9/13/2017 8:55:00 AM
.

Phát triển chỉ dẫn địa lý: Thiếu một chiến lược mang tầm quốc gia


Để phát huy giá trị của chỉ dẫn địa lý, các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý cần có sự thúc đẩy mạnh mẽ từ thị trường, đặc biệt là thu hút sự lựa chọn của người tiêu dùng. Tuy nhiên hiện nay, chúng ta còn thiếu chiến lược ở tầm quốc gia nhằm quảng bá, giới thiệu và thúc đẩy sản phẩm chỉ dẫn địa lý.

Về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN).

- Ông có thể cho biết hiện có bao nhiêu sản phẩm của Việt Nam đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) và hiệu quả từ điều đó?

- Việt Nam đã cấp văn bằng bảo hộ cho 56 CDĐL, bao gồm 6 của nước ngoài và 50 CDĐL của Việt Nam. Đã có 34 tỉnh, thành phố có CDĐL được bảo hộ, trong đó 11 tỉnh, thành phố có 2 CDĐL trở lên. Về cơ cấu, 47% sản phẩm được bảo hộ CDĐL là trái cây, 19% là sản phẩm từ cây công nghiệp và lâm nghiệp như quế, hồi, chè... Số còn lại là thủy sản, gạo và một số thực phẩm khác.

Sau hơn 10 năm thực thi Luật Sở hữu trí tuệ, hoạt động bảo hộ CDĐL cho các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã tác động tích cực đến nhận thức và sự quan tâm của cộng đồng, huy động được nguồn lực đầu tư của các địa phương và doanh nghiệp. CDĐL cũng đã góp phần duy trì, khẳng định danh tiếng, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị của các sản phẩm được bảo hộ. Sau khi được công nhận CDĐL, giá bán của nhiều sản phẩm có xu hướng tăng lên, tiêu biểu là nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang), cam Cao Phong (Hòa Bình), mật ong bạc hà Đồng Văn (Hà Giang)...

- Nhiều sản phẩm được bảo hộ đã phát huy hiệu quả, khẳng định được thương hiệu, nhưng vẫn còn một số sản phẩm chưa phát huy được thế mạnh. Ông nhìn nhận ra sao về vấn đề này?

- Mặc dù đã có tác động tích cực, nhưng hoạt động quản lý và sử dụng CDĐL hiện vẫn còn một số bất cập, khó khăn, tập trung vào hoạt động quản lý và sử dụng CDĐL sau khi được bảo hộ. Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, sau khi CDĐL được Nhà nước bảo hộ, hoạt động quản lý được giao về cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Nhưng hiện nay, đa số địa phương còn lúng túng trong việc tổ chức mô hình quản lý, thúc đẩy hoạt động khai thác, sử dụng CDĐL của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Chính vì vậy, nhiều CDĐL chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi.

Bên cạnh đó có nhiều nguyên nhân khác. CDĐL là một khái niệm mới, quá trình xây dựng và phát triển CDĐL bao gồm cả xây dựng pháp luật, thể chế, chính sách, giải pháp. Luật Sở hữu trí tuệ chưa có quy định cụ thể về nguyên tắc, nội dung, cấu trúc tổ chức quản lý CDĐL. Việc xây dựng chính sách, thể chế quản lý chủ yếu được giao cho các địa phương nên mô hình quản lý chưa có sự thống nhất về cách thức tổ chức. Để phát huy giá trị, CDĐL cần có được một sự thúc đẩy từ thị trường, đặc biệt là sự lựa chọn của người tiêu dùng. Tuy nhiên, chúng ta đang thiếu một chiến lược ở tầm quốc gia nhằm quảng bá, giới thiệu và thúc đẩy sản phẩm CDĐL nhằm đưa CDĐL trở thành một dấu hiệu ưu tiên lựa chọn của người tiêu dùng.

- Trong thực tế có không ít hiện tượng xâm phạm quyền đối với CDĐL và điều đó đã gây ảnh hưởng không có lợi cho uy tín, thương hiệu sản phẩm, quyền lợi của người tiêu dùng. Theo ông, đâu là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn và đẩy lùi hiện tượng này?

- Thực tế cho thấy, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi và phức tạp, CDĐL cũng không phải là ngoại lệ. Để giải quyết vấn đề này thì cần có sự quyết tâm từ nhiều cơ quan và các đối tượng liên quan. Với người tiêu dùng, cần cung cấp và nâng cao khả năng nhận diện các dấu hiệu CDĐL đối với sản phẩm, điều này sẽ đặc biệt khó khăn đối với sản phẩm nông sản do đặc điểm và cấu trúc kênh phân phối.

Việc vi phạm quyền đối với CDĐL cần phải được loại bỏ ngay từ cộng đồng sản xuất, kinh doanh sản phẩm đó. Có nghĩa là chúng ta phải kiểm soát ngay từ gốc, từ những tổ chức, cá nhân liên quan trực tiếp đến việc cung cấp sản phẩm ra thị trường. Điều đó đòi hỏi sự quan tâm của chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức được giao chức năng quản lý CDĐL. Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý thị trường, đặc biệt là cần có sự phối hợp của các hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp, tổ chức trong việc cung cấp thông tin về những trường hợp xâm phạm và hỗ trợ các cơ quan quản lý trong việc xử lý các trường hợp vi phạm đó.

- Với trách nhiệm của một cơ quan quản lý, Cục Sở hữu trí tuệ có những giải pháp và hành động cụ thể như thế nào để phát huy hiệu quả CDĐL, thưa ông?

- Hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ thường xuyên hỗ trợ, đồng hành cùng các địa phương trong việc xây dựng hồ sơ đăng ký, tổ chức quản lý và phát triển CDĐL. Cục đang triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển CDĐL như Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020, Dự án hỗ trợ phát triển CDĐL ở Việt Nam do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ... Chúng tôi đã chủ động xây dựng kế hoạch, báo cáo lãnh đạo Bộ KH-CN để trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến CDĐL. Mục tiêu là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các địa phương trong hoạt động quản lý CDĐL...

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nhanhieuviet (Theo hanoimoi.com.vn)

.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn