3/14/2017 10:43:00 AM
.

Tiếng kèn TPP


Tổng thống Trump đã chính thức rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương vào hôm 23 tháng 1, ngay ngày đầu tiên ông nhậm chức Tổng thống. Động thái này đã chấm dứt mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và hiệp định thương mại “siêu khu vực” TPP, vốn nhằm tìm kiếm mối quan hệ hợp tác sâu rộng với mười một quốc gia khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương (Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam) để đạt được mức độ tự do hóa cao hơn về hàng hóa, dịch vụ, đồng thời bao quát toàn diện lĩnh vực thương mại dịch vụ, đầu tư, mua sắm của chính phủ, các biện pháp phi thuế quan và nhiều lĩnh vực khác. 

Chiếm 40% GDP thế giới và một thị trường xấp xỉ 800 triệu dân, mười hai nước thành viên TPP tham vọng làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế và chính trị, cắt giảm rào cản thương mại và thúc đẩy tăng trưởng thương mại. Quá trình chuyển đổi từ hiệp định “Thái Bình Dương 4” được ký kết vào năm 2005 (các quốc gia thành viên ban đầu là Brunei, Chile, New Zealand và Singapore) sang một thỏa thuận thương mại siêu khu vực như TPP được xem là vấn đề chính sách thương mại quan trọng nhất của khu vực này trong những năm qua. Mặc dù Hoa Kỳ dưới thời chính quyền Tổng thống Obama đã chính thức thông báo tham gia các cuộc đàm phán TPP vào tháng 11 năm 2009 nhằm đạt được một hiệp định thương mại tự do với các nước có chung ý tưởng, xu hướng chính trị và công chúng đan xen cảm xúc và đỉnh điểm kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống vào thời điểm đó đã dẫn tới việc mở rộng quy mô  hiệp định.

Gồm 30 chương và một loạt phụ lục khác, TPP là hiệp định thương mại tự do lớn nhất (FTA) từng được đàm phán trong lịch sử nhân loại. Cổng thông tin của Đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã xác định TPP là “một thỏa thuận toàn diện, sẽ mở ra các thị trường, đặt ra các quy tắc thương mại tiêu chuẩn cao và giải quyết các vấn đề thế kỷ 21 trong nền kinh tế toàn cầu”. Chính quyền của cựu Tổng thống Obama đã theo đuổi TPP như là công cụ thúc đẩy công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ. Với hơn 6000 trang, thỏa thuận TPP, một cách cụ thể, là một văn bản toàn diện quy định chi tiết phương thức tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ; các quy định môi trường nghiêm ngặt và tiêu chuẩn lao động mạnh mẽ; các nguyên tắc nền tảng nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân; các cam kết nhằm cải thiện tính minh bạch và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện hoạt động xuất khẩu; cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thúc đẩy sáng tạo, cũng như hỗ trợ tiếp cận thuốc tân dược, và; các nguyên tắc thúc đẩy mở cửa Internet và một nền kinh tế số đang phát triển.

Các học giả đã tìm thấy một loạt sự đồng thuận về các dấu hiệu đặc trưng được hứa hẹn bởi TPP. Thứ nhất, TPP đã cho phép tiếp cận thị trường toàn diện bao gồm tất cả các ngành thương mại (kể cả các dịch vụ tài chính), trừ các trường hợp miễn trừ cụ thể. Thứ hai, không giống như các hiệp định song phương khác, TPP đã có cơ chế toàn diện và xuyên suốt trong khu vực bao gồm các yêu cầu về quy định liên quan đến hàng rào phi thuế quan và minh bạch; Tạo thuận lợi kinh doanh để tăng cường khả năng cạnh tranh; Doanh nghiệp vừa và nhỏ; thủ tục hải quan, thuận lợi hóa thương mại, và xây dựng năng lực. Nó thậm chí còn đề cập đến các vấn đề thương mại mới nổi liên quan đến thương mại điện tử và nền kinh tế số, sự tăng trưởng bền vững và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Thứ ba, nó là thỏa thuận sống động và đầy năng lượng, vì bao hàm những vấn đề phổ biến của thương mại, FDI và công nghệ, và do đó, sẽ có đời sống lâu dài. Tính năng động của nó còn được phản ánh bởi cơ chế cho phép mở rộng nội dung bao phủ và sửa đổi trên cơ sở liên tục và thường xuyên.

Lợi ích thu được từ TPP

Các tổ chức tài chính quốc tế và các học giả thương mại có nhiều phản ứng khác nhau và thậm chí còn đặt câu hỏi về những lợi ích kinh tế của mình, đặc biệt đối với Hoa Kỳ. Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu 2016 của Ngân hàng Thế giới dự báo đến năm 2030, TPP sẽ tăng GDP các nước thành viên từ 0.4 đến 10 %. Tăng trưởng GDP lớn nhất không nằm ở Hoa Kỳ, mà ở các nền kinh tế nhỏ hơn, như Việt Nam (10%) và Malaysia (8%). Liên quan đến ảnh hưởng việc làm, báo cáo chỉ ra rằng TPP không có khả năng ảnh hưởng đến việc làm tổng thể về lâu dài. Tuy nhiên, nó có thể tạo ra sự dịch chuyển giữa các ngành và tính chất của công việc. Nhìn chung, các nền kinh tế tiên tiến sẽ phụ thuộc vào dịch vụ thương mại và sản xuất, trong khi các nước giàu tài nguyên lại có thể thu hút đầu tư và các sản phẩm cơ bản. Các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ gia tăng tiền công cho lao động thiếu kỹ năng (hơn 14%) vào năm 2030. Hoa Kỳ có thể thấy một mức tăng không đáng kể cho lao động thiếu kỹ năng (0,4%) và lao động có kỹ năng (0,6%).

Một nghiên cứu được tiến hành tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ước tính rằng, xét về mặt thu nhập, xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, TPP sẽ tăng 131 tỷ USD (hay 0,5% GDP) hằng năm cho Hoa Kỳ và 492 USD cho thế giới vào năm 2030. Mặc dù TPP không có khả năng ảnh hưởng đến việc làm tổng thể ở Mỹ, những vấn đề phát sinh cần được xem xét và giải quyết với sự trợ giúp của các cơ chế chính sách thích hợp.

Một cách ngẫu nhiên, TPP phục vụ một số lợi ích khác ngoài mục tiêu kinh tế. Theo quan điểm chiến lược, đấy là chính sách "tái cân bằng" ở châu Á với một vị thế được củng cố của Hoa Kỳ tại Châu Á và chống lại bá quyền khu vực của Trung Quốc. Chính sách tái cân bằng bao gồm các trụ cột chính trị, an ninh và kinh tế. Thật vậy, Hoa Kỳ thậm chí không phải là một bên của Hiệp định “Thái Bình Dương 4” ban đầu. Nhiều đồng minh của Hoa Kỳ ở châu Á đã ủng hộ sự tham gia nhiều hơn của Hoa Kỳ trong khu vực. Người ta cho rằng tiến bộ về kinh tế vẫn còn hạn chế, mặc dù đã có những thành tựu rõ ràng trên các mặt chính trị và an ninh.

Mặc dù là một quốc gia thương mại lớn ở châu Á, Trung Quốc không có tên trong TPP. Dù sao đi nữa, Trung Quốc đã đàm phán RCEP với 15 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương khác từ năm 2012 và gần đây nhất là chiến lược Một vành đai, Một con đường và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á. Các nhà kinh tế học và các nhà học giả thương mại nổi tiếng, trong đó có Giáo sư Jagdish Bhagwati và Giáo sư Raj Bhala, tán thành rằng TPP, chứ không phải thương mại, là về quan hệ đối tác chiến lược địa lý của Hoa Kỳ với các đồng minh ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Thêm vào đó, TPP đã tạo ra một đường hướng "cửa sau" để tạo ra một hiệp định thương mại tự do song phương giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, điều này có thể gặp nhiều khó khăn về mặt chính trị. Mặc dù là có mười hai quốc gia (tính đến năm 2016), TPP chủ yếu là một hiệp định thương mại tự do giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản và hai quốc gia này chiếm khoảng 60% lợi ích kinh tế.

Sự phản đối TPP từ công chúng Mỹ

Tuy nhiên, ngay từ trước chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ 2016, TPP đã thu hút rất nhiều sự phản đối từ phía công chúng, và sự phản đối này ngày càng dữ dội, đặc biệt ở tầng lớp người lao động. Người ta lo ngại vì đàm phán TPP luôn giữ bí mật, và có thể chỉ phục vụ cho lợi ích ngành dược phẩm và các ngành công nghiệp khác, và là một thỏa thuận “được sắp đặt” hơn là một thỏa thuận thương mại tự do.

Phái tân tự do chỉ trích TPP vì cho rằng TPP có thể gia tăng sự mất ổn định xã hội; Những hạn chế nghiêm trọng về các quy định về môi trường, sức khỏe và an toàn; thiếu quan tâm đến việc giảm nghèo; thất bại trong việc giải quyết vấn đề thao túng tiền tệ; Các điều khoản không đầy đủ về nhân quyền; và; thay đổi quá trình giải quyết tranh chấp bằng cách cho phép các công ty kiện chính phủ thay thay vì các tiêu chuẩn thông thường của WTO về các vụ kiện giữa chính phủ với chính phủ.

Các động thái này còn cắt bỏ quyền lợi cơ bản của đất nước thông qua các quy định về sức khoẻ, an toàn, môi trường hoặc quản lý an toàn, mà đối với một số doanh nghiệp nước ngoài có thể không phải là các biện pháp đầu tư thuận lợi. Chưa kể TPP có thể tăng giá thuốc và các nước thành viên nghèo hơn sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Nhà kinh tế học Joseph E. Stiglitz đã nhận xét rằng mặc dù TPP sẽ làm giàu cho các tập đoàn, nhưng nó “chẳng làm được gì cho người dân ở tốp giữa, và bỏ quên nhiều người dân dưới đáy”. Một người phê phán TPP khác, giáo sư Noam Chomsky cho rằng đây là một cuộc tấn công tự do kiểu mới “nhằm vào người lao động để củng cố sự thống trị của các siêu tập đoàn vì đưa lao động trên thế giới cạnh tranh với nhau để giảm tiền lương và làm tăng sự bất an.”. Chomsky gọi TPP mà chúng ta biết chỉ là "một nửa câu chuyện" vì một nửa công khai giữa hàng trăm luật sư và các nhà vận động hành lang công nghiệp còn nửa còn lại vẫn giữ bí mật trước công chúng. Cùng quan điểm, giáo sự Bhala mô tả TPP đồng nghĩa với “Trade Policy for Plutocracy” (tạm dịch: Chính sách thương mại của giới tài phiệt).

Tiến trình không thể đảo ngược của các FTA

Hiệp định về thỏa thuận ưu đãi thương mại (PTAs) đã trở thành một phần quan trọng của tiến bộ khu vực và tăng cường liên kết nội khối. PTA đóng vai trò thiết yếu trong quá trình "tự do hoá cạnh tranh" hay "tự do hóa song song" cho đến khi kết thúc tự do hoá thương mại toàn cầu, theo đó tự do hóa thương mại ở cấp khu vực sẽ tiến hành song song với các mức độ đa phương và song phương. Các hiệp định thương mại siêu khu vực (MRTAs) đi xa hơn FTA truyền thống về quy mô. Với tầm vóc đủ lớn và tham vọng gây ảnh hưởng đến các quy tắc thương mại vượt ra ngoài phạm vi áp dụng, MRTAs có tính hệ thống và có tác động toàn cầu. MRTAs cũng như TPP, là phương tiện thực hiện cải cách chính sách thương mại toàn cầu. MRTAs có thể giúp tinh giản “tô mì spaghetti” (1) ở cấp khu vực.

Trong khi tác động dài hạn của việc rút khỏi TPP của Tổng thống Trump sẽ được nghiên cứu trong thời gian tới, động thái này gây nhiều ngầm ý cho nhiều chính sách thương mại thậm chí còn chưa được khởi động của Mỹ. Chắc chắn có sự đồng thuận của các nhà hoạch định về việc thu được lợi ích kinh tế từ TPP mà không giải quyết các vấn đề khác như minh bạch và bảo đảm quyền lợi cử tri.

Mặc dù thương mại và nhân quyền được xem như là đối nghịch, nhưng đối với hiệp định thương mại thế kỷ 21 được gọi là "tiêu chuẩn vàng", các quy định về tiêu chuẩn lao động và quyền con người rất yếu ớt, đặc biệt với hiện trạng nhân quyền của một số nước thành viên TPP đang gây nhiều tranh cãi.

Liệu Hoa Kỳ có nên rút khỏi TPP hay không, câu hỏi chắc chắn sẽ có những phản ứng khác nhau từ các học giả và cử tri khác nhau. Việc rút khỏi thỏa thuận TPP, thỏa thuận đã được đàm phán và nghiên cứu kỹ lưỡng trong nhiều năm ngay ngày đầu tiên nhậm chức Tổng thống chỉ để bảo đảm việc làm trong nước và thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ ? Rõ ràng, thương mại quốc tế đã trở thành một phần nghị sự quan trọng, dù đó là để viết nên các quy tắc thương mại thế hệ mới hay theo đuổi hiệp định song phương.

Liệu có phép màu nào nếu TPP vẫn tiếp tục được theo đuổi và các điều khoản tranh cãi của nó được thực hiện ? Điều này nghe giống như mở chiếc hộp Pandora(2). Các hiệp định thương mại ưu đãi đã trở nên không thể tránh khỏi trong thời đại ngày nay. Theo vòng đàm phán Doha, các hiệp định thương mại khu vực và siêu khu vực có thể dẫn đến việc xoá bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Việc đưa ra các quy tắc trong hệ thống thương mại toàn cầu đã mở rộng từ các thỏa thuận song phương, khu vực và không chỉ thương mại hàng hoá và dịch vụ mà còn là nông nghiệp, sở hữu trí tuệ, các rào cản về luật lệ, đầu tư xuyên biên giới và nhiều vấn đề phi thương mại.

Nhanhieuviet (Theo hoinhap.org.vn)

Tin trong ngày
Các tin khác
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn