1/15/2018 8:55:00 AM
.

Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập Quốc tế về Kinh tế: Tạo động lực hơn nữa cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh


Hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế năm 2017 ghi nhận nhiều thành công lớn với các kết quả quan trọng thể hiện qua các sự kiện hội nhập trong nước và quốc tế.

Đây là kết quả nổi bật được đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh tại Phiên họp Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế lần thứ nhất năm 2018, diễn ra sáng 11/1, tại Hà Nội.

Vị thế Việt Nam được nâng lên

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, tính đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với các đối tác trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiếp tục đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (CTPPP gồm 11 nước), các hiệp định song phương với Isarel và Cuba.

Ông Hải cho biết, hiện có khoảng 60 nền kinh tế đã và đang đàm phán các FTA với Việt Nam, bao gồm các đối tác thương mại chủ chốt nắm giữ khoảng 90% kim ngạch thương mại của Việt Nam.

Việc thực thi các FTA nói trên, theo đại diện Bộ Công Thương đã góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Ghi nhận từ Tổng cục Hải quan cho thấy, chặng đường xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những năm qua đã thể hiện những bước tiến mạnh mẽ. Theo đó, năm 2001, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu mới chỉở con số khiêm tốn hơn 30 tỷ USD, nhưng sau 6 năm (năm 2007) tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt con số 100 tỷ USD.

Như vậy, sau 10 năm gia nhập WTO đến nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng gấp 4 lần.

Tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh

Quá trình hội nhập đã tác động to lớn đến bức tranh của ngành nông nghiệp Việt Nam. Chia sẻ ý kiến tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, cơ quan này đã tham mưu cho Chính phủ và xây dựng nhiều chính sách để phát triển nông nghiệp, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài đưa và công nghệ đầu tư vào Việt Nam.

Kết quả trong năm 2017, xuất khẩu của ngành nông nghiệp đã đóng góp tích cực cho nền kinh tế, đưa nhiều sản phẩm của Việt Nam đứng vững tại các thị trường lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng chỉ ra những áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, nếu qui mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, rất dễ chịu tác động trực tiếp bởi các sản phẩm nhập khẩu.

Do vậy, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽtiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, chú trọng đưa khoa học công nghệ cao áp dụng cho ngành nông nghiệp.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu và mở ra thị trường tiềm năng để thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm của ngành nông nghiệp.

Từ góc độ doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), khi hội nhập sâu với thế giới một mặt doanh nghiệp được hưởng lợi nhờ lộ trình giảm thuế, nhưng lo ngại lại nằm ở vấn đề phi thuế quan ngặt nghèo hơn, đặc biệt là những quy định về chống bán phá giá...

Ông Nam cũng kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh khi bước vào sân chơi hội nhập một cách sâu rộng.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, thời gian qua hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng lưu ý, trong quá trình triển khai hội nhập, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương còn thể hiện một số bất cập đã phần nào giảm hiệu quả của những chủ trương, chính sách, chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo Phó Thủ tướng, năm 2018 hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm nên đòi hỏi phải có chuyển biến mạnh mẽ và căn bản trong công tác hội nhập, cả đàm phán ký kết, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và chuẩn bị tâm thế trong hội nhập cũng như khâu tổ chức thực thi, tránh tình trạng kết quả tốt trên bàn đám phán nhưng thực thi yếu, làm sao để kết quả đàm phán vào cuộc sống.

Từ thực tế này, lãnh đạo Chính phủ đề nghị các bộ, ngành tập trung nghiên cứu và tham mưu cho Chính phủ trong việc hoàn thiện các thể chế, chính sách, tạo động lực hơn nữa cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.

"Ban chỉ đạo liên ngành chủ trì tăng công tác nghiên cứu, dự báo vấn đề mới của các FTA thế hệ mới, xu hướng chuyển dịch hợp tác của khu vực như ASEAN, WTO, trong đó sử dụng tối đa cơ chế nhóm hỗ trợ kỹ thuật và chuyên gia tư vấn," Phó Thủ tướng lưu ý thêm./.

Nhanhieuviet (Theo Vietnamplus)

.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn