7/21/2020 10:04:00 AM
.

Ưu đãi thuế quan chỉ là trước mắt, hội nhập trong “sân chơi” 27 nước EU không hề dễ


Với thị trường EU, ngoài việc các doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo nguyên tắc khắt khe quy định về chất lượng, xuất xứ hàng hoá... thì cũng có những đối thủ cạnh tranh rất mạnh từ Thái Lan, Australia, New Zealand hay Trung Quốc...

Thông tin về hàng loạt mặt hàng được giảm thuế quan kể từ ngày 1/8 khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực đã mang "làn gió" tích cực cho các doanh nghiệp Việt, nhất là ngành xuất khẩu nông sản trong giai đoạn khó khăn vì dịch Covid-19, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức cần phải vượt qua nếu muốn tận dụng tốt nhất cơ hội từ "cuộc chơi" này.

Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 18,81 tỷ USD, trong đó thị trường EU chiếm 12% trong tổng cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam với các mặt hàng chủ lực như: Thuỷ sản, đồ gỗ, cà phê và một số mặt hàng cây công nghiệp.

Ưu đãi thuế quan không phải yếu tố quyết định

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thách thức lớn nhất với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ khi tham gia sân chơi EVFTA, cần phải hiểu biết cặn kẽ những ưu đãi mà hiệp định này mang lại, trong đó những ưu đãi thuế quan chỉ là trước mắt.

EVFTA là một hiệp định được thiết kế ở khung tiêu chuẩn rất cao đòi hỏi sự hoàn thiện cả về thể chế và các quy trình quản lý cũng như chất lượng sản phẩm nếu muốn xuất khẩu được sang thị trường này.

Hàng rào kỹ thuật của EU được xây dựng dựa trên các yếu tố: Nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm và cả vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Hàng loạt tiêu chuẩn sẽ phải nâng lên nếu doanh nghiệp muốn tận dụng lợi thế từ EVFTA. Đơn cử như tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm không chỉ là VietGAP mà phải nâng lên GlobalGAP, hay năng lực chế biến và bảo quản nông sản cũng cần được tăng lên để phù hợp với EU, nơi có khoảng cách địa lý lớn với Việt Nam. Đó là chưa kể đến các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp… mà các quốc gia EU có thể sử dụng để bảo vệ doanh nghiệp trong nước.

Bày tỏ quan điểm không quá lạc quan vào những ưu đãi của Hiệp định EVFTA trong giai đoạn này, theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T, EVFTA có hiệu lực đúng vào giai đoạn thị trường EU đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vì vậy chỉ khi nào thị trường này hồi phục thì bản thân doanh nghiệp mới đánh giá được mình hưởng lợi như thế nào từ Hiệp định này.

Với mặt hàng nông sản, việc giảm thuế quan của EU giúp tăng sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam so với các nhà cung cấp từ quốc gia khác, song đây không phải là yếu tố quyết định, ông Tùng đánh giá.

Vấn đề lớn là làm sao để sản phẩm đáp ứng đủ yêu cầu của thị trường EU

Bởi để vượt qua những rào cản về kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt kiểm soát về dư lượng thuộc trừ sâu, thì các sản phẩm phải đạt các chứng nhận như: ISO, GlobalGAP đối với cây trồng, Chứng nhận trách nhiệm xã hội (SMETA) với doanh nghiệp, nhà máy, quy trình canh tác hay vùng trồng cũng phải đạt tiêu chuẩn. Vấn đề lớn đặt ra là vậy phải làm sao để sản phẩm có chất lượng tốt nhất, đáp ứng đủ yêu cầu của thị trường EU, ông Tùng nhấn mạnh.

Để đạt được chứng nhận kể trên, theo ông Tùng, doanh nghiệp cũng phải có tiềm lực tài chính tốt bởi chi phí cho những chứng nhận này là khá cao. Chỉ riêng chứng nhận GlobalGAP với mỗi vùng trồng doanh nghiệp sẽ phải bỏ chi phí khoảng 200 triệu đồng/năm, ông Tùng cho biết.

"Chỉ các doanh nghiệp có quy mô đủ lớn và đã có khách hàng cũ tại EU mới dám đầu tư. Vì nếu mỗi loại trái cây, mỗi vùng trồng mà tốn chi phí 200 triệu đồng thì khá cao so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ", CEO Vina T&T cho hay.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Tùng, doanh nghiệp cần làm tốt khâu sản xuất cũng như vận chuyển nếu muốn có lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia có sản phẩm tương đồng như Thái Lan hay Trung Quốc.

Đối với mặt hàng thuỷ sản, theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản, những sản phẩm này có lợi thế vượt trội của Việt Nam và cần phải đẩy mạnh.

Danh mục thuỷ hải sản của Việt Nam hiện rất đa dạng song kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU lại không lớn. Hiện thuỷ sản xuất sang EU năm 2019 chỉ đạt trên 1 tỷ USD, rất khiêm tốn so với mức 8 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản. Vì vậy, vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, ông Toản đánh giá.

Để đẩy mạnh xuất khẩu được sang thị trường này, ông Toản cho rằng, các doanh nghiệp phải đồng bộ với khâu sản xuất, đánh bắt với chế biến để đảm bảo những tiêu chuẩn khắt khe mà thị trường EU đưa ra cũng như gắn liền với việc quản lý chất lượng, công tác truy xuất nguồn gốc gắn liền với tổ chức cấp mã số vùng nuôi.

Doanh nghiệp cũng hết sức chú trọng và làm thật tốt về chất lượng, bao bì, xuất xứ, mẫu mã,… để vượt qua những rào cản phi kỹ thuật, SCS (kiểm dịch) khi xuất khẩu. Bên cạnh đó, phải làm tốt khâu logictis, chế biến và bảo quản để tăng sức cạnh tranh với hàng hoá của các nước khác khi sang EU.

"Hội nhập trong ’sân chơi’ 27 nước thành viên Liên minh Châu Âu không hề đơn giản, ngay kể cả khi các doanh nghiệp Việt Nam đảm bảo được các quy định về chất lượng, xuất xứ hàng hoá thì cũng có những đối thủ cạnh tranh rất mạnh từ Thái Lan, Australia, New Zealand, Trung Quốc,…", ông Toản cho hay.

Ông Toản cho biết, trong thời gian tới Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội cá tra, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản để chúng ta cùng nhau vượt khó, vừa cải thiện hạ tầng sản xuất, quản lý chất lượng vừa đảm bảo điều kiện để tháo gỡ thẻ vàng.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Thông tin & Truyền thông để từng bước chuyển đổi số, sản xuất theo thời gian thực, quản lý khai thác các đội tàu gắn định vị để tránh khai thác bất hợp pháp, quản lý chất lượng, kiểm soát dư lượng kháng sinh,…

Nhanhieuviet (Theo bizlive.vn - Link gốc)

.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn