9/13/2017 10:37:00 AM
.

Tự do thương mại ASEAN đứng trước nhiều thách thức


Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang nỗ lực loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà để hướng đến tiến trình "một cửa" cho vấn đề thương mại xuyên biên giới nhằm quảng bá về một kế hoạch lớn để trở thành nền kinh tế hội nhập lớn thứ tư thế giới vào năm 2050. Tuy nhiên, việc gia tăng các biện pháp phi thuế quan đang khiến các thị trường "đóng cửa".

Rào cản phi thuế quan

Điều cần thiết cho sự thành công của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là cơ chế thương mại một cửa - một trong những chính sách hội nhập tiêu biểu đằng sau cái gọi là "Kế hoạch kết nối tổng thể".

Theo đó, nếu được thực thi triệt để có thể biến ASEAN thành nền kinh tế hội nhập lớn thứ tư thế giới vào năm 2050, với tổng giá trị của nền kinh tế lên tới  9.200 tỷ USD. Điều này sẽ không đạt được trừ khi 10 nước thành viên ASEAN nhất trí dỡ bỏ hàng nghìn rào cản thương mại phi thuế quan, vốn đã vô hiệu hóa phần nào những lợi ích của các cuộc cải cách lớn hơn theo thỏa thuận Khu vực thương mại tự do ASEAN.

Kể từ năm 2000, thuế xuất nhập khẩu trung bình tại ASEAN đã giảm từ 8,9% xuống còn khoảng 4,5%. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp đã có sự thay thế đơn giản bằng các biện pháp gián tiếp để đạt được mục đích tương tự - từ việc cấm xuất khẩu đến kiểm soát giá và chất lượng, các hàng rào công nghệ, kiểm tra trước khi gửi hàng và quy tắc vệ sinh, kiểm dịch thực vật.

Theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), hiện có đến 5.919 biện pháp phi thuế quan đang được áp dụng và con số này liên tục tăng lên từ mức 1.634 biện pháp phi thuế quan hồi năm 2000. Đáng lưu ý là hầu hết các biện pháp được các nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines áp dụng.

Những nước này chi phối ngành thương mại trị giá 270 tỷ USD của khu vực và đang dẫn đầu nhiều kế hoạch và mục tiêu kết nối khác nhau. Thái Lan là nước dẫn đầu về số biện pháp phi thuế quan, với 1.560 quy định. Tiếp theo là Philippines (854), Malaysia (713), Indonesia (635), Brunei (516) và Singapore  (514).

Các quốc gia đang phát triển vốn dựa vào việc tiếp cận những thị trường đó có ít quy định hơn: Myanmar chỉ có 172 biện pháp phi thuế quan, Lào (219), Việt Nam (330) và Campuchia (334). Gần như 50% trong số các biện pháp đó liên quan đến những rào cản kỹ thuật trong thương mại, một loạt quy định thay đổi liên tục và khó đoán định được tạo ra để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước dễ bị tổn thương. Hầu hết các biện pháp khác là quy định về vệ sinh và kiểm dịch thực vật, được áp dụng chủ yếu cho các mặt hàng thực phẩm.

Mặt hàng liên quan đến hóa chất có phạm vi bảo vệ nhiều nhất với 798 quy định. Thực phẩm ăn liền, đồ uống và rượu mạnh có đến 663 biện pháp kỹ thuật và 851 quy định vệ sinh và kiểm dịch thực vật. Sản phẩm thực vật có đến 414 quy định, trong khi máy móc và các mặt hàng điện tử đối mặt với 392 rào cản. Một vài nước ASEAN thậm chí còn ngăn chặn việc vận chuyển đồng hồ.

Theo khảo sát năm 2015 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về tiến trình hội nhập ASEAN, hầu hết các mặt hàng tự động hóa, tiêu dùng và các lĩnh vực điện tử, một vài nhà xuất khẩu lớn nhất của khu vực đã bịảnh hưởng bởi các hàng rào phi thuế quan. Các tiêu chuẩn và quy định ảnh hưởng tới việc vận chuyển trung bình khoảng 20% sản phẩm và 30% đối mặt với rào cản phi thuế quan khác, thêm vào đó là hàng chục triệu USD chi phí cho giao dịch thương mại mỗi năm.

Những doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là ở các nước như Myanmar, Campuchia và Lào đang phải gánh chịu hàng rào phi thuế quan vì họ hoạt động trong một nền kinh tế bị giới hạn về quy mô và dựa chủ yếu vào cách tiếp cận thị trường. Họ chiếm đến hơn 90% giao dịch kinh doanh tại hầu hết các nước trong khu vực.

Cho đến năm 2014, Đông Nam Á thậm chí không có một cơ sở dữ liệu được thừa nhận về các biện pháp phi thuế quan phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu. Những quy định về nguồn gốc hàng hóa được vận chuyển trong nội bộ các nước ASEAN cũng không đầy đủ. Và trong khi cánh cửa cải cách thương mại hơn nữa vẫn để ngỏ, ít người hy vọng sẽ sớm có một giải pháp cho vấn đề bảo hộ thương mại quan trọng nhất của ASEAN.

Trợ lực từ RCEP

Ngay cả khi ASEAN nỗ lực phấn đấu để đạt được tầm nhìn về thương mại một khối như AEC đã vạch ra thì sự thật là thương mại giữa 10 quốc gia thành viên chỉ chiếm 25% tổng kim ngạch thương mại. Điều này còn hạn chế so với thương mại nội khối giữa các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) chiếm tới 70% tổng lượng thương mại của các nước EU.

Trao đổi thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc chiếm 15%, với Nhật Bản chiếm 10% và với các quốc gia ngoài ASEAN là thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chiếm 11%.

Theo giới chuyên gia, RCEP sẽ giảm thiểu sự phức tạp của các hệ thống thuế quan trên bằng cách cắt giảm các quy tắc và thủ tục liên quan tới hải quan và hạ tầng thương mại. Thực tế, các doanh nghiệp ASEAN sẽ chỉ phải tuân theo 1 thay vì 5 hệ thống thủ tục khi giao dịch với các đối tác của RCEP. Điều này chắc chắn sẽ làm cho việc kinh doanh trong khu vực trở nên dễ dàng hơn và tăng sự hấp dẫn của ASEAN với tư cách là một điểm đến về đầu tư và thương mại.

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á cho thấy hầu như tất cả các quốc gia ASEAN sẽ được hưởng lợi từ RCEP hơn là chỉ dựa vào các hiệp định thương mại tự do song phương hoặc thương mại nội khối của ASEAN. Trong hầu hết các trường hợp, điều này là do hàng hoá tương tự có thể bị cắt giảm thuế quan khác nhau và áp dụng các thời hạn biểu thuế khác nhau giữa các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA).

Do có nhiều bộ quy tắc nên hệ quả là chi phí thương mại tăng đã và sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các ưu đãi của FTA. Vì vậy, RCEP có thể sẽ giải quyết vấn đề này bằng cách đưa các FTA song phương thành một cấu trúc thượng tầng kinh tế để thực hiện một hệ quy tắc cho 16 nước thành viên. Các doanh nghiệp lớn và nhỏ sẽ được hưởng các ưu đãi thương mại để giảm chi phí giao dịch qua biên giới trong khu vực.

RCEP do ASEAN dẫn dắt  là một hiệp định thương mại khu vực đầy tham vọng, chiếm tới 30% khối lượng thương mại và GDP toàn cầu. Với RCEP, ASEAN không những có thể khẳng định vị thế trung tâm của mình trong nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương mà còn thu hút lợi ích kinh tế và chính trị từ thoả thuận thương mại đến từ 16 nước thành viên.

Nhanhieuviet (Theo Thời báo Ngân hàng)

Tin trong ngày
Các tin khác
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn