8/19/2016 9:12:00 AM
.

Hiệp định TPP: tranh cãi xung quanh các quy định về dữ liệu


 

Vẫn còn tồn tại nhiều tranh cãi về việc liệu hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) có cần thiết cho sự tăng trưởng thương mại số hay không.

Hiệp định này đã được ký kết bởi 12 quốc gia ở khu vực vành đai Thái Bình Dương, chiếm 40% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, TPP vẫn chưa được thông qua bởi quốc hội của tất cả các nước thành viên.

Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ, trong đó có IBM eBay Inc, cho rằng chương thương mại điện tử trong hiệp định TPP sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp và cả người tiêu dùng bằng cách loại bỏ rào cản đối với tự do thông tin.

Trong khi đó, một số tổ chức phi lợi nhuận lại lo ngại rằng các quy định liên quan đến các nhà cung cấp dịch vụ internet trong chương sở hữu trí tuệ là không đủ linh hoạt, và một số quy định liên quan đến quyền kỹ thuật số có thể trở thành rào cản công nghệ đối với những người khuyết tật.

Việc bỏ phiếu thông qua hiệp định TPP tại Mỹ sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả của cuộc bầu cử tổng thống tại quốc gia này - dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 11 năm 2016.

Các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực phần mềm và ứng dụng di động, trong đó có Liên minh Phần mềmBSA và Hiệp hội các ứng dụng di động ACT cho biết các điều khoản về dữ liệu của TPP rất quan trọng đối với thương mại kỹ thuật số và tăng trưởng kinh tế.

Việc các dữ liệu có thể tự do lưu chuyển qua biên giới sẽ tạo điều kiện cho việc trao đổi các ý tưởng, những khám phá khoa học và các công nghệ mới. Đồng thời, việc cấm các quy định nội địa hóa, trong đó yêu cầu các dữ liệu được tạo ra ở một nước phải được lưu trữ trên máy chủ tại nước đó, sẽ giúp tăng các hoạt động kinh doanh và tăng cạnh tranh.

Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình cho rằng TPP đã không cho các nước thành viên đủ sự linh hoạt cần thiết trong việc quyết định nên tuân theo khuôn khổ nào để có thể hạn chế trách nhiệm của các ISP đang chứa các nội dung vi phạm. Hiệp định TPP yêu cầu các nước thành viên phải tuân theo hệ thống "Thông báo và Gỡ bỏ" tương tự như ở Mỹ.

Bên cạnh đó, các quy định bảo vệ quyền kỹ thuật số củaTPP sẽ khiến người khiếm thị, khiếm thính hoặc thính lực kém khó có khả năng tiếp cận các tác phẩm có bản quyền.

Tương lai của TPP vẫn chưa chắn chắn. Theo các chuyên gia thương mại quốc tế, khoản thời gian chuyển tiếp khi bầu cử quốc hội Mỹ đã xong nhưng những đại biểu cũ vẫn tại vị và những đại biểu mới chưa tham gia vào quốc hội có thể là cơ hội tốt nhất để hiệp định TPP được Quốc hội Mỹ thông qua.

Nếu sau khoản thời gian trên, việc thông qua hiệp định TPP sẽ phụ thuộc vào thành phần của quốc hội Mỹ mới. Ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton và cùng ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa, ông Donald Trump, đều không ủng hộ hiệp định TPP.

Theo ông David Glynn, luật sư đồng thời là nhà tư vấn về các vấn đề thương mại quốc tế tại công ty Holland & Hart LLP ở Denver (Mỹ), nếu TPP không được quốc hội Mỹ thông qua trong năm 2016, thì trong tương lai TPP không chắc sẽ được thông qua.

Lĩnh vực công nghệ tại Mỹ đã tích cực thúc đẩy việc thông qua TPP. Liên minh lợi ích thương mại Mỹ (Trade Benefits America Coalition) – các công ty như eBay Inc, Microsoft Corp và IBM là thành viên của tổ chức này, đã cố gắng giúp các thành viên của quốc hội Mỹ nhận thức được các lợi ích thương mại mà TPP mang lại cho lĩnh vực công nghệ Mỹ thông qua các cuộc họp cá nhân, báo chí địa phương, website và công bố các dữ liệu.

BSA cũng tham gia viết thư ngỏ gửi đến các ứng cử viên tổng thống để thể hiện sự ủng hộ của tổ chức này đối với TPP. BSA cũng đã gặp các thành viên Quốc hội Mỹ nhiều lần trong năm 2016 để thảo luận về tầm quan trọng của TPP.

Trưởng bộ phận quản lý các vấn đề liên quan đến quy định và chính phủ của công ty IBM, ông Debra Marks cho biết IBM sẽ gặp gỡ các nhà lập pháp Mỹ trong tháng 8 năm 2016 để trình bày ý kiến của IBM đối với TPP, trong đó IBM sẽ tập trung vào chương thương mại điện tử của hiệp định này.

Theo ông Marks, TPP là một hiệp định hết sức tiến bộ và đảm bảo được sự tự do của internet và tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các công ty nhỏ.

Chương thương mại điện tử của TPP yêu cầu các nước thành viên cho phép các thông tin được lưu chuyển sang biên giới thông qua các phương tiện điện tử, bao gồm cả các thông tin cá nhân khi việc lưu chuyển thông tin này cần thiết đối với hoạt động kinh doanh.

Chương thương mại điện tử cấm các nước thành viên yêu cầu các công ty phải sử dụng máy chủ hoặc đặt máy chủ bên trong biên giới quốc gia mới được phép kinh doanh tại quốc gia mình – yêu cầu này thường được gọi là yêu cầu nội địa hóa dữ liệu.

Chương sở hữu trí tuệ củaTPP gồm các điều khoản bảo vệ các ISP, giúp các ISP không phải chịu trách nhiệm đối với các nội dung vi phạm được đăng bởi người sử dụng dịch vụ của ISP, miễn là các ISP kịp thời gỡ các nội dung này xuống khi nhận được thông báo.

Chương sở hữu trí tuệ cũng cấm các hành vi phá vỡ các biện pháp công nghệ giúp kiểm việc truy cập vào các tác phẩm được bảo vệ.

Nếu thế giới không có hiệp định TPP?

Ông Carl Schonander, Giám đốc chính sách công quốc tế thuộc hiệp hội ngành phần mềm và công nghệ thông tin cho biết, sự phát triển, ứng dụng và đổi mới của trí tuệ nhân tạo, của các vật dụng kết nối mạng Internet và của điện toán đám mây đều yêu cầu dữ liệu phải được tự do lưu chuyển. Sẽ rất khó có được đầy đủ các lợi ích do những công nghệ trên mang lại nếu như không có các luồng dữ liệu xuyên biên giới.

Bà Victoria Espinel, chủ tịch đồng thời là giám đốc điều hành của BSA cho biết, các điều khoản liên quan đến luồng dữ liệu và nội địa hoá dữ liệu trong TPP không tồn tại trong bất kỳ hiệp định thương mại nào khác. TPP là hiệp định quốc tế đầu tiên có các quy định chặt chẽ về vấn đề dữ liệu. Theo các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ Mỹ, nếu TPP không được quốc hội Mỹ thông qua, thì các quốc gia khác sẽ trở thành người đầu tiên đưa ra các tiêu chuẩn toàn cầu về thương mại xuyên biên giới. Các tiêu chuẩn được các quốc gia khác đưa ra có thể sẽ không có các quy định về dữ liệu duy nhất, vốn mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế số.

Ông Stephen Ezell, Giám đốc chính sách đổi mới toàn cầu thuộc công ty  Information Technology and Innovation Foundation tại Washington, cho biết, nếu việc việc thông qua TPP thất bại thì đây sẽ là thảm họa đối với nền kinh tế số. Theo ông Ezell, nếu Mỹ không có một hiệp định thương mại được lưu chuyển tự do thì Mỹ sẽ thật sự bỏ lỡ một cơ hội tăng trưởng.Ông Ezell cho biết, việc bảo đảm dữ liệu được lưu chuyển tự do xuyên biên giới là rất quan trọng khi nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu tiếp tục tăng trưởng. Theo báo cáo của TEKES – một công ty Công nghệ và Sáng tạo Phần Lan, một nửa các giá trị của nền kinh tế toàn cầu sẽ được tạo ra nhờ vào kỹ thuật số vào năm 2025.

Ông Schonander cho biết nếu Mỹ không thông qua TPP, các quốc gia khác, trong chẳng hạn như Trung Quốc, có thể sẽ có ảnh hưởng nhiều hơn đến các hiệp định định hướng phát triển thương mại trên thế giới, và những hiệp định này rất có thể sẽ không có các quy định về thương mại kỹ thuật số tương tự như trong TPP. Thay vào đó, các quốc gia này có thể sẽ đưa vào các hiệp định thương mại những quy định liên quan đến nội địa hóa dữ liệu hoặc tăng các điều kiện để có thể xem mã nguồn.

Ông Morgan Reed, giám đốc của ACT cho biết, hiện mối lo ngại liên quan đến việc quốc gia nào sẽ là người dẫn đầu trong việc thiết lập các tiêu chuẩn cho thương mại kỹ thuật số là lớn nhất. Theo ông, nếu quốc gia như Trung Quốc trở thành người dẫn đầu trong việc “xác định xem điều gì là thích hợp đối với nền kinh tế số” thì sẽ rất nguy hiểm. Do đó, ông Reed cho rằng Mỹ bắt buộc phải là quốc gia dẫn đầu thiết lập các quy tắc về thương mại kỹ thuật số trong tương lai.

Nhưng không phải tất cả mọi người đều cho rằng hiệp định TPP cực kỳ cần thiết cho lĩnh vực công nghệ. Ông Jeremy Malcolm, nhà phân tích chính sách toàn cầu cao cấp thuộc công ty Electronic Frontier Foundation, nhận định nếu hiệp định TPP không được thông qua thì lĩnh vực công nghệ cũng chỉ chịu rất ít tác động từ việc này.

Dòng chảy dữ liệu tự do

Các tổ chức hoạt động trong ngành công nghiệp Internet có cái nhìn khác nhau về vấn đề trên. Ông Ari Giovenco, giám đốc ban thương mại và chính sách quốc tế thuộc Hiệp hội internet– hiệp hội mà Facebook, Google, và Amazon tham gia làm thành viên, cho biết thương mại kỹ thuật số và dòng chảy dữ liệu tự do là yếu tố rất quan trọng trong việc bảo đảm ngành công nghiệp Internet có thể tiếp cận hơn 3 tỷ người sử dụng trên thế giới. Theo ông Giovenco, hiệp định TPP sẽ mang lại nhiều lợi ích cho toàn thể cộng đồng internet.

Theo ông Reed, các điều khoản về lưu chuyển dữ liệu xuyên biên giới của hiệp định TPP cũng cực kỳ quan trọng đối với lĩnh vực ứng dụng di động. Vì hầu hết mọi thứ người sử dụng thực hiện trên điện thoại thông minh đều liên quan đến dịch vụ điện toán đám mây.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của việc lưu chuyển dữ liệu xuyên biên giới không chỉ gói gọn ở lĩnh vực công nghệ cao.

Theo bà Espinel, phần mềm phân tích dự báo – loại phần mềm khai thác các dữ liệu nhằm trích xuất thông tin và dự báo xu hướng cho các doanh nghiệp và tổ chức, thường hoạt động chính xác hơn nếu có thông tin từ nhiều khu vực. Ngoài ra, khu vực thu thập dữ liệu và khu vực cần phân tích dữ liệu thường không phải lúc nào cũng cùng một nơi. Bà Espinel cho biết, việc sử dụng phần mềm phân tích để phát hiện gian lận rất cần đến dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới. Chẳng hạn, nếu một chủ thẻ tín dụng đang ở quốc gia thứ nhất, nhưng thẻ lại được sử dụng thanh toán ở quốc gia thứ 2, thì một công ty ở quốc gia thứ 3 vẫn có thể phân tích được dữ liệu thanh toán trên. Nếu dữ liệu không thể lưu chuyển tự do qua biên giới, thì các dữ liệu thu thập được đều trở nên không hữu dụng.

Những người ủng hộ cho rằng TPP bảo đảm cạnh tranh công bằng

Theo ông Reed, việc cấm sử dụng các quy định nội địa hóa dữ liệu sẽ giúp các công ty hoạt động trong lĩnh vực ứng dụng dịch chuyển kinh doanh và cạnh tranh tốt hơn tại thị trường nước ngoài.Các quy định nội địa hóa dữ liệu sẽ buộc các công ty Mỹ có hoạt động kinh doanh trên toàn cầu phải xây dựng hệ thống máy chủ hoặc phải mua dịch vụ máy chủ hiện có tại các quốc gia mà công ty có hoạt động kinh doanh. Theo ông Giovenco, việc thiết lập hệ thống máy chủ ở từng thị trường sẽ rất tốn kém đối với các công ty.Ông Reed cho biết quy định nội địa hóa dữ liệu sẽ khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng kinh doanh ra toàn cầu, đồng thời khiến người tiêu dùng khó mua được các các sản phẩm tốt có thể mang lại nhiều lợi ích.

Chẳng hạn như, một nhà phát triểnứng dụng Mỹ đã thiết kế được một ứng dụng nông nghiệp giúp trồng cây. Tuy nhiên, nhà phát triển này sẽ không thể giới thiệu ứng dụng trên đến các nông dân ở những nước đang thực thi quy định nội địa hóa dữ liệu nếu không thiết lập một hệ thống máy chủ tại những quốc gia này.

Theo ông Reed, việc cấm sử dụng các quy định nội địa hóa dữ liệu sẽ mang lại lợi ích cho tất cả công ty ứng dụng di động đang có các ứng dụng được sử dụng trên toàn cầu, bất kể quy mô công ty lớn hay nhỏ. Ông Reed cho biết các công ty cung cấp các ứng dụng phục vụ cho một địa phương cụ thể cũng vẫn được hưởng lợi ích từ việc cấm sử dụng các quy định nội địa hóa dữ liệu, vì các công ty này vẫn lưu trữ dữ liệu bằng phương pháp điện toán đám mây, và gia tăng cạnh tranh sẽ khiến dịch vụ điện toán đám mây giảm giá cả.

Hiệp định TPP có khả năng khiến người khuyết tật gặp khó khăn trong việc tiếp cận các tác phẩm có bản quyền

Một số nhà phê bình lo ngại TPP có thể ngăn chặn việc sử dụng công nghệ để chuyển những tác phẩm có bản quyền sang những định dạng khác dễ tiếp cận đối với những người khiếm thị, khiếm thính hoặc thính lực kém – những người rất cần âm thanh mô tả hoặc phụ đề mới thưởng thức được các tác phẩm có bản quyền trên.

Theo ông Malcolm, chương sở hữu trí tuệ củaTPP cấm hành vi phớt lờ các biện pháp an ninh công nghệ có mục đích hạn chế truy cập trái phép vào các tác phẩm kỹ thuật số có bản quyền. Bên cạnh đó, tuy chương sở hữu trí tuệ cho phép các nước thành viên TPP có các ngoại lệ đối với các quy định chống gian lận bản quyền, nhưng lại không bắt buộc tất cả các nước thành viên đều có trường hợp ngoại lệ. Những quy định trên khiến việc chuyển đổi hoặc tạo ra các công cụ giúp chuyển đổi các tác phẩm có bản quyền sang định dạng dễ tiếp cận hơn đối với người khuyết tật một cách phi lợi nhuận gặp nhiều khó khăn. Tuy TPP sẽ không ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của người khuyết tật trong hiện tại, nhưng hiệp định này sẽ khiến chúng ta không thể tiếp tục nâng cao khả năng tiếp cận của người khuyết tật đối với các tác phẩm có bản quyền trong tương lai.

Bà Krista Cox, giám đốc ​​chính sách công thuộc Hiệp hội các thư viện nghiên cứu (Association of Research Libraries) tại Washington, cho biết ngôn ngữ sử dụng trong các quy định liên quan đến quyền của người giữ bản quyền tác phẩm trong TPP lại mạnh hơn so với ngôn ngữ được sử dụng trong các quy định liên quan đến quyền lợi của người sử dụng tác phẩm. Theo bà Cox, ngôn ngữ được sử dụng trong các quy định liên quan đến các ngoại lệ về bản quyền của TPP đã có tiến bộ, tuy vậy bà Cox cho rằng vẫn cần sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ hơn cho các quy định này.

Bà Carolina Rossini, phó chủ tịch ban chính sách và chiến lược quốc tế thuộc tổ chức Tri Thức Cộng Đồng tại Washington, lại không cho rằng TPP sẽ tạo ra các rào cản đối với việc truy cập web. TPP có sự linh hoạt trong việc xác định phạm vi thích hợp của các quy định chống gian lận bản quyền, và ngoại lệ của các quy định này. Theo bà Rossini, sự linh hoạt trên tạo ra một không gian thoải mái để các nước thành viên TPP có thể thiết lập các quy định và chính sách tốt giúp giải quyết vấn đề tiếp cận internet của người khiếm thị.Tuy nhiên, bà Cox lại cho rằng TPP không có sự linh hoạttrong các điều khoản liên quan đến việc tạo ra không gian an toàn đối với các nhà cung cấp dịch vụ internet.

Chương sở hữu trí tuệ của TPP có các điều khoản tương tự như hệ thống “Thông báo và Gỡ bỏ” thuộc Đạo luật bản quyền thiên niên kỷ số của Mỹ, trong đó cho phép các ISP không phải chịu trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm của người sử dụng miễn là các ISP loại bỏ các nội dung này ngay sau khi nhận được thông báo vi phạm.

Phụ lục 18-E của chương sở hữu trí tuệ thuộc TPP cho biết, một nước thành viên có thể không áp dụng khuôn khổ thông báo và gỡ bỏ của hiệp định nếu, kể từ ngày TPP được ký kết, đã áp dụng hệ thống thông báo chuyển tiếp đến những đối tượng bị cáo buộc vi phạm.

Canada được miễn áp dụng khuôn khổ thông báo và gỡ bỏ của TPP theo phụ lục 18-E vì Canada đã sử dụng hệ thống "thông báo và thông báo". Theo hệ thống này, người nhận được thông báo phải có trách nhiệm xác định xem nội dung có vi phạm hay không.

Bà Cox cho biết hệ thống trên của Canada có thể tốt hơn so với hệ thống thông báo và gỡ bỏ của TPP, và các nước thành viên TPP được phép chọn hệ thống mà họ sẽ thực thi.

Hệ thống “thông báo và thông báo” mới hơn so với hệ thống thông báo và gỡ bỏ, và cần thời gian để biết hệ thống mới này có hiệu quả ra sao, nhưng điểm quan trọng là hiệp định TPP nên duy trì những sự linh hoạt tương tự như thế này hơn là cấm đoán chúng.

Vẫn còn nhiều vấn đề chưa chắc chắn ở phía trước

Theo các chuyên gia thương mại quốc tế, vì cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra, nên khả năng quốc hội Mỹ thông qua TPP là không chắc chắn.

Ông Ezell cho biết giai đoạn chuyển tiếp khi bầu cử quốc hội đã xong nhưng những đại biểu cũ vẫn tại vị và những đại biểu mới chưa tham gia vào quốc hội sẽ là cơ hội thông qua TPP tốt hơn so với khoảng thời gian sau khi tân Tổng thống Mỹ nhận nhiệm sở. Theo ông Ezell, khả năng TPP được thông qua sẽ lớn hơn nhiều nếu còn dưới thời của tổng thống Obama, thay vì dưới thời tổng thống Clinton hay tổng thống Trump.

Ngày 27 tháng 7 năm 2016, chủ tịch chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton, ông John Podesta cho biết bà Clinton không ủng hộ TPP và cũng không quan tâm đến việc đàm phán lại hiệp định này.Bên cạnh đó, vào tháng 6 năm 2016, ông Trump thẳng thắn tuyên bố ông sẽ rút Mỹ ra khỏi TPP trong bài phát biểu quan điểm của ông về chính sách kinh tế.

Trong khi đó, ông Obama lại tiếp tục khẳng định sự ủng hộ của ông đối với TPP. Theo ông Obama, TPP là cơ hội phát triển nền kinh tế Mỹ, đồng thời là cơ hội để Mỹ thiết lập các các quy tắc thương mại công bằng trong thế kỷ 21.

Ông David Olave, giám đốc ban quan hệ thương mại quốc tế và chính phủ của công ty Sandler Travis & Rosenberg PA, cho biết việc thông qua TPP trong giai đoạn chuyển tiếp là khó có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, ông Olave cho rằng khả năng TPP được thông qua sẽ lớn hơn nếu bà Clinton thắng cử tổng thống Mỹ.

Theo ông Olave, chiến dịch tranh cử của ông Trump có các luận điểm phản đối TPP rất gay gắt, do đó nếu ông Trump thắng cử thì Quốc hội Mỹ sẽ không thể bỏ phiếu về vấn đề này trong thời gian đương nhiệm của ông. Tuy nhiên, nếu bà Clinton thắng, các nghị viên thuộc đảng Cộng hòa hiện đang tại vị trong Quốc hội Mỹ có thể sẽ cảm thấy tốt hơn là thông qua TPP trước khi bà Clinton thay đổi nội dung hiệp định.

Ông Glynn cũng cho rằng khoản thời gian ngay sau khi bầu cử quốc hội Mỹ kết thúc là cơ hội tốt để tổng thống Obama trình bay hiệp định TPP trước quốc hội Mỹ. Bởi vì khi tân tổng thống Mỹ nhậm chức thì việc thông qua hiệp định sẽ gặp khó khăn. Cả hai ứng cử viên tổng thống hiện tại đều không ủng hộ TPP.

Ngay cả khi các nghị viên của đảng Cộng hòa - những người ủng hộ thương mại tự do, chiếm đa số ghế trong Quốc hội Mỹ thì tổng thống vẫn có quyền phủ quyết hiệp định này.

12 nước thành viên của hiệp định TPP gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.

Nhanhieuviet (Theo bna.com– TV)

.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn