2/10/2023 8:57:00 AM
.

Đắk Lắk: Phát triển cà phê đặc sản từ chỉ dẫn địa lý


Để Đắk Lắk trở thành điểm đến của cà phê thế giới, người sản xuất đang hướng đến phát triển cà phê đặc sản nhằm tăng giá trị và chất lượng khi bán ra thị trường.

Là cây trồng chủ lực của tỉnh với hơn 200.000 ha, cà phê Đắk Lắk đóng góp bình quân mỗi năm hơn 450.000 tấn, nâng tổng sản lượng cà phê Việt Nam lên 1,5 triệu tấn.

Hướng đến phát triển cà phê đặc sản

Để nâng cao giá trị hạt cà phê, những năm qua, Đắk Lắk đã có nhiều chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ ngành hàng phát triển bền vững. Nhờ đó, tập quán canh tác cà phê của nông hộ đã có nhiều thay đổi tích cực khi đáp ứng được các yêu cầu và được cấp Chứng nhận quốc tế UTZ, 4C, Rainforest, FLO.

Đặc biệt, 12 công ty được cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột với tổng diện tích gần 13.600 ha, sản lượng đăng ký hơn 44.600 tấn/năm luôn chú trọng nâng cao chất lượng, giá trị của cà phê.

Niên vụ 2016 - 2017, 2017 - 2018, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã lấy gần 130 mẫu cà phê tại các vùng nguyên liệu trên địa bàn để các chuyên gia thử nếm quốc tế đánh giá chất lượng. Kết quả cho thấy, hơn 10% mẫu cà phê có điểm số thử nếm đạt từ 80 điểm trở lên và có thể sản xuất sản phẩm cà phê đặc sản. Thông qua Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2019 trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7, nhiều lô hàng của Đắk Lắk đã được tôn vinh và công nhận đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản.

Gia đình anh Tạ Duy Thanh (thôn Thanh Cao, xã Ea Tân, huyện Krông Năng) có gần 3 ha cà phê cũng đã liên kết với Hợp tác xã (HTX) Ea Tân (xã Ea Tân, huyện Krông Năng) từ nhiều năm nay để sản xuất cà phê theo hướng bền vững.

Anh Thanh cho hay: “Khác với sản xuất, chế biến cà phê thông thường, dòng cà phê cao cấp – cà phê đặc sản được trồng, chế biến đòi hỏi kỹ thuật nhiều hơn nhưng lại cho giá trị cao hơn gấp 3 lần so với sản xuất thông thường. Đặc biệt, cà phê đặc sản phải hái chín đến 90%, ngoài ra phải áp dụng phân bón đúng số lượng và hàm lượng nên giảm được công và chi phí”.

Còn gia đình ông Lê Văn Tâm ở thôn Cao Thành (xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột) có 4,5 ha cà phê, từ năm 2018, ông bắt đầu chuyển đổi phương pháp canh tác để làm cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản. Từ đó, gia đình ông xây dựng vườn cà phê sinh thái theo hướng hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ, chỉ thu hái khi cây có tỷ lệ quả chín trên 95%…

Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, thị trường cà phê đặc sản được hình thành cách đây khoảng 30 năm, đầu tiên là ở Mỹ, sau đó là các nước Châu Âu, Nhật Bản... Thị phần loại cà phê này chiếm khoảng 2% tổng sản lượng cà phê thế giới. Tuy rằng, thị phần thấp nhưng đem lại giá trị gia tăng cao gấp từ 5 đến 10 lần tùy theo loại cà phê. Đây là tiềm năng rất lớn để tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển cà phê đặc sản trong tương lai.

Phải có chiến lược tốt để nâng giá trị hạt cà phê

Để có được cà phê đặc sản đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới, đòi hỏi quy trình khắt khe từ khâu trồng đến chế biến, bảo quản. Cà phê được chế biến rất kỳ công, hái chín chọn lọc bằng tay 100%, được kiểm soát lên men nguyên trái theo phương pháp chế biến tự nhiên hoặc thóc với mật ong và trải qua giai đoạn phơi chậm. Toàn bộ quá trình này giúp hình thành những hương vị mới cho cà phê. 

Trong khi đó, việc sản xuất cà phê đặc sản đang có lỗ hổng rất lớn về chế biến sau thu hoạch. Cà phê đặc sản có những hương vị rất đặc biệt, được tạo ra từ vùng trồng, đặc biệt là phương pháp chế biến.

Thực tế, các nước sản xuất, xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới cũng đã hình thành khai thác phân khúc thị trường cao cấp này và đang đẩy mạnh truyền thông, quảng bá thương hiệu như: Brazil, Indonesia hay Hiệp hội Cà phê đặc sản châu Phi. Tuy nhiên, Việt Nam đang yếu ở khâu thu hoạch và chế biến sau thu hoạch.

Ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột - cho biết: “Lâu nay, chúng ta phải nhờ các chuyên gia nước ngoài. Nước ta chưa có bộ hướng dẫn chuẩn do các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước biên soạn. Bây giờ tìm người để tập huấn cho bà con nông dân về chế biến cà phê đặc sản trong nước rất hiếm. Tìm đơn vị có thể triển khai lớp tập huấn rất khó, không có nhiều”.

Theo kiến nghị của ông Trịnh Đức Minh, một trong những hướng giải quyết tạo uy tín cho thương hiệu cà phê địa phương là nên phát triển một phân khúc thị trường với chất lượng cao hơn nữa. Chất lượng đó tương đương với cái thừa nhận chung của thế giới về cà phê đặc sản. Vì thế, chúng ta nên có hướng phát triển cà phê chỉ dẫn địa lý theo hướng cà phê đặc sản với một thị trường quy mô nhỏ hơn và giá trị gia tăng cao hơn.

Được biết, tỉnh Đắk Lắk sẽ phát triển cà phê Robusta đặc sản tại 5 xã thuộc 3 huyện, thành phố gồm: huyện Krông Năng (xã Ea Tân, xã Ea Tóh); huyện Krông Pắk (xã Hòa An, xã Ea Yông) và TP Buôn Ma Thuột (xã Ea Tu) với tổng diện tích khoảng 1.060 ha vào năm 2025 và 2.120 ha vào năm 2030; sản lượng dự kiến khoảng 1.500 tấn vào năm 2030.

Hiện nay việc phát triển cà phê đặc sản ở Đắk Lắk mới chỉ ở đoạn đầu, với diện tích và sản lượng chưa nhiều song việc đẩy mạnh quảng bá giá trị cà phê đặc sản sẽ mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho dòng sản phẩm cà phê cao cấp này.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ - Link gốc)

Tin trong ngày
Các tin khác
.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn