9/5/2017 11:31:00 AM
.

Kinh tế Việt Nam: Vươn mình hội nhập mạnh mẽ


Hội nhập kinh tế quốc tế là một chủ trương nhất quán và là nội dung trọng tâm trong chính sách đối ngoại và hợp tác kinh tế quốc tế của Đảng ta trong quá trình đổi mới đất nước. Thực hiện chủ trương này, từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã từng bước, chủ động hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Một bước tiến dài

Tiến trình hội nhập và tham gia liên kết kinh tế quốc tế của Việt Nam bắt đầu cùng với chủ trương Đổi mới của Đại hội Đảng VI (1986). Từ đó đến nay, tiến trình tham gia liên kết kinh tế quốc tế của nước ta có thể chia ra thành 3 giai đoạn: 1986–2001; 2001–2007; và từ 2007 đến nay.

Giai đoạn đầu tiên (1986-2001), khởi đầu bằng những bước đi đầu tiên của Việt Nam nhằm phá thế bao vây cấm vận, đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng bị cô lập, hỗ trợ tiến trình đổi mới nền kinh tế trong nước thông qua việc tìm kiếm những thị trường mới và những nguồn viện trợ mới thay thế cho thị trường và nguồn viện trợ của Liên Xô và các nước XHCN cũ đang ngày một thu hẹp.

Tham gia liên kết kinh tế quốc tế của ta tiếp tục được đẩy mạnh, với việc tham gia Hiệp hội các nước Đông Nam Á–ASEAN (1992), trở thành thành viên sáng lập của Diễn đàn hợp tác Á–Âu (ASEM) năm 1996, và gia nhập Diễn đàn hợp tác châu Á–Thái Bình Dương (APEC) năm 1998. Theo nhà kinh tế học Steve Parker, trong giai đoạn này, Việt Nam chủ yếu thực hiện tự do hóa đơn phương, chuyển hướng chính sách sang tăng trưởng dựa vào xuất khẩu.

Việt Nam bước vào giai đoạn hai của tiến trình hội nhập kinh tế (2001–2007), với việc thiết lập quan hệ kinh tế, đối ngoại với nhiều nền kinh tế chủ chốt trên thế giới. Nổi bật là việc khởi động đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định thương mại song phương (BTA) với Hoa Kỳ (2001). Quá trình này cho thấy các bước đi hội nhập và liên kết kinh tế của nước ta chuyển dần từ “gia nhập, ký kết” sang “tham gia và thực hiện”.

Với việc gia nhập WTO năm 2007, Việt Nam bước sang một giai đoạn hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế thứ ba, từ cấp độ khu vực lên tầm toàn cầu. Đây là bước chuyển biến lớn về chất cho tiến trình liên kết kinh tế quốc tế, mở ra cho nước ta cơ hội lần đầu tiên được tham gia xây dựng những luật chơi thương mại toàn cầu.

Cùng với đó, Việt Nam bắt đầu đi vào đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong khuôn khổ ASEAN với các đối tác. Bên cạnh đó, nước ta đã khởi động đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) với Nhật Bản (ký năm 2010); và FTA song phương đầu tiên với Chile (ký năm 2011).

Theo báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký gửi Thường vụ Quốc hội ngày 21/12/2016 liên quan đến Nghị quyết số 1052/NQ-UBTVQH13 về một số định hướng, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tính đến nay Việt Nam đã ký kết và thực thi 10 FTA, kết thúc đàm phán 2 FTA, và đang đang đàm phán 4 FTA khác.

Trong 10 FTA đã ký kết và thực thi có 6 FTA ký kết với tư cách là thành viên ASEAN (gồm AFTA, 5 FTA giữa ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và New Zealand), 4 FTA ký kết với tư cách là một bên độc lập (Chile, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á-Âu).

Hai FTA đã kết thúc đàm phán là FTA với Liên minh châu Âu, và Hiệp định Đối tác  xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Bốn FTA còn lại đang được đàm phán bao gồm: Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA ASEAN-HongKong, FTA với Israel và FTA với Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA).

Hiện thực hóa “giấc mơ FTA”

Những lợi ích to lớn từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế là điều không phải bàn cãi. Chỉ lấy riêng ví dụ từ quá trình Việt Nam hội nhập ASEAN, theo số liệu của Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương, năm 1995, Việt Nam xuất khẩu sang các quốc gia trong khối ASEAN đạt 5,4 tỷ USD, sang năm 2000 xuất khẩu đạt 14,4 tỷ USD và 48,5 tỷ vào năm 2007, năm 2015 là 165 tỷ USD. Như vậy chỉ trong 8 năm, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam – ASEAN đã tăng trưởng gấp 3,5 lần.

Bên cạnh lợi ích xuất khẩu, thu hút vốn FDI, ODA cho phát triển kinh tế đất nước, quá trình hội nhập kinh tế, tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do đã góp phần hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam tại các thị trường trong và ngoài nước.

Ngoài ra, sau khi tham gia và ký kết các FTA, một làn sóng chuyển giao công nghệ đổ vào Việt Nam. Các tập đoàn lớn trên thế giới kinh doanh tại Việt Nam mang theo máy móc, thiết bị, công nghệ cao. Điều này tạo cơ sở thúc đẩy quá trình thay đổi cũng như cải tiến hoạt động sản xuất, sản phẩm, dịch vụ tại Việt nam.

Tuy những lợi ích và cơ hội là rất lớn song khó khăn, thách thức cũng không hề nhỏ. Cảnh báo về việc bỏ lỡ, không tận dụng được cơ hội từ các FTA, một số chuyên gia cho rằng, “không cẩn thận thì hương thơm của hoa hồng FTA chưa mang lại hạnh phúc thì chính gai hoa hồng lại mang đến những nỗi đau”. Việc chủ động từ tầm nhìn, tạo ra thể chế chính sách phù hợp, chuẩn bị năng lực để bước vào “sân chơi FTA” là điều cần thiết, nhưng hiện thực hóa “giấc mơ FTA” là điều không dễ.

Các chuyên gia kinh tế trong nước từng nhận định “hội nhập là cuộc chơi của các tập đoàn lớn, xuyên quốc gia, doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn là đối tượng chịu tổn thương trong mối quan hệ này”. Trước thực tế hơn 97%  doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng Nhà nước phải tạo cho khối kinh tế tư nhân một môi trường lành mạnh để cạnh tranh và phát triển.

Trong những động thái gần đây, về phía Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định khối kinh tế tư nhân chiếm vị thế quan trọng trong quyết tâm chính trị, kỳ vọng của Đảng và Nhà nước.

Theo Thủ tướng, kinh tế tư nhân là đầu kéo quan trọng để phát triển kinh tế của đất nước. Những cỗ máy tăng trưởng ở mọi tỉnh, thành phố, với tiềm năng, thế mạnh riêng có, chủ yếu từ kinh tế tư nhân. “Chúng tôi muốn lắng nghe các bạn, những tiếng nói chân thành, những vướng mắc để Chính phủ hành động”, Thủ tướng bày tỏ.

Thủ tướng cho biết, trong thời gian qua, với 25 hội nghị xúc tiến đầu tư, hàng trăm cuộc tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, những buổi làm việc chuyên đề, tính bình quân không có ngày nào mà Thủ tướng và các thành viên của Chính phủ không làm việc với doanh nghiệp, về chủ đề doanh nghiệp.

Từ đó, một loạt cải cách thể chế, chính sách pháp luật đã được ban hành. Những tồn tại, vướng mắc của nền kinh tế được nhận diện và xử lý. Môi trường đầu tư kinh doanh, niềm tin doanh nghiệp có xu hướng cải thiện rõ nét.

Chặng đường mà Việt Nam hội nhập đã bắt đầu bước sang một giai đoạn mới, hội nhập sâu rộng hơn thông qua các FTA thế hệ mới. Chỉ có tận dụng lợi thế và vượt qua thách thức là cách thức duy nhất để Việt Nam hiện thực hóa “giấc mơ FTA”.

Nhanhieuviet (Theo Báo công thương)

.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn