9/27/2022 11:05:00 AM
.

Sơn La chia sẻ kinh nghiệm bảo hộ sở hữu trí tuệ tại nước ngoài


Ngày 23/9, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Sơn La tổ chức Hội thảo "Những giải pháp thúc đẩy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam ở nước ngoài".

 Tỉnh Sơn La hiện nằm trong số những địa phương đứng đầu cả nước về sản lượng và chất lượng nông sản. Đồng thời, Sơn La cũng được biết đến là một trong những tỉnh năng động và đi đầu trong công tác xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực, tiềm năng của tỉnh để vươn ra thị trường quốc tế.

Tại Hội thảo, ông Lưu Bình Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La, thông tin: Những năm qua, hoạt động xây dựng thương hiệu trên địa bàn tỉnh Sơn La đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần tăng thu nhập cho người dân, sản phẩm làm tăng giá trị sản phẩm giá bán cao hơn so với trước khi chưa có thương hiệu. Từ đó, nhận thức của người dân về thói quen canh tác lạc hậu sang canh tác, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, sản xuất sản phẩm hàng hóa theo thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng, thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn vào xây dựng nhà máy, đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến để thực hiện chế biến sâu sản phẩm.

Tính đến hết tháng 8/2022, toàn tỉnh Sơn La có 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, gồm: 3 chỉ dẫn địa lý chè Shan tuyết Mộc Châu, quả xoài tròn của huyện Yên Châu, cà phê; 18 nhãn hiệu chứng nhận chè  ô long Mộc Châu, nhãn Sông Mã, cam Phù Yên, sơn tra, na Mai Sơn, nếp Mường Và, xoài Sơn La, cá sông Đà, mận… 3 nhãn hiệu tập thể mật ong Sơn La; chè Tà Xùa; khoai sọ Thuận Châu.

Đặc biệt là, Sơn La có 2 sản phẩm được bảo hộ tại nước ngoài là chè Shan Tuyết và xoài tròn Yên Châu được bảo hộ tại Châu Âu theo hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 7/2020; sản phẩm chè Shan Tuyết được bảo hộ tại Thái Lan năm 2017.

Năm 2021, 2 sản phẩm chủ lực của tỉnh là sản phẩm xoài và nhãn đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận "xoài Sơn La" và "nhãn Sơn La" tại Việt Nam, và đây cũng là 2 sản phẩm được lựa chọn để thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận "Sơn La" tại Trung Quốc.

Cũng tại hội thảo, ông Phan Ngọc Bắc, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La đã chia sẻ kinh nghiệm ban đầu để triển khai đăng ký các nhãn hiệu mang dấu hiệu chỉ dẫn địa lý nguồn gốc của sản phẩm tại Trung Quốc.

Thứ nhất, phải nghiên cứu tìm hiểu về pháp luật Trung Quốc, đánh giá các điều kiện của đối tượng mình đăng ký theo yêu cầu của pháp luật về nhãn hiệu ở Trung Quốc.

Thứ hai, xây dựng bộ hồ sơ pháp luật về nhãn hiệu của Trung Quốc.

Thứ ba, tra cứu nhãn hiệu dự định đăng ký tại Trung Quốc về cơ sở dữ liệu của cơ quan nhãn hiệu Trung Quốc và đánh giá khả năng bảo hộ của nhãn hiệu này.

Thứ tư là tiến hành nộp đơn và theo đuổi đơn.

Thứ năm là lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện và lựa chọn đơn vị chủ trì. Đây là công việc quan trọng. Đơn vị chủ trì phải có kinh nghiệm trong triển khai đăng ký nhãn hiệu Việt Nam ra nước ngoài, phải có uy tín chuyên môn cao về lĩnh vực sở hữu công nghiệp tại Việt Nam.

Thứ sáu, trong trường hợp về hình thức tổ chức thực hiện dự án chỉ sử dụng ngân sách nhà nước nếu sản phẩm có mang địa danh của tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La cũng chia sẻ về một số khó khăn vướng mắc khi triển khai đăng ký nhãn hiệu sang Trung Quốc.

Cụ thể, việc đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài nhất thiết phải thuê tổ chức đại diện sở hữu trí tuệ hoặc văn phòng luật sư trong và ngoài nước. Quy định của nhà nước về công tư vấn của luật sư là tính theo ngày công. Trong khi đó, thực tế hiện nay luật sư nước ngoài thì tính theo giờ công. Hơn nữa một số chi phí phát sinh trong quá trình đăng ký ở nước ngoài như bổ sung thông tin, tài liệu, phúc đáp yêu cầu của cơ quan đăng ký nhãn hiệu ở các nước mà đã được dự toán khi xây dựng nhiệm vụ khi chưa có cơ sở hoặc không được dự toán theo chi phí dự phòng.

Về tính hiệu quả, do phụ thuộc về luật pháp nhãn hiệu của mỗi nước nên rất khó đánh giá hiệu quả là đăng ký thành công hay không thành công.

Về thời gian, do phụ thuộc vào luật pháp nhãn hiệu của mỗi nước nên kết quả khó đáp ứng về thời gian. Thường là từ 2 đến 3 năm trong khi thực tế có những việc phải theo đuổi dài hơn.

Đối với vấn đề chuyên môn pháp luật mỗi nước về đăng ký nhãn hiệu chứng nhận sử dụng địa danh như nhãn hiệu Sơn La là khác nhau nên chủ thể yêu cầu hồ sơ đăng ký nhãn hiệu là khác nhau.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ - Link gốc)

.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn