2/12/2020 9:03:00 AM
.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU: Vận hội và thách thức cho ngành logistics


Với tốc độ phát triển hàng năm đạt 16 - 20%, dự kiến, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ giúp gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics và có tác động đáng kể đến triển vọng thị trường và lĩnh vực logicstic Việt Nam.

Thị trường nhiều triển vọng

Số liệu của Tổng cục Hải quan, 11 tháng 2019 XK của nước ta đạt 241,7 tỷ USD, tăng 7,9% so cùng kỳ 2018, đạt chỉ tiêu 7 - 8% Quốc hội giao; kim ngạch NK đạt 230,7 tỷ USD, tăng 6,6% so cùng kỳ. Tổng kim ngạch XNK đạt khoảng 472 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm. Với tiến độ như hiện nay, tổng kim ngạch XNK sẽ vượt mốc 500 tỷ USD vào nửa sau tháng 12/2019.

Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA đã được ký ngày 30/6/2019 và đang trong quá trình phê chuẩn nội bộ để chính thức có hiệu lực. Dịch vụ logistics như vận tải và hỗ trợ vận tải… là những dịch vụ có các cam kết đáng chú ý, theo hướng mở - mạnh hơn đáng kể so với Hiệp định Thương mại quốc tế (WTO). Với tốc độ phát triển hàng năm đạt 16 - 20%, dự kiến EVFTA sẽ giúp gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics và có tác động đáng kể đến triển vọng thị trường và ngành logicstics Việt Nam.

Theo báo cáo của Businesswire (công ty nghiên cứu thị trường), thị trường logistics bên thứ tư (4PL) của châu Âu đạt 15,94 tỷ USD năm 2018 và dự báo sẽ tăng trưởng 4,6%/năm trong giai đoạn 2019 - 2027, đạt 23,79 tỷ USD vào năm 2027, trong đó thị trường EU vẫn chiếm tỷ trọng chính.

Phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), bà Đinh Bảo Linh cho biết, nhu cầu về dịch vụ 4PL sẽ gia tăng do sự phức tạp trong hoạt động của chuỗi cung ứng, mối quan hệ của các nhà bán lẻ và người tiêu dùng cuối cùng để hỗ trợ các dịch vụ đa kênh đang thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường logistics bên thứ tư. Ngoài ra, sự kết hợp của các dịch vụ logistics của các bên liên quan trong bán lẻ trực tuyến, cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng thị trường logistics của bên thứ tư trong giai đoạn dự báo.

Bà Linh cho rằng, trong những năm qua, các nhà bán lẻ đã phụ thuộc rất nhiều vào các nhà cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba (3PL) về vận chuyển, thực hiện đơn hàng và khả năng lưu kho. Tuy nhiên, với thị trường thương mại điện tử đang bùng nổ theo cấp số nhân, nhu cầu về chủng loại sản phẩm đa dạng tăng lên dẫn đến việc phải kết hợp tốt hơn giữa các bên liên quan trong chuỗi cung ứng để giải quyết sự phức tạp đó một cách hiệu quả.

Cơ hội và thách thức

Cũng theo Businesswire, cho đến cuối năm 2019, thị trường logistics bên thứ tư của EU vẫn có tính phân mảnh cao. Chính phủ các nước thành viên EU cũng đã có các sáng kiến khác nhau để thúc đẩy thị trường logistics của bên thứ tư.

Phân khúc mô hình tích hợp đang dẫn đầu thị trường logistics bên thứ tư và dự kiến sẽ tiếp tục có tỷ trọng lớn nhất, theo đó các nhà cung cấp dịch vụ logistics bên thứ tư tham gia vận hành và quản lý giải pháp chuỗi cung ứng đầu cuối toàn diện cho một khách hàng. Mô hình này tận dụng các nguồn lực, công nghệ và khả năng của 4PL và các nhà cung cấp dịch vụ bổ sung để cung cấp giải pháp chuỗi cung ứng toàn diện nhằm tăng giá trị cho khách hàng của họ. Nhìn rộng ra, tất cả các DN B2B tập trung vào mô hình tích hợp nhiều giải pháp để tối ưu hóa chuỗi cung ứng của họ và đảm bảo dịch vụ khách hàng tốt nhất. Thực phẩm và đồ uống là các phân khúc trên thị trường bán lẻ triển vọng cao đối với nhà cung cấp dịch vụ 4PL.

Hiện tại, thị trường Tây Âu tiếp tục chiếm tới 90% thị trường logistics châu Âu, nhưng các quốc gia Trung và Đông Âu sẽ cho thấy tốc độ tăng trưởng trong tương lai cao hơn. Thị trường logistics Tây Âu sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2016 - 2020 thực tế là 1,6%, trong khi các quốc gia Trung và Đông Âu hàng đầu sẽ tăng trưởng với tốc độ 4,8%/năm trong cùng giai đoạn. Có 8/10 nước EU đứng trong nhóm 10 thị trường có chỉ số LPI cao nhất theo xếp hàng của WB 2018.

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh, Nguyễn Cảnh Cường cho rằng, sự phát triển của thị trường logistics tại EU, mang lại nhiều cơ hội đi kèm thách thức cho các DN và người lao động. Sự tăng trưởng này, đặt ra cho DN vấn đề phải tăng trưởng hay bị thôn tính. Việc mở rộng thị trường sẽ đối diện với gia tăng sức ép cạnh tranh. DN có thể bị mất nhân lực giỏi vào tay đối thủ cạnh tranh.

Đối với người lao động, theo ông Cường, sự phát triển của thị trường logistics tại EU làm tăng thêm cơ hội việc làm, thêm cơ hội và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đi kèm với đó là thu nhập và phúc lợi tăng. Nền kinh tế Việt Nam có cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài cùng công nghệ hiện đại và phương pháp quản trị tiên tiến trong lĩnh vực logistics.

Ông Cường đưa ra một số gợi ý đối với DN logistics: “Các DN phải chấp nhận cạnh tranh. Muốn vậy, phải đầu tư hạ tầng và công nghệ, cải tiến quản trị, nâng cao kỹ năng quản lý và chăm sóc khách hàng. Muốn có năng lực cạnh tranh tốt hơn, DN có thể sáp nhập hay bán cổ phần để tạo thành một DN mới lớn mạnh hơn. Cần phải cải tiến chế độ phân phối thu nhập để khuyến khích, giữ nhân viên giỏi, trong khi có quy chế đào thải nhân viên kém”.

Thay đổi để thích ứng

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải và Thương mại đường sắt (RATRACO) Nguyễn Tuấn Vinh đánh giá, chất lượng hạ tầng, dù đã được đầu tư, song vẫn chưa đáp ứng được thực tế phát triển (đặc biệt là cảng biển, đường sắt) chi phí cao, kết nối hạ tầng (bao gồm cả kết nối hạ tầng thông tin) yếu. Kết nối phương tiện kém (do phần lớn hàng vận chuyển dạng rời).

Chi phí của từng hình thức vận tải đều cao. Vận tải đa phương thức để kết hợp các ưu điểm của từng phương thức vận tải cũng chưa phát triển hiệu quả ở Việt Nam. Khả năng xếp dỡ và trung chuyển container còn hạn chế, mức độ container hóa thấp (do thiếu cơ sở hạ tầng dịch vụ đóng gói, xử lý container). Nhận thức của DN Việt về chi phí logistics, thuê ngoài dịch vụ logistics và năng lực của DN logistics Việt Nam còn thấp.

Nếu chúng ta có thể khắc phục được hạn chế trên, đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ và tăng tính kết nối của phương tiện, sẽ giảm chi phí vận tải, nâng cao được chất lượng dịch vụ logistics. Giảm chi phí logistics đồng nghĩa với việc thúc đẩy sự phát triển của hàng hóa XNK, đẩy mạnh phát triển kinh tế quốc gia.

Để tận dụng các cơ hội kinh doanh đến từ chính các cam kết trong hiệp định EVFTA, theo ông Vinh, các DN logistics Việt Nam cần có kế hoạch khắc phục các hạn chế hiện tại, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

Theo đó, DN kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức cần tự tìm hiểu, chủ động thay đổi tư duy về logistics và chi phí logicstics trong sản xuất, kinh doanh để giảm chi phí logistics của DN, góp phần tối ưu hóa chi phí logistics quốc gia.

DN cần áp dụng các giải pháp để tối ưu hóa, giảm chi phí vận tải nội bộ DN. Chọn phương án vận chuyển trực tiếp trong điều kiện có thể để giảm các chi phí trong hành trình.

Cần phải cải thiện - tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối thông tin. Sử dụng các hệ thống phần mềm, nền tảng tối ưu logistics, đặc biệt với mạng logistics toàn cầu. Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực, bảo đảm năng lực chuyên môn.

Song song với đó là cải thiện quy mô vốn, năng lực quản lý và phạm vi hoạt động kinh doanh, đặc biệt thông qua việc tận dụng cơ hội liên doanh với các nhà đầu tư, cung như tìm các kênh thích hợp để tăng liên kết với các DN cung cấp các dịch vụ logistics khác nhau (hàng tàu, đại lý thương mại, bảo hiểm…).

Nhanhieuviet (Theo Thương hiệu & Công luận - Link gốc)

Tin trong ngày
Các tin khác
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn