10/4/2022 9:29:00 AM
.

Làng nghề mây tre đan Bao La khát khao mang thương hiệu vươn ra thế giới


Từ các cơ sở nhỏ lẻ, làng mây tre đan Bao La đã “lột xác” để trở thành "thủ phủ" của nghề thủ công mỹ nghệ tại Thừa Thiên Huế, hướng tới mục tiêu phát triển thương hiệu ra thế giới.

Sáng tạo để đi lên

Làng nghề đan lát mây tre Bao La (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) từ lâu đã nổi tiếng với những sản phẩm thủ công độc đáo, đẹp mắt. Sau những ngày mùa tấp nập, bà con nơi đây chọn mây tre đan làm nghề tay trái, kiếm thêm thu nhập. Trước đây, làng nghề chuyên sản xuất các đồ gia dụng như rổ rá, mủng,...

Sản phẩm từ làng Bao La nổi tiếng, được bán đi khắp nơi trong ngoài tỉnh, nhờ đó mà dân làng có "cần câu cơm" khi mùa màng thất bát.

Ông Võ Văn Dinh - Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) mây tre đan Bao La cho biết làng nghề này có tuổi đời hơn 600 năm, sau năm 1975 do điều kiện kinh tế khó khăn nên chỉ được duy trì trong các hộ gia đình. Những năm 2000, đồ nhựa, inox thâm nhập thị trường khiến giá cả, nhu cầu dùng các mặt hàng mây, tre giảm mạnh, nhiều hộ gia đình đã bỏ nghề.

Đến năm 2007, HTX mây tre Bao La được thành lập nhằm phát triển và bảo tồn làng nghề. Ông Dinh là một trong 4 người lên ý tưởng thành lập HTX để duy trì làng nghề.

Ông Dinh cho biết trước đó nghề mây tre đan được giao cho các tổ liên kết và HTX nông nghiệp quản lý nhưng hiệu quả không cao.

Hướng đến việc phát triển làng nghề bền vững, đáp ứng nhu cầu của thị trường, các thành viên HTX đã tập trung cải tiến chất lượng, phát triển mẫu mã, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làm ra. Thay vì làm những mặt hàng gia dụng, thô sơ, làng nghề sản xuất các mặt hàng mỹ nghệ, đồ dùng trang trí tinh xảo, độc đáo.

Làng nghề hiện có hơn 500 mẫu mã đan lát mây tre các loại, xuất phát từ tư duy sáng tạo của nghệ nhân nơi đây.

Ông Võ Chất - nghệ nhân chuyên sáng tạo các mẫu mã cho sản phẩm mây tre đan chia sẻ:  "Trung bình mỗi tháng chúng tôi có thể sáng tạo được 20 đến hơn 30 mẫu khác nhau. Ý tưởng bắt nguồn từ nhu cầu thường ngày, dựa theo hình dáng của cây, củ, quả, địa danh, hoặc lấy ý tưởng từ sản phẩm thuộc các nguyên liệu khác".

Để hoàn thành 1 mẫu, thông thường thợ lành nghề mất từ 3 - 4 ngày, hoặc hơn 1 tuần đối với sản phẩm khó. Sau khi lên ý tưởng, phác họa hình dáng, người thợ sẽ thực hiện gia công, chỉnh sửa, phân chia các công đoạn thực hiện, ước lượng nguyên liệu cho phù hợp. Cũng có những ý tưởng xuất phát từ yêu cầu của khách hàng, nghệ nhân là người thực hiện nó.

Nhờ vào khả năng sáng tạo của những nghệ nhân “chân đất”, các sản phẩm của làng nghề mây tre đan Bao La luôn độc đáo, riêng biệt và mang tính thẩm mỹ cao. Không những vậy, chất lượng sản phẩm luôn được kiểm duyệt rất kĩ càng ở từng công đoạn, từ chọn tre, xử lí nguyên vật liệu, chẻ tre, vuốt, đan, nứt vành,... Mỗi khâu đều có thợ lành nghề kiểm tra, chỉnh sửa.

Bên cạnh việc đa dạng mẫu mã, mây tre đan Bao La còn hướng đến việc tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường, không sử dụng hóa chất trong quá trình xử lý nguyên liệu.

Thông thường tre, lồ ô sử dụng trong đan lát sẽ được ngâm trong nước với lưu huỳnh để chống mối mọt, điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng. Vì vậy, nghệ nhân ở đây sử dụng hoàn toàn bằng các phương pháp thủ công để chống mối mọt.

"Chúng tôi thường chọn tre thật già, phải là tre được chặt từ tháng 2 đến tháng 6 âm lịch (giai đoạn tre không mọc măng); hoặc là ngâm tre trong bể bê tông với nước sạch. Sau khi  thành phẩm, sản phẩm sẽ được sấy thêm bằng máy để đảm bảo không còn mối mọt ảnh hưởng đến chất lượng", ông Chất nói.

Ước mơ "xuất ngoại"

HTX mây tre đan Bao La tạo việc làm cho 125 công nhân với mức thu nhập từ 3,5 - 6 triệu đồng/tháng. Năm 2021, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động kinh doanh mua bán trì trệ, HTX vẫn tạo ra các sản phẩm và thu về 4,2 tỷ đồng, tạo sinh kế cho người dân.

Ông Phạm Xuân Nam (64 tuổi), có hơn nửa cuộc đời gắn bó với nghề đan lát chia sẻ: “Ngoài kiếm thu nhập hàng tháng, chúng tôi làm việc với ý thức bảo vệ nghề, cố gắng để truyền đạt lại cho con cháu. Mong rằng sau này, con cháu tìm được hướng đi mới cho làng nghề, sản phẩm của làng nghề được đưa ra thế giới nhiều hơn”.

Hiện nay các sản phẩm mây tre Bao La đã trở thành thương hiệu có tiếng trên thị trường mây tre trong nước và cả nước ngoài. Mỗi tháng HTX sản xuất hơn 5000 sản phẩm các loại, đầu ra chủ yếu là thị trường Trung Quốc và phân phối trong nước. Ngoài ra, thông qua các “mối” lớn, hàng hóa của làng đã có mặt tại thị trường Thái Lan, Mỹ, các nước Châu Âu.

Ngoài ra, HTX cũng đang có những chính sách đầu tư phát triển làng nghề gắn với du lịch, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Với mong muốn đưa du lịch về làng nghề, 3 năm gần đây HTX mây tre đan Bao La đã đầu tư gần 700 triệu đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, máy móc sản xuất. HTX còn bố trí không gian triển lãm, trưng bày sản phẩm để du khách tham quan, trải nghiệm làng nghề.

"Thông qua việc tạo ra sản phẩm để sử dụng, chúng tôi cũng muốn quảng bá văn hóa, nét đẹp của quê hương đất nước đến với du khách. Nhiều sản phẩm thủ công chất lượng cao mô phỏng những địa danh nổi tiếng, đặc trưng của Huế như: Cầu ngói Thanh Toàn, Hoàng thành Huế; tháp Linh Mụ, cầu Trường Tiền,... Những sản phẩm này được kỳ vọng sẽ tạo dấu ấn riêng cho làng nghề mây tre đan Bao La, đưa chúng tôi vươn ra thế giới", ông Nam nhấn mạnh.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ - Link gốc)

.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn