4/26/2021 3:26:00 PM
.

Từ câu chuyện gạo ST25 bị bảo hộ tại nước ngoài: Các chuyên gia nói gì?


Thương hiệu gạo ST25 "ngon nhất thế giới" có nguy cơ bị mất vì một số doanh nghiệp tại Mỹ đang xúc tiến đăng ký quyền bảo hộ, sở hữu trí tuệ. Câu chuyện này đang tiếp tục gióng lên một hồi chuông cảnh báo về những bất cập trong xây dựng thương hiệu nông sản tại Việt Nam.

Câu chuyện thương hiệu gạo ST24, ST25 có nguy cơ bị mất vì 4 doanh nghiệp nước ngoài đăng ký thương hiệu tại Mỹ đã thu hút sự quan tâm của báo chí.

Chia sẻ về điều này, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương Vũ Bá Phú cảnh báo, nếu không làm gì, làm không kịp thời có thể thương hiệu gạo ST25 sẽ bị mất. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải chứng minh gạo ST25 là do ông Hồ Quang Cua nghiên cứu giống lúa và đã đem đi thi ở Philippines được giải nhất.

"Từ trường hợp thương hiệu gạo ST25 tiếp tục là hồi chuông cảnh báo cho tất cả các doanh nghiệp khi đã có định hướng xuất khẩu phải xây dựng chiến lược cho mình. Trong đó có việc xây dựng phát triển thị trường gắn với bảo vệ và bảo hộ, đăng ký sở hữu trí tuệ cho thương hiệu, sản phẩm xuất khẩu, nhãn hiệu thương mại là ưu tiên hàng đầu. Doanh nghiệp cần dành chiến lược và nguồn lực một cách tương xứng và việc này phải hoàn toàn do doanh nghiệp chủ động.

Với những doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhà nghiên cứu, sáng chế cá nhân thì cần chủ động liên kết doanh nghiệp có quy mô lớn, có tiềm lực tài chính để hỗ trợ sản xuất, phân phối sản phẩm, gắn với bảo vệ thương hiệu sản phẩm trên thị trường, tránh nguy cơ bị xâm phạm và đánh cắp thương hiệu", ông Vũ Bá Phú cho biết thêm.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch không đồng tình với cách giải thích này vì đẩy hết trách nhiệm đăng ký quyền bảo hộ thương hiệu, sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp là cơ quan này đang quên đi vai trò của mình.

Sự kiện gạo ST25 đoạt giải gạo ngon nhất thế giới là cơ hội để Việt Nam xây dựng thương hiệu gạo quốc gia. Vì vậy, các cơ quan nhà nước cần chủ động hỗ trợ doanh nghiệp và các hợp tác xã để đăng ký các nhãn hiệu tài sản quốc gia.

Nếu gạo ST24, ST25 bị đăng ký bản quyền tại Mỹ trước tiên doanh nghiệp sẽ rất thiệt. Vì nếu muốn xuất khẩu 2 loại gạo này sang Mỹ sẽ buộc phải xin phép và phải trả tiền sử dụng thương hiệu, nếu không sẽ vi phạm sở hữu trí tuệ. Tất nhiên, để bảo vệ sẽ phải đòi, sẽ kiện, sẽ đấu tranh nhưng rất mất thời gian và tốn kém bởi "chờ được vạ má đã sưng".

Hiện các đơn đăng ký bảo hộ ở Mỹ vẫn trong trạng thái đang chờ xử lý. Nghĩa là chưa có tổ chức, cá nhân nào được Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ cấp giấy văn bằng bảo hộ. Trong trường hợp này, chủ sở hữu tại Việt Nam có thể khiếu nại đến Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ để đề nghị hủy bỏ các đơn đăng ký trên và tiến hành thủ tục đăng ký "chính chủ".

Giai đoạn này xử lý đơn giản và đỡ tốn kém nhất vì khi Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ đã cấp bảo hộ cho tổ chức, cá nhân khác việc đòi lại rất khó.

Bình luận về thông tin gạo ST25 bị một số doanh nghiệp Mỹ nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ, Ths. Vũ Xuân Trường, chuyên gia thương hiệu (Viện Nghiên cứu chiến lược cạnh tranh và thương hiệu – BCSI) thẳng thắn cho biết, nếu ST25 đang gặp vấn đề nêu trên thì đó là điều không có gì mới. Lĩnh vực nông sản của chúng ta đã có rất nhiều trường hợp tương tự như cà phê Trung Nguyên, kẹo dừa Bến Tre, cà phê Buôn Ma Thuột… 

“Đối với các thương hiệu nông sản nổi tiếng, chúng ta mới đặt được nền móng ban đầu, còn việc xây dựng và phát triển thương hiệu chưa làm được nhiều. Thực tế cho thấy việc bảo vệ thương hiệu nông sản ở nước ta còn tồn tại rất nhiều bất cập. Những vụ việc như đánh mất chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa nông sản không còn là câu chuyện mới nhưng làm thế nào để hạn chế tình trạng này là vấn đề không đơn giản”, ông Trường cho biết.

Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, hiện nay có khoảng hơn 20% nhãn hiệu nông sản Việt Nam được đăng ký, song tình trạng các nhãn hiệu hàng hóa bị xâm phạm ngày càng tăng. Chưa kể, bảo hộ sở hữu trí tuệ có một nguyên tắc cơ bản là bảo hộ theo lãnh thổ. Vì vậy, nhãn hiệu của chúng ta được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam thì chỉ có giá trị bảo hộ tại Việt Nam, không được bảo hộ tại lãnh thổ nước khác. Việc chúng ta không đăng ký ở một nước khác đồng nghĩa với khả năng nhãn hiệu (hay chỉ dẫn địa lý) của chúng ta có thể bị đăng ký bởi một DN nước họ và họ trở thành chủ sở hữu nhãn hiệu, độc quyền sở hữu nhãn hiệu đó cho sản phẩm đã được đăng ký.

Ông Trường chia sẻ thêm, để hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho DN, ở cấp độ vĩ mô chúng ta đã có Chương trình Thương hiệu Quốc gia được ra đời từ năm 2003. Tuy nhiên, DN Việt Nam vẫn còn khá thờ ơ với chương trình này. Một số liệu thống kê cho biết, có đến 80% DN Việt chỉ chi ra 5% doanh số cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Chính bởi vậy, các sản phẩm nông sản của ta dù có chất lượng cao nhưng vẫn chưa tìm được vị trí xứng đáng ở cả thị trường nội địa và quốc tế.

Ở một góc độ khác, GS.TS.Nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho biết, vấn đề xây dựng thương hiệu của gạo ST25 còn nhiều bất cập. Thứ nhất, tác giả của Việt Nam không mặn mà trong việc làm thương hiệu do thủ tục làm thương hiệu của Việt Nam còn nhiêu khê. Có rất nhiều điều kiện để bảo đảm sản phẩm này là của tác giả đó nên thủ tục làm rất khó khăn và tốn kém. Bên cạnh đó, do ta vẫn làm ăn manh mún, nhỏ lẻ; DN, hợp tác xã chưa gắn kết với nhau nên không bảo đảm được sản lượng gạo đáp ứng nhu cầu phía đối tác khi muốn xuất khẩu lâu dài với sản lượng lớn và chất lượng đồng đều sang một thị trường nào đó. Đây là cái khó để ta bảo hộ nhãn hiệu độc quyền ở một thị trường nước ngoài và xuất khẩu sang đó.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo - Link gốc)

Tin trong ngày
Các tin khác
.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn