2/25/2019 10:01:00 AM
.

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý nông sản tại nước ngoài: Doanh nghiệp Việt thờ ơ?


Trong những năm gần đây, số lượng chỉ dẫn địa lý nông sản tại Việt Nam tăng mạnh. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn đang thờ ơ trong việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý nông sản Việt tại nước ngoài, gây ra nhiều rủi ro cho sản phẩm khi xuất khẩu.

Nhiều doanh nghiệp Việt thờ ơ trong việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý nông sản tại nước ngoài

Chỉ dẫn địa lý là tài sản quốc gia, có vai trò và tầm quan trọng do chỉ dẫn địa lý gắn với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, điều kiện sản xuất, đặc trưng về chất lượng và danh tiếng của sản phẩm. Việt Nam là một nước có nhiều sản phẩm đặc sản nông sản. Do vậy, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các đặc sản có tác động không nhỏ tới giá trị của sản phẩm, giúp người nông dân có thể bán được nông sản với giá cao…

 Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, hiện có tới hơn 80% lượng hàng nông sản của nước ta được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Ví dụ như chè Việt Nam là một sản phẩm có tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý thương hiệu ở tầm quốc gia và 80% sản lượng chè sản xuất trong nước được xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ, song rất ít người tiêu dùng nước ngoài biết đến thương hiệu chè Việt Nam. Lý do là phần lớn chè của chúng ta được xuất khẩu ở dạng thô, rời, chưa chế biến sâu. Các doanh nghiệp nước ngoài sau khi nhập về mới chế biến và bán dưới tên, thương hiệu chè của nhiều nước như: Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc...

Như vậy, nếu không đăng ký bảo hộ ở nước ngoài, CDĐL có thể bị cá nhân hoặc tổ chức khác đăng ký độc quyền. Rất nhiều trường hợp CDĐL nổi tiếng của VN đã bị “âm thầm lấy mất” theo cách này nhưng doanh nghiệp vẫn không phát hiện ra, tiêu biểu là vụ việc CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột.

Vào tháng 6/2011, nhờ thông tin trên internet, công ty SHTT Bross & Partners đã tình cờ phát hiện ra nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột (được bảo hộ CDĐL ở VN từ năm 2005) đã bị một công ty Trung Quốc đăng ký độc quyền nhãn hiệu thời hạn 10 năm, bắt đầu từ 2010 và 2011 cho một số loại sản phẩm cà phê trên toàn lãnh thổ Trung Quốc. Mặc dù lý lẽ thuộc về VN, nhưng chúng ta cũng phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để đi kiện, “đòi” lại tên “Buôn Ma Thuột”. Rất nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra với nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre,...

Vai trò của việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý nông sản tại nước ngoài

Bảo hộ sở hữu trí tuệ có nguyên tắc cơ bản là bảo hộ theo lãnh thổ cho nên nhãn hiệu của chúng ta được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam thì chỉ có giá trị tại Việt Nam, không được bảo hộ tại lãnh thổ của nước khác.

Do đó, nếu không đăng ký ở một nước khác đồng nghĩa với khả năng nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý có thể bị đăng ký bởi một doanh nghiệp khác và họ trở thành chủ sở hữu nhãn hiệu, độc quyền sở hữu nhãn hiệu cho sản phẩm đã được đăng ký.

Hệ quả là, họ có quyền yêu cầu cơ quan hải quan ngừng thông quan nhập khẩu đối với hàng hóa cùng nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý vào thị trường đó vì đã bị coi là vi phạm sở hữu trí tuệ. Chính vì vậy, để bảo vệ thương hiệu, các doanh nghiệp cần chủ động xác định, chọn thị trường tiêu thụ quan trọng ở nước ngoài để đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình.

Ông Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) đã từng trả lời báo chí: “Theo đánh giá của tôi thì số lượng và chỉ dẫn địa lý được bảo hộ ở Việt Nam thì chỉ sau Thái Lan, đứng thứ 2 trong các nước Đông Nam Á. Còn việc đăng ký nước ngoài thì còn hạn chế, mà việc đăng ký nước ngoài rất quan trọng để bảo vệ thị trường của chúng ta ở nước ngoài. Vấn đề sắp tới đây là cần phải hỗ trợ, hướng dẫn và giúp các địa phương có sản phẩm đặc sản tiến hành thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ không chỉ ở trong nước mà cả các nước là thị trường tiềm năng".

Theo thống kê, đến nay Việt Nam có gần 1.000 sản phẩm đặc sản ở các vùng miền. Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đối với các sản phẩm này ở trong nước cũng như ở nước ngoài là vô cùng quan trọng.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo)

Tin trong ngày
Các tin khác
.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn