12/2/2020 9:01:00 AM
.

“Quy tắc xuất xứ” trong RCEP: Khó hay dễ cho DN Việt Nam?


Nếu như quy định về chứng nhận xuất xứ hàng hoá để được hưởng ưu đãi theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có phần gây khó khăn cho Việt Nam vì chưa áp dụng cho đối tượng là nhà nhập khẩu đủ điều kiện để tự tuyên bố xuất xứ thì ở Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) quy tắc xuất xứ lại là một “điểm cộng” tương đối dễ dàng cho doanh nghiệp Việt Nam.

Chỉ 1 bộ quy tắc xuất xứ

Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RCEP được quy định ở Chương 3. Theo quy tắc này, hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu đáp ứng một trong ba trường hợp sau: Hàng hóa có xuất xứ thuần túy tại một nước thành viên; hàng hóa được sản xuất chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ từ một hay nhiều nước thành viên; hàng hóa sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ nhưng đáp ứng quy định tại Quy tắc cụ thể mặt hàng.

Trong Quy tắc cụ thể mặt hàng, ngoài việc áp dụng quy tắc hàm lượng giá trị giá khu vực (RVC) hoặc quy tắc chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC), một số dòng hàng hóa chất (thuộc các Chương 29 và 38) được áp dụng Quy tắc phản ứng hóa học tương đương với quy tắc RVC hoặc CTC.

Đối với Quy trình cấp và kiểm tra chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa bao gồm Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), chứng từ tự khai báo xuất xứ hàng hóa của nhà xuất khẩu đủ điều kiện, chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa của nhà xuất khẩu. Việt Nam cùng với các nước thành viên RCEP (trừ Campuchia, Lào, Myanmar) bắt đầu triển khai thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ của nhà xuất khẩu không quá 10 năm sau ngày thực thi Hiệp định. Trường hợp chưa thể triển khai thực hiện trong 10 năm này, các nước được phép gia hạn tối đa 10 năm nữa để thực hiện cơ chế này.

Phân tích rõ hơn, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, với tất cả các nước ASEAN thì đây là Hiệp định không hướng đến giá trị gia tăng mới về mở cửa thị trường do ASEAN đều đã có FTA với các đối tác. Thay vào đó, Hiệp định RCEP về cơ bản là thỏa thuận mang tính kết nối các cam kết đã có của ASEAN với 5 đối tác trong một Hiệp định FTA.

“Điều này thể hiện rõ ở nội dung Quy tắc xuất xứ khi doanh nghiệp chỉ phải sử dụng 1 quy tắc xuất xứ thay vì 5 bộ quy tắc xuất xứ riêng ở các FTA trước đây. Tương tự, các quy tắc về thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại cũng được thống nhất và tăng cường. Do đó, về cơ bản sẽ không tạo ra cam kết mở cửa thị trường hay áp lực cạnh tranh mới mà chủ yếu hướng đến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ”, bà Nga nói.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đánh giá, RCEP sẽ giải quyết được một số vấn đề lớn cho doanh nghiệp ngành dệt may khi Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam. Ngành dệt may kỳ vọng Hiệp định này sẽ tạo cho chúng ta có một thị trường rộng mở hơn ở quốc gia tỷ dân này.

Ngoài Trung Quốc thì theo ông Vũ Đức Giang, Nhật Bản cũng là một thị trường tiềm năng. Nếu như trước đó hàng may mặc vào thị trường này buộc phải chứng minh được nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ từ ASEAN và Nhật Bản trong khi Việt Nam nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu trong ngành này từ Trung Quốc. Nay với RCEP, hàng may mặc Việt Nam được sản xuất từ nguyên phụ liệu Trung Quốc cũng được hưởng ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Ngoài ra, RCEP tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ngành này dễ dàng khai thác lợi ích của các hiệp định đã có và thúc đẩy chuỗi sản xuất trong khu vực. Như vậy RCEP sẽ giúp hài hòa các cam kết, quy định trong FTA ASEAN+1 như hiện nay, đặc biệt là quy tắc xuất xứ và thuận lợi hóa thương mại.

Đặc biệt, một lợi thế lớn nữa từ RCEP sẽ tạo ra cho ngành dệt may được ông Giang chỉ ra là giải pháp thương mại của Hiệp định RCEP. Theo đó, RCEP sẽ tạo ra động lực phát triển công nghệ dệt may, giúp chuyển dịch cơ cấu dệt may của các nước trong khu vực vào thị trường Việt Nam và bổ sung được phần cung thiếu hụt của Việt Nam.

DN phải nắm “luật chơi”

Chia sẻ với báo chí ngay sau lễ ký kết Hiệp định RCEP, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên (Bộ Công Thương) cũng đã nhận định, quy tắc xuất xứ trong RCEP được coi là lợi thế của Việt Nam.

Cụ thể, RCEP đưa ra các quy tắc xuất xứ nhất quán trong khu vực. Điều này giúp loại bỏ nhu cầu tham chiếu nhiều FTA và điều chỉnh các thủ tục khác nhau cho các quốc gia khác nhau trong RCEP đối với cùng một loại hàng hóa. Ngoài các quy tắc đơn giản hóa quy trình và chi phí xuất nhập khẩu, quy tắc xuất xứ đơn giản hóa sẽ giảm thời gian và chi phí cho các nhà xuất khẩu Việt Nam, do đó tăng tỉ suất lợi nhuận và làm cho hàng hóa Việt Nam cạnh tranh hơn trên các thị trường RCEP.

Bên cạnh đó, RCEP cũng tiêu chuẩn hóa các quy tắc liên quan đến việc duy trì cạnh tranh thương mại. Các quy định về thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp được cho phép và thực hiện nhất quán trong toàn khu vực. Điều này sẽ thay thế các biện pháp phòng vệ thương mại trong nước. Điều đặc biệt là, RCEP không tạo ra một cơ chế giải quyết tranh chấp để thách thức việc một quốc gia áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một quốc gia thành viên khác.

Tuy nhiên, những nhà đàm phán của Việt Nam cũng chỉ ra rằng, ngoài việc mở cửa cho các nước RCEP về thương mại dịch vụ, hiệp định áp dụng quy chế quốc gia trong thương mại hàng hóa đối với tất cả các hàng hóa được phép theo Điều III của GATT 1994. Mặc dù điều này không thay đổi nhiều đối với thương mại giữa các nước ASEAN, nhưng nó đã làm giảm thuế quan của nhiều nước RCEP đối với hàng hóa Trung Quốc.

Các nhà sản xuất Việt Nam sẽ buộc phải cạnh tranh trong nước với một loạt hàng hóa mới có giá thành thấp hơn, do đó họ phải giảm giá và giảm lợi nhuận để cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu từ một chuỗi cung ứng lớn hơn và lâu đời hơn. Mặc dù hạn chế, có một số ngành sẽ bị ảnh hưởng bởi việc giảm thuế quan này.

Liên quan đến áp lực cạnh tranh của doanh nghiệp, ông Lương Hoàng Thái chia sẻ, DN hoàn toàn yên tâm vì Việt Nam “đi trước một bước”.

Bởi ngoài RCEP, Việt Nam đã có FTA trước với mức độ cao hơn so với RCEP. Ví dụ Nhật Bản đã có FTA song phương, FTA khu vực giữa ASEAN-Nhật Bản, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà hai bên cùng tham gia, mức độ mở cửa thị trường gần như 100% và lộ trình đi rất nhanh. 

Để khai thác triệt để lợi ích do Hiệp định RCEP cũng như các hiệp định FTA khác, ông Lương Hoàng Thái cho biết, việc đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam cần làm là nghiên cứu kỹ cam kết của Hiệp định, nhất là các cam kết liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của mình, chẳng hạn như lộ trình cắt giảm và xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam và của các nước tham gia Hiệp định, quy tắc xuất xứ của Hiệp định, cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, các quy định về thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại …

Ngoài các lợi ích, doanh nghiệp trong nước cũng cần chủ động nắm bắt và chuẩn bị trước về các tác động bất lợi mà Hiệp định RCEP gây ra, nhất là việc gia tăng cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa.

Bộ Công Thương sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận và khai thác tối ưu những cơ hội, thuận lợi mà Hiệp định RCEP đem lại, đây là điều khẳng định mà Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhiều lần nói trước báo chí cũng như yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai các kế hoạch nhằm tuyên truyền, phổ biến Hiệp định đến các đơn vị, tổ chức có liên quan và các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trước đó, chiều 23/11, tại cuộc làm việc với ngành dệt may, da giày Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ “rất ấn tượng về những thành công bước đầu quan trọng” của ngành dệt may, da giày khi xuất khẩu của ngành chiếm tỉ trọng lớn trong tổng kim ngạch quốc gia. Năm 2019, 2 ngành này đã xuất khẩu 62 tỷ USD, tương đương 24% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Trong năm 2021, Thủ tướng cho rằng, ngành dệt may cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu Việt Nam, liên kết chuỗi cung ứng, phát triển công nghiệp phụ trợ. Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp trong tình hình mới, “nhanh, quyết liệt để chiếm lĩnh, phát triển”.

Cần tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, vận hành doanh nghiệp dệt may, đưa doanh nghiệp dệt may tiếp cận với không gian chung của ngành thời trang thế giới. Tiếp tục tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, kể cả những yếu tố mới mà hiệp định RCEP mang lại, nhất là phát triển, mở rộng ngành sản xuất nguyên liệu, tăng tỷ lệ giá trị gia tăng, chủ động hơn trong chuỗi cung ứng. Thủ tướng cho rằng cần “tăng trưởng xanh” trong phát triển ngành dệt may, không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, áp dụng kinh tế tuần hoàn.

Nhanhieuviet (Theo Báo Chính Phủ - Link gốc)

Tin trong ngày
Các tin khác
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn