9/19/2017 10:04:00 AM
.

Điều gì sẽ xảy ra nếu đàm phán Brexit không thành công?


Đã gần 3 tháng cùng với 3 vòng đàm phán trôi qua kể từ khi các cuộc thỏa thuận Brexit bắt đầu, thế nhưng tình hình các bên tham gia vẫn chưa có nhiều tiến triển. Trưởng đoàn đàm phán về Brexit của Liên minh Châu Âu, Michel Barnier đã kết thúc vòng thỏa thuận gần nhất vào hôm 31 tháng 8 bằng tuyên bố rằng các bên vẫn chưa tạo ra được bất kỳ “tiến triển mang tính quyết định” nào về những vấn đề trọng yếu liên quan đến việc rút khỏi khối EU của Vương Quốc Anh. Người đồng cấp bên phía nước Anh, ông David Davis, chỉ lạc quan hơn một chút khi phát biểu rằng: “Chúng tôi đã nhận thấy được một vài tiến triển cụ thể. Vẫn có một số vấn đề cần phải giải quyết ”.

Không ai kỳ vọng gì nhiều vào vòng đàm phán thứ ba ngay từ khi bắt đầu. Barnier đã mở đầu đàm phán bằng câu nói: “Thành thực mà nói, tôi cũng rất quan ngại”. Vòng đàm phán thứ ba, tương tự các vòng trước đó, hướng đến đạt được những đột phá ở ba vấn đề trọng tâm xung quanh việc Vương Quốc Anh rời khỏi khối, bao gồm : quyền công dân, các thỏa thuận về tài chính, số phận của đường biên giới giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ailen. Liên minh Châu Âu đã nhấn mạnh rằng những vấn đề này cần phải được giải quyết trước khi các bên có thể tiếp tục thảo luận về thương mại và mối quan hệ của các bên trong tương lai.

Có thể thấy, đây là một mục tiêu khá cao, tuy nhiên cả hai phía đều mong đợi sẽ đạt được thỏa thuận trước tháng 10. Ở thời điểm hiện tại, phía Liên minh Châu Âu vẫn chưa có gì chắc chắn. Barnier cho biết: “Tình hình thực tế cho thấy, chúng ta vẫn chưa thể tuyên bố rằng chương trình đàm phán đang đạt được tiến độ mong muốn - cũng như bản thân tôi, cũng chưa thể hứa hẹn với Hội đồng Châu Âu rằng chúng ta có thể bắt đầu bàn luận về mối quan hệ trong tương lai.”

Các nhà đàm phán của Anh từng tranh luận rằng vấn đề biên giới Cộng hòa Ireland gắn chặt đến tương lai mối quan hệ của hai phía, và việc tạo ra những tiến triển trong vấn đề này là cấn thiết để giải quyết nhiều vấn đề khác. Vương Quốc Anh nói như vậy cũng không hoàn toàn sai, Steven Peers, giảng viên luật tại Đại học Essex cho biết “Sự liên kết giữa các vấn đề thực sự khiến mọi thứ trở nên rất khó xử”. Ông tiếp tục: “Có nhiều vấn đề không thể thảo luận trước. Điều này hoàn toàn không khả thi.”     

“Brexit cứng” hay “Brexit hỗn loạn”?  

Tuy vậy, không có cách giải quyết không có nghĩa là Brexit sẽ không xảy ra, và tháng 3 năm 2019, ngày mà nước Anh rời khỏi Liên minh Châu âu đang đến gần, cả hai bên đều không còn nhiều thời gian để tranh luận - đặc biệt nếu họ muốn đạt được sự đồng thuận trên 3 vấn đề trọng tâm của cuộc “li hôn” và hoàn thành một thỏa thuận thương mại mới trước khi kết thúc 2 năm đàm phán. Vậy, điều gì sẽ xảy ra khi hai bên không giải quyết được vấn đề? Jonathan Portes, giáo sư kinh tế học và chính sách công tại trường cao đẳng King, London, đồng thời là thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu độc lập của Vương Quốc Anh về Tình hình Thay đổi ở Châu Âu, đã kể với tôi về một kịch bản có thể xảy ra, được gọi là “vách đá nhọn” hay một “Brexit cứng”, trong đó cả hai phía sẽ giải quyết được 3 vấn đề trọng tâm, nhưng lại không đạt được một hiệp định thương mại. Ông cho biết, nếu chỉ một trong 2 nhiệm vụ trên không được hoàn thành, cũng sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn.   

“Chúng ta có thể sẽ phải đối đầu với một “Brexit hỗn loạn”, khi không có bất kỳ một thỏa thuận nào – kể cả về việc rút khỏi khối EU, lẫn mối quan hệ trong tương lai.” ông cho biết. Mặc khác ông cũng lưu ý rằng, kịch bản này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, điển hình là làm suy yếu sự ổn định kinh tế-chính trị của Bắc Ireland, cũng như khiến cho công dân Châu Âu tại Vương Quốc Anh và công dân Anh tại Châu Âu rơi vào tình trạng thiếu sự đảm bảo về mặt pháp lý. Mặc dù những kết quả này không có lợi cho cả hai phía, tuy nhiên Portes cho biết, Vương Quốc Anh có thể sẽ mất mát nhiều hơn so với Châu Âu nếu trường hợp này xảy ra. “Những ảnh hưởng này khá tương đồng, chỉ khác nhau ở biên độ vì Vương Quốc Anh chỉ là một thị trường nhỏ của Châu Âu trong khi Châu Âu lại là một thị trường lớn của Vương Quốc Anh”. 

Có thể thấy, đây không phải là phong cách đàm phán của Phó thủ tướng Anh Theresa May, người đã tuyên bố vào tháng 2 rằng “ không đạt được một thỏa thuận nào hết vẫn tốt hơn là có một thỏa thuận tồi”. Nhưng lời cảnh báo này có lẽ đã bị Brussels để ngoài tai, một phần bởi vì các nhà đàm phán Châu Âu biết chính xác điều gì sẽ xảy ra nếu hai bên không đạt được một thỏa thuận, đặc biệt là về thương mại. John Springford và Simon Tilford thuộc Trung tâm cải cách Châu Âu đã nhận định rằng, trong trường hợp Vương Quốc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (bao gồm việc rút khỏi thị trường chung và liên minh thuế quan của khu vực) mà không có bất kỳ một thỏa thuận thương mại hay giai đoạn chuyển tiếp nào - sẽ khiến cho 40% tổng giá trị xuất khẩu của Vương Quốc Anh vào Châu Âu phải chịu các loại thuế tự động và những hàng rào hải quan. Kết quả là làm cho Vương Quốc Anh, vốn là một thị trường hấp dẫn, nhanh chóng bị suy giảm sức hút đầu tư, đồng thời báo hiệu sự mất giá của đồng Bảng, khi mà nó đã mất hơn 13% giá trị so với đồng đô-la Mỹ kể từ khi diễn ra cuộc trưng cầu ý kiến về việc rời khỏi EU.      

Tình huống nào trong hai tình huống “Brexit cứng” hoặc “Brexit hỗn loạn” cũng đều không có lợi cho Vương Quốc Anh. Portes cho rằng kịch bản thứ nhất chắc chắn sẽ được mong đợi hơn, phần lớn là do, nó ít nhất cũng có thể tạo điều kiện để công dân Châu Âu và Vương Quốc Anh sống ở cả hai khu vực được đảm bảo hơn về pháp lý. Ông nói “Mọi người sẽ có thể thích ứng với tình thế. Dù đây có thể là một sự thích ứng vô cùng khó khăn, nhưng ít nhất nó giúp chúng ta nhận ra chỗ đứng của mình, còn hơn là một “Brexit hỗn loạn”, khi chúng ta không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào”.  

Tính đến thời điểm hiện tại, mặc dù các thỏa thuận về việc rút khỏi khối EU của Vương Quốc Anh vẫn chưa đạt được bất kỳ sự đồng thuận nào, kịch bản “Brexit hỗn loạn” vẫn khó có thể xảy ra. Về vấn đề quyền lợi của công dân, Davis cho biết đã có một số thỏa thuận về yêu cầu hỗ trợ công dân Châu Âu tại Vương Quốc Anh (và ngược lại), qua đó cả 2 phía cùng thực hiện cam kết bảo vệ quyền được hưởng trợ cấp và quyền được chăm sóc sức khoẻ của công dân Vương Quốc Anh và EU, những người đang sống ở cả hai khu vực. Cả hai phía cũng ghi nhận rằng, các cuộc đàm phán xoay quanh vấn đề biên giới của Ireland đã mang lại “những trái ngọt”.

Tuy nhiên, những thành quả thảo luận đó vẫn còn khá xa vời so với một thỏa thuận thực sự. Trong khi chỉ còn lại hai vòng đàm phán trước khi hội nghị cấp cao của Châu âu diễn ra vào tháng 10 (lúc đó sẽ quyết định liệu có nên tiến đến các thỏa thuận thương mại hay không), khả năng đạt được thỏa thuận đối với cả ba vấn đề quan trọng trước thời hạn vào tháng sau là rất mong manh. “Tôi vẫn nghĩ rằng chúng ta cũng sẽ sớm đạt được một thỏa thuận, nhưng điều này sẽ không xảy ra trước tháng 10”, Portes cho biết, “Thời gian dành cho thỏa thuận này càng kéo dài, chúng ta sẽ càng có ít thời gian hơn để bàn bạc về những vấn đề khác”.

Nhanhieuviet (Thei theatlantic.com-TH)

.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn