chức năng đã tìm ra kho hàng lớn, chứa hàng hoá giả các thương hiệu nổi tiếng thế giới được đặt ở Nam Định. Cùng với giao dịch hàng tháng lên tới hàng tỷ đồng, trị giá kho hàng khi bị bắt giữ cũng lên tới gần 6 tỷ đồng.

Theo số liệu thống kê ban đầu, kho hàng chứa khoảng gần 20.000 sản phẩm, chủ yếu là túi xách "nhái" các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Hermès, Channel, Gucci...

Sau khi bắt giữ, lực lượng chức năng phải sử dụng xe tải 3,5 tấn, vận chuyển hơn 10 chuyến mới có thể di chuyển hết số hàng vi phạm.

Cơ quan chức năng cũng xác minh nguồn gốc số hàng trên và được đại diện các hãng hàng trên tại Việt Nam khẳng định rằng đây không phải là sản phẩm do họ sản xuất và phân phối.

Hiện nay, trên thị trường, một chiếc túi Hermès chính hãng có giá hàng trăm triệu đồng, tùy thuộc vào kiểu dáng, kích thước, màu sắc, chất liệu da. Tuy nhiên, một chiếc túi xách giả nhãn hiệu Hermès và các túi xách giả thương hiệu nổi tiếng trên được giao bán trên mạng xã hội chỉ có giá khoảng 500.000 đồng. Nếu bán ra, tổng số hàng hoá trên trị giá gần 6 tỷ đồng.

Có thể thấy, chỉ cần lướt trên nhiều sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Lazada, Shopee hay các trang cá nhân trên Facebook, người dùng dễ dàng tìm thấy những chai nước hoa hàng hiệu nổi tiếng thế giới như Chanel, Hermès, Gucci... hay giày Nike, Adidas có giá chưa đến 200.000 đồng trong khi giá hàng chính hãng cao hơn gấp 10 lần trở lên. Còn trong giới chuyên kinh doanh hàng hiệu fake (F1) online tại TP.HCM, nhắc đến cái tên Ch., hầu hết dân chuyên săn hàng fake không ai không biết. Ngày 16.3, trên trang Facebook của Ch. đăng giới thiệu 29 tấm hình túi xách đủ màu sắc, toàn những mẫu túi đeo tay của các thương hiệu nổi tiếng: LV, Chanel, Gucci, Tory Burch... với lời quảng cáo “hàng xịn giá rẻ như hạt dẻ”.

Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết hầu như ngày nào cơ quan này cũng nhận được các báo cáo liên quan đến hoạt động bán hàng qua mạng. Bên cạnh đó, hiện một số thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng TMĐT tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất. Hành vi bán hàng giả qua TMĐT ngày càng tinh vi và liều lĩnh hơn. Một số thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng TMĐT tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất.

Các thủ đoạn được các đối tượng sử dụng như: lập nhiều tài khoản Facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng); một số người nổi tiếng thường xuyên chia sẻ, livestream và đăng các bài quảng cáo các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Theo cơ quan QLTT, hiện có hơn 30 ngành hàng bị làm giả, làm nhái tại Việt Nam. Trong đó, có hai loại là hàng giả bán giá rẻ, hàng giả bán giá “thật” và loại thứ 2 mới gây “nguy hiểm”, gây khó cho người tiêu dùng và quản lý. Thường để triệt phá một đường dây kinh doanh bán hàng trên mạng, lực lượng QLTT phải đeo bám rất sát, mất nhiều ngày, thậm chí cả tháng mới tìm được manh mối đầu nậu và tiếp cận, tìm thời cơ để “đánh úp”.Ông Trần Hữu Linh cho rằng bản chất của việc bán hàng trên mạng là người bán và người mua không gặp mặt nhau. Đặc biệt, những kho hàng giả được đặt tại các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, trong căn hộ chung cư cao cấp thì một mình QLTT không thể tiếp cận sát được, chỉ là từ xa. Thứ hai là cần sự phối hợp của an ninh mạng. Chẳng như vụ phát hiện kho hàng hiệu làm giả tại Nam Định là từ một livestream bán hàng trên mạng, QLTT phải lần theo dấu vết mất 6 tháng mới tìm kho đầu nậu.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo - Link gốc)

.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn