2/5/2018 8:43:00 AM
.

Tại sao Mỹ thay đổi quan điểm về TPP?


Trong một động thái bất ngờ, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ cân nhắc việc Mỹ tái tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu Mỹ có thể đưa ra một thỏa thuận "về căn bản tốt hơn". Tại sao Mỹ để ngỏ khả năng trở lại TPP và điều này có thể dẫn đến tác động gì?

Ngay khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh "rút" Mỹ khỏi TPP gồm 12 quốc gia thành viên, mà ông cho là "cướp đi" nhiều việc làm của người Mỹ. Tuy  nhiên, trả lời phỏng vấn giới truyền thông bên lề Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sỹ) mới đây, ông Trump cho biết sẽ cân nhắc việc tái tham gia TPP nếu Mỹ có thể đưa ra một thỏa thuận "về căn bản tốt hơn". Trong bài phát biểu sau đó một ngày tại hội nghị thường niên giữa Chính phủ và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại Thụy Sỹ, Tổng thống Mỹ cũng nhắc lại rằng có thể khởi động đàm phán một thỏa thuận thương mại đa phương với các thành viên TPP "nếu nó có lợi cho tất cả các bên". Với quyết định trên, ông Trump đã gửi đi hai thông điệp: Một là thông báo với các cử tri ủng hộ mình rằng ông sẽ vẫn chỉnh lại chính sách thương mại của Mỹ bằng cách sửa lại một thỏa thuận TPP "tồi tệ"; hai là sẽ tiếp tục khiến mọi người phải đoán xem liệu nước Mỹ có tái tham gia hiệp định này hay không.

Theo giới chuyên gia về quan hệ Mỹ-châu Á, thỏa thuận mới mang tên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương toàn diện và tiến bộ (CPTPP)  nhằm thay thế cho TPP không có Mỹ đã tác động đến những toan tính của Mỹ, khiến Washington lo ngại bị "thua thiệt" khi các nước khác xúc tiến thỏa thuận thương mại với nhau. Chuyên gia Mireya Solis - học giả giàu kinh nghiệm tại Viện nghiên cứu Brookings tại Washington - phân tích: "Mỹ từng nghĩ rằng nếu họ rút khỏi TPP, hiệp định này sẽ chết, song thế giới đã chuyển biến rất khác ngay khi các nước thành viên còn lại của TPP quyết tâm làm cho TPP đơm hoa kết trái". Bà cũng cho rằng sự thay đổi quan điểm của Mỹ có thể xuất phát từ việc các nỗ lực đàm phán các thỏa thuận song phương rõ ràng "không đi đến đâu".

Viện dẫn một cuộc họp giữa ông Trump với các nghị sĩ, thống đốc bang và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, James Schoff - học giả giàu kinh nghiệm tại Quỹ Carnegie Endowment vì Hòa bình quốc tế - cho biết các chính khách và chủ doanh nghiệp đã bày tỏ lo ngại nước Mỹ có nguy cơ "bị gạt ra rìa" nếu các nước khác xúc tiến các thỏa thuận thương mại với nhau mà không có Mỹ. Thực vậy, một ngày sau khi 11 thành viên còn lại của TPP đạt thỏa thuận CPTPP, bao gồm một kế hoạch ký kết hiệp ước mới không có Mỹ vào ngày 8/3 tới tại Chile, Hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa Carlos Curbelo đã chỉ trích quan điểm của Tổng thống Trump về TPP, khẳng định: "Tổng thống đã bở lỡ một cơ hội to lớn nhằm thúc đẩy đảm bảo quyền lợi của nước Mỹ khi không tham gia hiệp định quan trọng như vậy". Nghị sĩ Curbelo kêu gọi Chính phủ xem xét lại "quyết định thiển cận" này.

Nhìn từ góc độ khác, Thứ trưởng Ngân sách cho các vấn đề quốc tế Mỹ David Malpass cho rằng một trong những nhân tố làm thay đổi quan điểm của Trump về TPP là "thái độ của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế đang gia tăng trên quy mô toàn cầu". Tuy nhiên, theo chính khách này, tuyên bố của ông Trump tại Davos cho thấy Washington sẽ không trở lại với TPP theo các điều khoản ban đầu. Đồng quan điểm trên, học giả Schoff cũng nghi ngờ ông Trump muốn có "một thỏa thuận phiến diện mà sẽ chỉ có lợi cho phía Mỹ". Tuy nhiên, ông Schoff cho rằng việc này là "phi thực tế", dù có thể làm hài lòng những người ủng hộ ông Trump. Học giả này cũng hoài nghi rằng tuyên bố trên của ông Trump có thể là một nỗ lực nhằm làm chậm tiến trình Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Mặc dù vậy, ông Schoff khẳng định "một thủ đoạn như vậy sẽ không hiệu quả vì ông Trump không có nhiều uy tín trong lĩnh vực này".

Các chuyên gia đã hối thúc các nước thành viên của TPP 11 nhanh chóng ký và phê chuẩn CPTPP và nhấn mạnh đây là "cách tốt nhất để tác động đến cách hành xử của Mỹ và bảo vệ phương thức tiếp cận quan hệ thương mại trên cơ sở luật pháp hơn là quan hệ thương mại dựa trên chính sách chi phối".

Nhanhieuviet (Theo Báo Hải Quan)

Tin trong ngày
Các tin khác
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn