3/5/2021 8:49:00 AM
.

Bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí: Ứng dụng khoa hoc công nghệ là giải pháp hàng đầu


Tình trạng vi phạm bản quyền các tác phẩm báo chí vẫn diễn ra khá phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt là đối với các sản phẩm báo chí điện tử. Vì vậy việc ứng dụng khoa học công nghệ là giải pháp hàng đầu.

Chia sẻ về tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, vi phạm bản quyền các tác phẩm báo chí diễn ra rất phổ biến, đa dạng, không chỉ trong nước mà phạm vi toàn cầu.

Thực trạng trên không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng, nguồn thu nhập từ quảng cáo của các cơ quan báo chí mà còn nguy hại đến vấn đề an ninh mạng trên nền tảng xuyên biên giới. Theo ông Lâm, sẽ không còn cơ hội tăng nguồn thu cho các cơ quan báo chí chính thống nếu việc vi phạm bản quyền tràn lan không được kiểm soát .

Ví như năm 2018, thống kê từ các ngân hàng thương mại trong nước, số lượng tiền từ các tổ chức, cá nhân trong nước chuyển cho Facebok và Google là 900 triệu USD (hai nền tảng thương mại điện tử chiếm 80% thị phần quảng cáo toàn cầu hiện nay).

Tiến sĩ Trịnh Tuấn Thành, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, trong lĩnh vực báo chí, mỗi sản phẩm, đứa con tinh thần sinh ra mà không được bảo vệ, bị đánh cắp sẽ là nỗi buồn, nỗi thất vọng lớn không chỉ với mỗi nhà báo mà với tất cả các cơ quan báo chí... Thực tế cho thấy, sự sao chép, đánh cắp bản quyền tác giả xuất hiện ngày càng nhiều hơn, tinh vi hơn, không chỉ đối với mạng xã hội mà còn phổ biến ở các cơ quan báo chí hiện nay.

Để giải quyết vấn đề này, vừa qua Trung tâm Bản quyền số (Hội Truyền thông số Việt Nam) đã chính thức đi vào hoạt động. Đơn vị có chức năng bảo vệ bản quyền số trong lĩnh vực báo chí xuất bản, các tác phẩm văn học nghệ thuật..., các lĩnh vực công nghệ số khác.

Ông Hoàng Đình Chung - Giám đốc Trung tâm Bản quyền số chia sẻ với báo chí: "Thời điểm này chúng tôi đã ra mắt được một số giải pháp, từ những giải pháp tạm thời là truy quét được phần nội dung các bài báo, hình ảnh (text và hình ảnh) trên báo chí, tiếp theo nữa là quét được âm thanh, video… chúng tôi sẽ có lộ trình từng bước một.

Tất cả lĩnh vực này chúng tôi phải dùng công nghệ để quét, không thể dùng thủ công. Công việc này được triển khai để thực hiện việc minh bạch hóa vấn đề vi phạm bản quyền. Công nghệ sẽ báo về kết quả có sao chép hay không, đây là cách tốt nhất để giaỉ quyết vấn đề vi phạm bản quyền báo chí hiện nay.

Trên môi trường mạng, các đơn vị vi phạm thường dùng công nghệ để vi phạm vì thế chỉ có thể sử dụng công nghệ để làm rõ vi phạm này. Không thể lấy thủ công để chặn người dùng công nghệ để vi phạm".

Có thể thấy, việc ứng dụng khoa học công nghệ sẽ giúp bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí hiệu quả hơn.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo - Link gốc)

Tin trong ngày
Các tin khác
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn