1/17/2019 9:02:00 AM
.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn đầu đoàn Việt Nam họp phiên đầu tiên CPTPP


Theo kế hoạch đã được thống nhất, phiên họp đầu tiên của Hội đồng CPTPP sẽ được tổ chức vào ngày 19.1.2019 tại Tokyo, Nhật Bản. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh dẫn đầu tham dự phiên họp.

Phiên họp đầu tiên Hội đồng CPTPP vào ngày 19.1.2019

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), theo quy định tại Điều 27.1, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các nước tham gia Hiệp định CPTPP sẽ thành lập Hội đồng CPTPP, bao gồm các quan chức ở cấp Bộ trưởng hoặc tương đương, để giám sát việc vận hành và thực thi Hiệp định.

Theo kế hoạch đã được thống nhất, phiên họp đầu tiên của Hội đồng CPTPP sẽ được tổ chức vào ngày 19.1.2019 tại Tokyo, Nhật Bản. Trước đó, các Trưởng đoàn đàm phán CPTPP cũng sẽ có buổi thảo luận vào ngày 18.1.2019 để chuẩn bị nội dung cho phiên họp này.

Đoàn Việt Nam dự phiên họp gồm đại diện các Bộ Công Thương, Tài chính, Ngoại giao, Tư pháp và Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh dẫn đầu.

Đây là lần đầu tiên các Bộ trưởng CPTPP gặp nhau kể từ khi Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực vào ngày 30.12.2018. Các Bộ trưởng dự kiến sẽ thảo luận và thông qua một số nội dung quan trọng như phương hướng thực thi Hiệp định CPTPP, quy trình xem xét việc kết nạp thành viên mới cũng như thủ tục giải quyết các vụ tranh chấp giữa nhà đầu tư và Chính phủ...

CPTPP thúc tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam trên 8%

Theo các chuyên gia kinh tế, CPTPP sẽ thúc đẩy thương mại của các nước thành viên, dự kiến đến năm 2030 mức tăng trưởng xuất khẩu sẽ đạt trên 6%; Việt Nam dự kiến có mức tăng trưởng nổi trội hơn, khoảng 8%.

Bên cạnh đó, Hiệp định CPTPP còn dẫn đến sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Với tác động tích cực trên một số ngành hàng khi một số mức thuế giảm ngay lập tức bằng 0, thì việc áp dụng CPTPP sẽ mang đến nhiều lợi ích trong thập kỷ tới khi các dòng thuế quan còn lại sẽ giảm dần.

CPTPP là một hiệp định có tầm ảnh hưởng sâu rộng giúp tự do hóa thương mại và đầu tư tại 11 nền kinh tế khu vực Thái Bình Dương bao gồm Canada, Úc, Brunei, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ được các nước xóa bỏ thuế quan ngay cho khoảng 78-95% số dòng thuế, với hàng hóa thông thường, lộ trình xóa bỏ thuế là 5-10 năm, đến cuối lộ trình giảm thuế, sẽ xóa bỏ đến 98-100% số dòng thuế.

Đây là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam nhận được từ các FTA đã có. Ngược lại, Việt Nam loại bỏ ngay 65,8% số dòng thuế, đến năm thứ 11 sẽ xóa bỏ 97,8% cho các đối tác. Bên cạnh đó, CPTPP cũng tạo tiền để để Việt Nam cải cách thể chế, đơn giản hóa các thủ tục kinh doanh, nâng cao chất lượng hàng hóa, đẩy mạnh chất lượng quản lý, quản trị… để hàng hóa đạt chất lượng cao, giá thành giảm, đủ sức cạnh tranh khi hội nhập.

Nhanhieuviet (Theo Lao Động)

.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn