9/20/2018 11:39:00 AM
.

Cánh cửa mới cho nông sản Việt Nam khi được bảo hộ nhãn hiệu


Việc bảo hộ nhãn hiệu, bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các nông sản Việt Nam đang đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng giá trị hàng hóa Việt, đồng nghĩa với việc tạo ra sản phẩm có chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn, nhu cầu và thị hiếu của thị trường.

Việt Nam luôn đứng trong top đầu thế giới về xuất khẩu nông sản, nhưng trên thực tế, việc xây dựng thương hiệu vẫn còn nhiều bất cập. Điều này đã làm giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm trong nước cũng như gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp của Việt Nam.

Một trong những trở ngại khiến việc xây dựng thương hiệu nông sản của Việt Nam trở nên khó khăn là do quy mô sản xuất ngành nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ. Sản phẩm chưa có chất lượng cao, vẫn tồn tại tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép.

Nhiều sản phẩm khi về địa phương mới biết đó là sản phẩm truyền thống. Thương hiệu đã có nguồn gốc xuất xứ rất rõ ràng, nhưng do không làm tốt việc đăng ký bảo hộ, đặc biệt là thiếu sự quan tâm của lãnh đạo các địa phương nên mất đi tính đặc trưng. Nếu thực sự chủ động và quan tâm đến vấn đề này, các địa phương có thể làm rất mạnh việc xác định nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm theo quy trình làm thương hiệu, đăng ký bảo hộ, chỉ dẫn địa lý, tên của sản phẩm theo địa phương và tuyên truyền quảng bá.

Từ những thực tế trên có thể thấy, tình trạng chung của nông sản Việt Nam hiện nay là chưa được chú trọng xây dựng thương hiệu dẫn đến năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế thấp.

Vì vậy có thể nói, việc bảo hộ nhãn hiệu, bảo hộ chỉ dẫn địa lý là một trong những giải pháp phát triển bền vững mà ngành nông nghiệp hướng tới thông qua việc chú trọng, đẩy mạnh xây dựng và phát triển các thương hiệu nông sản chủ lực của Việt Nam.

Với chỉ dẫn địa lý (CDĐL), ngoài việc đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, sản phẩm mang CDĐL phải đáp ứng các quy định về chất lượng đặc thù, đặc trưng được tạo dựng từ điều kiện tự nhiên (đất đai, khí hậu) và kỹ thuật sản xuất truyền thống của người dân. Bản thân trong mỗi sản phẩm tự nó cũng mạng một giá trị riêng mà người ta quen gọi là “đặc sản”.

Quá trình bảo hộ CDĐL đã có những tác động tích cực và rõ ràng đến nhận thức, sự quan tâm sâu sắc từ chính quyền các cấp và doanh nghiệp. CDĐL cũng tạo được lan tỏa, tác động tích cực đến nhận thức của cộng đồng và người tiêu dùng. Điểm đáng chú ý là sau khi sản phẩm được bảo hộ, giá bán của các sản phẩm sau khi CDĐL được bảo hộ đều có xu hướng tăng. Điều này thể hiện ở chỗ mỗi một chỉ dẫn địa lý sau khi được nhà nước bảo hộ, về cơ bản, các địa phương sẽ tổ chức quản lý trên cơ sở các chính sách và quy định theo từng sản phẩm, đặc biệt là việc kiểm soát chất lượng và các quy định liên quan đến bao bì, nhãn mác, sử dụng. CDĐL đã tác động đến giá trị của sản phẩm, giá bán của các sản phẩm sau khi CDĐL được bảo hộ đều có xu hướng tăng, đặc biệt là một số sản phẩm như: Nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang), cam Cao Phong (Hòa Bình), mật ong bạc hà Mèo Vạc (Hà Giang)...

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra sâu, rộng, SHTT nói chung và việc đăng ký bảo hộ CDĐL nói riêng đã và đang đóng góp tích cực cho việc nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, và là công cụ quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Để gia tăng hiệu quả khái thác giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp sau bảo hộ, chúng ta cần gây dựng được văn hóa sở hữu trí tuệ từ nhiều phía, cả cơ quan nhà nước, nhà sản xuất, người tiêu dùng, trong đó:

Tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý thị trường, phải ngăn chặn được việc lợi dụng danh tiếng, uy tín của các sản phẩm được bảo hộ để sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

Các nhà sản xuất cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí chất lượng, nguồn gốc sản phẩm…;- Tăng cường công tác truyền thông thương hiệu, đặc biệt là truyền thông qua internet (các diễn đàn, mạng xã hội, website…) để nâng cao nhận thức về thương hiệu đối với người tiêu dùng và tạo cơ hội cho tiếp xúc thương hiệu;

Người tiêu dùng cần hiểu và nâng cao khả năng nhận diện các dấu hiệu CDĐL đối với sản phẩm.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo)

.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn