9/21/2022 9:05:00 AM
.

Định giá tài sản trí tuệ: Bài toán khó cho các doanh nghiệp


Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng đến việc định giá, khai thác tài sản trí tuệ cho đến khi có tranh chấp xảy ra.

Tài sản trí tuệ là những sản phẩm sáng tạo của con người như bằng cấp, phát minh, sáng chế, các tác phẩm văn học và nghệ thuật, các biểu tượng, hình ảnh và kiểu dáng được sử dụng trong thương mại. Trong đó, tài sản trí tuệ mà các doanh nghiệp thường gặp là bằng sáng chế, thương hiệu và bí mật kinh doanh.

Lợi ích của định giá tài sản trí tuệ

Tài sản trí tuệ là bộ phận của tài sản vô hình, cho nên việc định giá thường gặp nhiều khó khăn hơn so với việc định giá doanh nghiệp hay cổ phần. 

Phần lớn, các doanh nghiệp tại Việt nam hiện nay đều đặt ra câu hỏi mục đích của việc định giá tài sản trí tuệ.

Tại hội thảo “Bảo hộ và Quản lý tài sản sở hữu trí tuệ” diễn ra ngày 4/8/2022 vừa qua, bà Vũ Thị Phương Anh - Giám đốc Dịch vụ tư vấn tài chính PWC Vietnam cho biết: “Đối với các doanh nghiệp hiện nay, mục đích định giá tài sản trí tuệ thường xảy ra khi làm thương vụ mua bán, chuyển giao công nghệ giữa hai bên hoặc xin cấp phép sử dụng”.

Định giá tài sản trí tuệ trong chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp đang diễn ra ngày càng phổ biến hơn. Việc chuyển giao công nghệ được thực hiện qua các hợp đồng mua bán, hoặc các hình thức cấp phép sử dụng. Với các giao dịch này, bên mua và bên bán sẽ có những quan điểm khác nhau về tài sản trí tuệ.

“Với trường hợp mua bán chuyển nhượng, chuyển giao công nghệ cả bên mua và bên bán cần tiếng nói chung. Tuy nhiên trên thực tế, những kỳ vọng về tài sản, lượng tin không cân xứng nhau giữa hai bên nên khó tìm tiếng nói chung. Chính vì vậy, cần xác định tài sản bằng phương pháp định giá để giúp cho giao dịch chuyển nhượng được thuận lợi”, bà Vũ Thị Phương Anh - Giám đốc Dịch vụ tư vấn tài chính PWC Vietnam chia sẻ. 

Hiện nay, việc xảy ra tranh chấp thương mại là vấn đề phổ biến giữa các doanh nghiệp. Lúc này, các doanh nghiệp buộc phải định giá tài sản của mình là bao nhiêu, mức vi phạm bồi thường như thế nào. Kết quả định giá có thể quyết định hướng tiếp cận xử lý bên vi phạm.

Phương pháp định giá tài sản trí tuệ

Không phải tài sản hữu hình như ngôi nhà hay chiếc xe, tài sản trí tuệ được cho là đối tượng khác biệt nên việc xác định giá trị cần đòi hỏi những hiểu biết chuyên sâu. Hơn nữa, các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến giá trị tài sản cũng đặt ra thách thức cho việc định giá này.

Theo đó, các chuyên gia đưa ra ba cách tiếp cận mang tính định lượng khi định giá tài sản trí tuệ, bao gồm góc độ chi phí, thu nhập và thị trường. 

Phương pháp chi phí dựa trên nguyên lý thay thế. Nghĩa là, các nhà đầu tư sẽ không mua một tài sản ở mức giá cao hơn tổng chi phí sản xuất, hoặc giá mua lại một tài sản có lợi ích kinh tế hay chức năng tương tự từ một bên khác. Phương pháp này mang tính khách quan tương đối lớn bởi sự đòi hỏi lượng thông tin và dữ liệu đầu vào lớn. Ngoài ra, phương pháp này phù hợp khi định giá tài sản trí tuệ không trực tiếp tạo ra lợi ích kinh tế.

Tuy nhiên, phương pháp này chỉ ghi nhận những chi phí phát sinh trong quá khứ, mà bỏ qua đi tiềm năng/giá trị tương lai có thể mang lại. Từ đây dẫn đến việc giữa bên mua và bên bán khó tìm được tiếng nói chung.

Phương pháp thu nhập được sử dụng thường xuyên trong việc định giá tài sản trí tuệ. Phương pháp này được xây dựng dựa trên giả định về những lợi ích kinh tế mà tài sản trí tuệ sẽ mang lại cho chủ sở hữu. 

Tính chính xác của phương pháp này phụ thuộc chủ yếu vào dòng tiền đến từ thu nhập tăng thêm, hoặc chi phí được tiết kiệm. Vì vậy, phương pháp này phù hợp với những doanh nghiệp có dòng tiền dương và thông tin dự phóng. Tuy nhiên, hạn chế lớn của phương pháp này đến từ sự phụ thuộc vào dòng tiền.

Phương pháp phân tích thị trường hướng đến việc sử dụng những giao dịch tương tự để định giá tài sản trí tuệ. Phương pháp này sẽ rất đơn giản nếu tồn tại một tài sản trí tuệ tương tự để so sánh. Tuy nhiên, trên thực tế rất khó để tìm được được một tài sản trí tuệ giống hệt với tài sản cần định giá.

Cho đến nay, việc định giá tài sản trí tuệ vẫn là thách thức đối với các doanh nghiệp. Để định giá tài sản trí tuệ không dễ, tuy nhiên nếu bên mua và bên bán cung cấp lượng thông tin chất lượng đủ để thu thập, thì kết quả không có sự chênh lệch lớn.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ - Link gốc)

Tin trong ngày
Các tin khác
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn