2/15/2017 9:23:00 AM
.

Việt Nam: Thung lũng Silicon mới nổi của ASEAN


Trong khi hầu hết các quốc gia thuộc Cộng đồng Kinh tế ASEAN đều có tham vọng trở thành cường quốc công nghệ, Việt Nam là quốc gia phù hợp nhất để trở thành Thung lũng Silicon của khu vực, nhờ vào chính sách giáo dục đúng đắn, sự hỗ trợ từ phía chính phủ và môi trường kinh doanh thân thiện.

Việt Nam được biết đến là quốc gia mạnh về khoa học và toán học vào năm 2012, khi lần đầu tham gia PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế),  lứa học sinh 15 tuổi đến từ Việt Nam đã đứng thứ 8 về khoa học và đứng thứ 17 về toán học.

Kết quả còn ấn tượng hơn theo bảng xếp hạng PISA vào năm 2015, khi Việt Nam xếp thứ 8 về khoa học và thứ 22 về toán học, xếp trên cả Mỹ, Australia và Anh.

Andreas Schleicher, điều phối viên các bài kiểm tra PISA của OECD cho biết, thành công của Việt Nam dựa trên chính sách cấp tiến của chính phủ, một nền giáo dục tập trung, nâng cao năng lực cho giáo viên đi kèm các cam kết chính trị.

Học sinh trung học ở Việt Nam hiện nay thường làm bài tốt hơn so với những bạn đồng trang lứa ở các nước phát triển giàu có.

Những thành tựu này đã được kiểm chứng bằng các đánh giá độc lập trong học tập, trong đó xác nhận rằng vị thứ PISA của Việt Nam không đơn thuần phản ánh các kỹ năng làm bài thi.

Các kết quả từ Young Lives cho thấy, học sinh Việt Nam có thành tích cao với 95% học sinh trong độ tuổi 10 tuổi có khả năng cộng số có 4 chữ số và 85% học sinh có khả năng trừ phân số.

Thành công của học sinh, sinh viên Việt Nam trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học không những thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách giáo dục, mà còn là các tập đoàn công nghệ quốc tế tìm kiếm tài năng mới.

Một kỹ sư phần mềm kỳ cựu từ Alphabet Inc của Google, Neil Fraser, năm 2013 đã đến thăm các trường học địa phương ở Việt Nam và tìm hiểu về các kỹ năng công nghệ của học sinh. Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, Fraser nói: “Việt Nam có những học sinh xuất sắc nhất về khoa học máy tính mà tôi từng gặp. Các bài toán mà tôi theo dõi họ xử lý… đều là những câu hỏi đầy thách thức trong một cuộc phỏng vấn tuyển dụng của Google”.

Giám đốc điều hành của Google, Sundar Pichai, cũng đã đến Việt Nam vào năm ngoái, ông đã có cuộc gặp gỡ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để thảo luận về sự phát triển trong tương lai.

Sau buổi gặp gỡ, ông Pichai khẳng định, Việt Nam sẽ sớm trở thành một trong những thị trường quan trọng nhất của Google, ông giải thích: “Việt Nam dễ dàng lọt trong top 10 điểm đến hàng đầu đối với các công ty và cá nhân muốn phát triển sản phẩm mới”.

Nằm trong các cam kết Google để phát triển ngành khoa học công nghệ còn nhiều tiềm năng của Việt Nam, gã khổng lồ công nghệ của California sẽ sớm đào tạo 1.400 kỹ sư CNTT địa phương.

Việt Nam cũng được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ của chính phủ, với mục tiêu trở thành một trung tâm khu vực về công nghệ và sáng tạo. Một ví dụ tiêu biểu là dự án Thung lũng Silicon được đề xuất bởi Bộ KHCN Việt Nam, nhằm đưa Việt Nam sớm trở thành một cường quốc trong nền kinh tế số hóa. Dự án đang kêu gọi hỗ trợ cần thiết từ phía doanh nhân, giới chuyên gia và nhà đầu tư để phát triển thành một ngành công nghệ cạnh tranh.

Sức hấp dẫn của Việt Nam đến từ lực lượng lao động am hiểu công nghệ, vốn rẻ hơn nhân công Trung Quốc và hiệu suất còn cao hơn các quốc gia khác trong AEC.

Ban đầu, Việt Nam đã nổi lên như một trung tâm cho các nhà sản xuất điện tử Hàn Quốc và Nhật Bản, như Samsung, LG Electronics, Panasonic và Toshiba, các công ty này đều đã có nhà máy ở Việt Nam trong nhiều thập kỷ. Nhưng trọng tâm hiện nay là chuyển từ một quốc gia hàng đầu về cung cấp linh kiện điện tử để trở thành một trung tâm nghiên cứu, đổi mới và phát triển.

Nếu kế hoạch của Việt Nam trở thành hiện thực, có đủ lý do để tin rằng nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ đi theo hướng phát triển của Nguyễn Hà Đông, chủ nhân của trò chơi Flappy Bird, một tựa game trên smartphone đình đám, đứng đầu các bảng xếp hạng ứng dụng của Apple và Android và được đồn đoán đã thu được trên 50.000 USD mỗi ngày.

Nguyễn đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi gỡ bỏ Flappy Bird trên App Store và Android vì Nguyễn cảm thấy trò chơi đã quá gây nghiện. Nguyễn đã tiếp tục phát triển nhiều trò chơi khác mà tất cả đều trở nên phổ biến.

Quỹ đầu tư danh tiếng “500 Startups” của Thung lũng Silicon đã thu hút nhiều tài năng như Nguyễn Hà Đông và gần đây đã công bố một khoản đầu tư vào Việt Nam trong thời gian 12 tháng, với trị giá 10 triệu USD.

Tuy nhiên, theo Eddie Thai, đối tác của quỹ “500 Startups” giải thích, họ có thể đã đánh giá thấp tiềm năng của Việt Nam, “vì rất rõ ràng, có rất nhiều công ty tốt mong muốn đầu tư tại đây”.

Với  một hệ thống giáo dục đúng đắn, chính sách hỗ trợ từ chính phủ, đầu tư nước ngoài, và một thế hệ am hiểu công nghệ, Việt Nam đang ở vị thế tuyệt vời để trở thành Thung lũng Silicon của khu vực trong nhiều năm tới.

Nhanhieuviet (Theo hoinhap.org.vn)

.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn