8/15/2017 9:44:00 AM
.

Những điều cần lưu ý khi xuất hàng sang Mỹ


 

Việc hiểu những quy định Mỹ đề ra trong quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) có thể giúp các doanh nghiệp đã và đang có ý định xuất khẩu vào thị trường này tránh được những sai lầm không đáng có.

Một ngày cuối tháng 7, bà Lê Thanh Trúc, Giám đốc một công ty ở Bến Tre, đã tranh thủ lên TPHCM dự buổi hội thảo chia sẻ về những lưu ý khi xuất khẩu hàng vào Mỹ (*). Năm nay, công ty của bà chưa có kế hoạch xuất hàng sang thị trường này nhưng bà vẫn lo chuẩn bị cho tương lai.

Một trong những nội dung đáng lưu tâm, theo bà Trúc, đó là việc trước khi xuất hàng sang Mỹ, doanh nghiệp cần đăng ký với Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và gửi thông báo trước khi xuất hàng đi, dù chỉ là hàng mẫu.

Từ khóa quan trọng được bà Trúc nhấn mạnh là “hàng mẫu”, bởi như bà chia sẻ, không ít doanh nghiệp Việt Nam chủ quan, cho là với hàng mẫu thì cứ gửi đi khi đối tác yêu cầu, chẳng làm sao cả. Thực tế ngay tại hội thảo đã có doanh nghiệp trình bày họ cũng từng mắc phải lỗi này và cảm thấy lo lắng.

Tại sao chỉ gửi hàng mẫu thôi mà cũng phải đăng ký? Theo ông Nestor Scherbey, chuyên gia của Liên minh Thuận lợi hóa thương mại toàn cầu, diễn giả chính tại hội thảo nhắc đến ở đầu bài, Mỹ muốn siết chặt quản lý ATTP nên vấn đề đối với họ là hàng hóa có an toàn không chứ không phải là số lượng hàng nhiều hay ít. Trong trường hợp xuất khẩu mà không đăng ký, doanh nghiệp có thể bị cấm xuất khẩu vào Mỹ hoặc đối mặt với án phạt.

Đối với các doanh nghiệp đã đăng ký với FDA, cần lưu ý phải đăng ký hai năm một lần trong khoảng thời gian từ ngày 1-10 đến 31-12 vào mỗi năm chẵn. Về thủ tục thông báo trước, các doanh nghiệp có thể khai báo trực tuyến trên hệ thống của FDA (Prior Notice System Interface - PNSI). Chi tiết có thể tham khảo tại trang web: http://www.access.fda.gov.

Kiểm soát rủi ro trong sản xuất

Kể từ ngày 30-5-2017, mỗi nhà nhập khẩu Mỹ và/hoặc chủ hàng và nhà cung cấp phải tuân thủ các quy định mới đối với các chuyến hàng đến cảng của Mỹ. Quy định mới này yêu cầu nhà nhập khẩu và các nhà cung cấp nước ngoài phải thực hiện các hoạt động kiểm soát ATTP dựa trên rủi ro. Nói cách khác, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải phân tích và lường trước mọi rủi ro tiềm tàng, đồng thời có biện pháp phòng ngừa cũng như xử lý khi có rủi ro. Lưu ý là tất cả đều phải được ghi chép và lưu trữ thành văn bản để phục vụ việc quản lý và kiểm tra. Dĩ nhiên, bên cạnh hồ sơ văn bản bằng tiếng Việt, phải có một bộ hồ sơ bằng tiếng Anh để làm việc với cơ quan kiểm tra của Mỹ.

Để dễ hiểu hơn, ông Scherbey đưa ra ví dụ minh họa. Giả sử doanh nghiệp của bạn sản xuất thực phẩm và dùng dao cắt kim loại trong quá trình sản xuất. Việc dùng dao cắt kim loại có thể phát sinh trường hợp một mảnh kim loại rớt ra, xuất hiện trong thực phẩm. Do vậy, doanh nghiệp phải có phương án ngăn ngừa rủi ro này. Và giả sử doanh nghiệp đã có phương án ngăn ngừa nhưng không kiểm soát kỹ, khi hàng được đưa ra thị trường, bị người dùng hoặc cơ quan kiểm tra phát hiện thì lúc đó, doanh nghiệp có phương án xử lý như thế nào để ngăn ảnh hưởng tiêu cực đến khách hàng cũng như công tác thu hồi?... Tất cả những điều này đều phải được trình bày thành văn bản.

Việc phân tích và quản lý các mối nguy hại như vậy, theo ông Scherbey là điều bắt buộc phải thực hiện nếu doanh nghiệp không muốn trả giá đắt. Ông dẫn ví dụ về một doanh nghiệp thủy sản lớn của Việt Nam, vào ngày 28-6 vừa qua, bị yêu cầu thu hồi khoảng 38 sản phẩm cá Swai đông lạnh vì đã không vượt qua được các bước kiểm tra của cơ quan thanh tra và an toàn thực phẩm (FSIS). Ví dụ như vậy để thấy ngay cả một doanh nghiệp lớn, nhiều kinh nghiệm xuất khẩu sang Mỹ mà còn mắc lỗi thì những doanh nghiệp khác, một khi đã quyết định xuất hàng sang thị trường này thì cần phải rất cẩn trọng trong quá trình sản xuất.

FDA kiểm tra có đáng sợ?

Khi đã chọn bán hàng sang Mỹ, chuyện vào một ngày nào đó, doanh nghiệp nhận được thông báo từ FDA về việc họ sẽ đến kiểm tra là chuyện bình thường.

Xin kể ra đây câu chuyện của Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại Tài Tài, đơn vị vừa đón tiếp FDA đến kiểm tra vào cuối tháng 4 vừa qua. Theo chia sẻ của ông Trần Trung Vĩnh Thái, Giám đốc nhà máy, trước khi FDA đến kiểm tra, họ gửi một e-mail thông báo sẽ đến kiểm tra và cho phép công ty chọn khoảng thời gian thích hợp. Và FDA đã cử một người đến làm việc trong hai ngày liên tiếp, tập trung vào việc kiểm tra hồ sơ quản lý của công ty và dành một phần thời gian thăm hoạt động nhà máy.

Nhận xét về nhân viên FDA, ông Thái cho biết họ làm việc tập trung với cường độ cao; rất lịch sự, tỉ mỉ, hỏi kỹ từng chi tiết nhưng không hạch sách. Để minh họa về sự tỉ mỉ của họ, ông Thái dẫn hai câu chuyện nhỏ.

Chuyện thứ nhất, trước khi đến Việt Nam, qua trao đổi e-mail, họ hỏi rất kỹ về thời tiết, khí hậu, khoảng cách từ công ty đến nhà máy, thời gian di chuyển mất bao lâu, có kẹt xe hay không... Chuyện thứ hai liên quan đến cục xà phòng dùng cho công nhân rửa tay. Họ quan tâm xem xà phòng này công ty mua ở đâu, có nhãn hiệu hay là hàng chợ, những hóa đơn chứng minh. Sở dĩ như vậy vì họ quan niệm xà phòng là để rửa tay mà bàn tay thì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm nên không thể không quan tâm. Ngay cả việc quản lý những cục xà phòng như thế nào, họ cũng hỏi kỹ. Nhiều khi do không để ý, doanh nghiệp chẳng giữ hóa đơn, hoặc cất giữ xà phòng (còn nguyên bao bì, chưa dùng) cùng nơi với văn phòng, như vậy là không đúng, sẽ bị điểm trừ. Nhiều điểm trừ nhỏ cộng lại sẽ thành một điểm trừ lớn và có thể ảnh hưởng đến việc đánh giá doanh nghiệp.

Đối với những doanh nghiệp nhỏ nhận được thông báo kiểm tra từ FDA, ông Thái chia sẻ cần trao đổi kỹ với họ qua e-mail để biết mình cần chuẩn bị những gì trước khi tiếp đón. Khi tiếp họ, doanh nghiệp phải có một người giỏi tiếng Anh chuyên ngành để có thể giải thích những điểm họ thắc mắc. Nếu chỉ là một người giỏi tiếng Anh nhưng không biết tới những từ chuyên ngành, không hiểu về ngành, thì quá trình làm việc có thể sẽ rất tốn thời gian.

Thêm một điều cần lưu ý, theo ông Thái, lần đầu FDA sang kiểm tra đó là họ đi theo trách nhiệm, doanh nghiệp không tốn chi phí. Nếu kết quả kiểm tra không đạt, trước mắt có thể ảnh hưởng đến việc xuất hàng hóa. Đến lần tái kiểm tra thì doanh nghiệp phải chi trả toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở cho nhân viên FDA và đây là khoản chi phí không nhỏ. Do vậy, ông Thái cho rằng việc chuẩn bị thật chu đáo trước khi đón tiếp FDA vẫn là điều quan trọng nhất.

Nhanhieuviet (Theo Thời Báo kinh tế Sài gòn)

.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn