9/25/2017 10:43:00 AM
.

Sự minh bạch trong các cuộc đàm phán NAFTA và RCEP bị thu hẹp


Các điều khoản về thương mại kỹ thuật số đang được đàm phán một cách bí mật trong cả hai Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và Hiệp định thương Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Cả hai hiệp định đều kém minh bạch, khiến công chúng không thể biết được có những điều khoản nào đang được thảo luận, điều khoản nào đã được thống nhất và điều nào nào thì chưa. Điều này dẫn đến rủi ro là, vấn đề thương mại kỹ thuật số (quy định về bản quyền hoặc mã nguồn phần mềm) - một chủ đề quan trọng và đang gây tranh cãi - có thể bị đem ra mặc cả trong thương lượng về các vấn đề kinh tế lớn như tiền lương, sản xuất, giải quyết tranh chấp; Không ai biết mình sẽ thắng hay thua, cho đến khi các thỏa thuận NAFTA và RCEP được hoàn tất.

Và nguy cơ cao là sẽ không có những thỏa thuận tốt, do cả hai Hiệp định đều đang gặp phải nhiều khó khăn. Tháng trước, Tổng thống Donald Trump đã mô tả trên tài khoản twitter cá nhân rằng NAFTA (Hiệp định giữa 3 nước Hoa Kỳ, Canada và Mexico) là “thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất từ trước đến nay” và “có lẽ phải chấm dứt”. Việc sớm ký kết hiệp định khó có thể xảy ra, sau khi vòng đàm phán thứ hai kết thúc vào tuần trước ở Mexico. Ngay cả khi vòng đàm phán thứ ba tại Ottawa đã được lên kế hoạch vào ngày 23-27 tháng 9 năm 2017, những lo lắng về tương lai của Hiệp định đã khiến Mexico tăng cường thúc đẩy quan hệ thương mại với châu Á, Nam Mỹ và châu Âu.

Điều tương tự đang xảy ra với Hiệp định RCEP vốn được dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm nay (RCEP là Hiệp định bao gồm 10 quốc gia ASEAN và 6 đối tác có Hiệp định thương mại tự do với ASEAN). Khả năng RCEP được phê chuẩn trong năm nay dường như không thể xảy ra vì các quốc gia vẫn còn bất đồng trong một số lĩnh vực trọng yếu. Tin tức cho biết các nhà đàm phán đang ưu tiên kết thúc đàm phán sớm về vấn đề thương mại điện tử. Cho đến nay, nội dung này vẫn chưa được công bố rộng rãi và bên cạnh đó, tài liệu bị rò rỉ - “Điều khoản tham chiếu” của Nhóm đàm phán về Thương mại điện tử (WGEC) - cũng chỉ mang tính tham khảo về những vấn đề có thể đang diễn ra trong RCEP. Trước đây, chúng tôi đã cho rằng những nội dung về thương mại điện tử dự kiến sẽ ngắn hơn và không chi tiết bằng các chương về hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, việc các cuộc đàm phán diễn ra bí mật đã gây ra nhiều khó khăn để có thể dự đoán chính xác về tiến triển cũng như những mục tiêu của chính sách về thương mại điện tử.

Các cuộc đàm phán đang trở nên khép kín

Mặc dù Quỹ Biên giới điện tử (EFF) đã yêu cầu chính phủ Mỹ tăng cường mức độ minh bạch và cởi mở trong đàm phán, và đã được Đại diện thương mại Mỹ cam kết thực hiện, thế nhưng quá trình tái đàm phán NAFTA lại rất thiếu minh bạch, giống như quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây. Cho đến nay, vẫn không có bất cứ cuộc họp nào hiện diện đầy đủ các bên liên quan trong suốt quá trình tái đàm phán hiệp định. Do đo, Quỹ EFF đã gửi một bức thư - đồng ký tên bởi các tập đoàn lớn như Access Now, Creative Commons, Derechos Digitales, và OpenMedia - yêu cầu tổ chức lại cuộc họp với đầy đủ các bên liên quan, và đây được xem là bước đi đầu tiên trong hoạt động mở rộng các buổi đàm phán để có thể giám sát công khai hơn.

Tính minh bạch trong quá trình đàm phán RCEP cũng đang bị suy giảm. Tại một sự kiện công khai được phát trực tiếp trong vòng đàm phán được tổ chức tại Auckland, Bộ trưởng Thương mại New Zealand và các thành viên Ủy ban đàm phán thương mại (TNC) đã đưa ra một vài  câu hỏi từ  các bên liên quan đang sử dụng truyền thông xã hội. Những nhà tổ chức các vòng đàm phán trước đó tại Hàn Quốc và Indonesia cũng đã có những cuộc gặp chính thức và không chính thức với các tổ chức xã hội dân sự (CSOs). Tuy nhiên cơ hội tương tác giữa những nhà đàm phán và các bên liên quan đã giảm rõ rệt tại các vòng đàm phán gần đây. Các quốc gia chủ nhà đã hạn chế sự tham gia của các bên liên quan và theo dự đoán, điều này sẽ ngày càng gia tăng. Ví dụ, tại vòng đàm phán Hyderabad đã không có bất cứ cuộc họp báo hay tuyên bố chính thức nào được đưa ra từ đại diện chính phủ cũng như từ các nhà đàm phán kỹ thuật.

Sự vắng mặt của các bên liên quan ngày càng nhiều?

Việc không cho phép các bên liên quan tham dự đàm phán đã cho thấy quyền dân chủ ngày càng bị thu hẹp, chính phủ đã không để công chúng được cùng tham gia để phát triển chính sách. Chính các nước mà trước đây ủng hộ “mô hình nhiều bên liên quan” của thập kỷ trước, điển hình là Diễn đàn Quản lý Internet (IGF), thì giờ đây cũng đang có thái độ lạnh nhạt với nó. Lưu ý rằng, tuyên bố Hạ Môn đã được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 9 bởi các nhà lãnh đạo BRICS vào tháng này tại Trung Quốc. Tuy vậy, khác với quan điểm ủng hộ tiếp cận đa bên của nhóm, tuyên bố Hạ Môn đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ quyền quốc gia trong suốt các tài liệu của mình.

Xu hướng này không chỉ diễn ra trong Khối BRICS. Các nước phương Tây cũng đã dần loại trừ tiếng nói của xã hội ra khỏi việc phát triển chính sách, ngay cả khi họ tiến hành thử nghiệm những phương pháp để thu hút các tập đoàn lớn. Vào tháng 1 vừa qua, khi Đan Mạch công nhận công nghệ là một nội dung trong chính sách đối ngoại, họ đã bổ nhiệm một “đại sứ về số hóa” để làm việc liên quan với các công ty công nghệ cao như Google và Facebook. Đây là sự thay đổi mang tính thụt lùi, khi bỏ qua những bên liên quan khác bao gồm cả người sử dụng Internet và các tổ chức xã hội dân sự.

Do tính chất phức tạp của hoạt động đàm phán thương mại cũng như sự thay đổi nhanh chóng của môi trường số, không phải lúc nào các nhà đàm phán cũng được trang bị đầy đủ kiến thức để tiến hành đàm phán các thỏa thuận thương mại và đạt được kết quả công bằng mà không cần đến một cuộc thảo luận công khai mở rộng hơn về các vấn đề liên quan. Cụ thể, những điều khoản liên quan đến nền kinh tế kỹ thuật số trong các hiệp định thương mại có thể được đàm phán và ký kết trước khi họ hiểu biết đầy đủ về những hậu quả có thể xảy ra. Do đó, một quá trình tư vấn rộng rãi và cởi mở, đảm bảo sự nhìn nhận cân bằng hơn về các vấn đề đang gây tranh cãi có thể sẽ giúp ích cho đàm phán.

Sự cố chấp của Bộ Thương mại các quốc gia trong đó có USTR đối với các yêu cầu cởi mở và minh bạch hơn từ EFF hoặc từ Quốc hội đã cho thấy sẽ mất khá nhiều thời gian để chúng ta có thể chứng kiến một quá trình đầy đủ, cân bằng và có trách nhiệm hơn trong đàm phán thương mại. Nhưng các kênh khác để thảo luận về thương mại số, như IFG và OECD, vẫn đang tồn tại và có thể được sử dụng để thay thế cho cách đàm phán trên. Các cơ chế mềm mỏng và linh hoạt trong xây dựng những quy tắc về các vấn đề liên quan đến Internet, có một ưu điểm là cung cấp một kênh hợp tác và phối hợp chính sách mà không gò bó các nước bằng những bộ quy định, mà có thể nhanh chóng trở nên lỗi thời trong thời đại các mô hình kinh doanh và công nghệ liên tục phát triển.

Ưu ái mở cửa cho các doanh nghiệp vận động hành lang, trong khi kìm hãm những tổ chức xã hội dân sự, đây vốn không phải là mô hình mà các nhà đàm phán NAFTA và RCEP đã chọn. Mặc khác, thông điệp của tuần này gửi đến Bộ thương mại của Hoa Kỳ, Canada và Mexico chính là kêu gọi và yêu cầu họ có những phương pháp xử lý tốt hơn. Công dân Hoa Kỳ cũng có thể tham gia kêu gọi sự minh bạch bằng cách yêu cầu người đại diện cho mình ủng hộ điều khoản tăng cường minh bạch trong Đạo Luật Thương mại Mỹ.

Nhanhieuviet (Theo http://hoinhap.org.vn)

Tin trong ngày
Các tin khác
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn