3/6/2023 10:13:00 AM
.

Làm sao để tăng giá trị thương hiệu cà phê Việt?


Chú trọng đầu tư sản xuất cà phê sạch, có chính sách khuyến khích cho doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, đồng thời xây dựng thương hiệu, liên kết các doanh nghiệp, tìm đầu ra cho cà phê là đề xuất được đưa ra tại hội thảo “Tăng giá trị cho cà phê Việt, cách nào?”.

Tại hội thảo “Tăng giá trị cho cà phê Việt, cách nào?” diễn ra trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Tôn vinh cà phê Việt 2023 do báo Người Lao Động tổ chức, ông Thái Như Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam - Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp - cho biết hiện tổng diện tích trồng cà phê của cả nước vào khoảng 710.000 ha nhưng thu hoạch chỉ khoảng 650.000 ha.

Trong đó, cà phê chế biến, cà phê đặc sản và cà phê biến sâu chiếm tỉ lệ rất thấp. Do đó, người tiêu dùng cà phê phải là người quyết định để nâng cao giá trị cà phê tới đỉnh cao và có thương hiệu.

Thời gian qua, giá trị bền vững trong lĩnh vực cà phê tăng 32% trong năm 2022 - 2023, liên quan đến nhiều chương trình phát triển cà phê bền vững, chương trình tạo vùng nguyên liệu trọng điểm gắn với liền các doanh nghiệp đầu tàu, bởi doanh nghiệp đóng vai trò quyết định.

Về vấn đề tăng giá trị cho cà phê Việt, ông Hiệp cho biết hiện nay chúng ta đang phát triển phần ngọn mạnh và chưa quan tâm giải quyết phần gốc. Do đó, cần có sự tham gia của các doanh nghiệp và nhà nước nhằm giải quyết phần gốc đầu tiên, để tham gia các hiệp định thương mại tự do. Sau đó, cần chú trọng vào chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là những mấu chốt cho ngành cà phê phát triển mạnh.

Hiện nay, người dân Tây Nguyên đang là lực lượng sản xuất cà phê chiếm tỷ lệ lớn nhưng họ đang khó khăn trong việc tiếp nhận công nghệ, văn hóa để chế biến, đặc biệt là về vốn. Do đó, vốn là một vấn đề then chốt để gỡ nút thắt cho việc phát triển cà phê.

“Nói về làm nông nghiệp, người dân đang phải vay vốn với lãi suất 12%/năm, lãi suất như vậy thực sự không ai làm nông nghiệp được. Để mở được nút thắt này cần có những chính sách tín dụng về nông nghiệp, hỗ trợ cho các hợp tác xã, cho người nông dân, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho đầu ra cho nông dân”, ông Hiệp chia sẻ.

Đồng thời, để tạo tạo giá trị bền vững, các doanh nghiệp làm cà phê Việt Nam phải chung tay liên kết với chuỗi giá trị từ người sản xuất đến khâu cuối cùng. Có như vậy mới hy vọng sẽ tạo ra sản phẩm cà phê cho người nông dân, cho thương hiệu cà phê Việt Nam và cà phê sẽ có chỗ đứng.

Cùng quan điểm trên, bà Cao Xuân Thu Vân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam bày tỏ mong muốn tạo được nhiều chuỗi liên kết, mỗi bên có một vai trò nhất định để cùng nhau tạo ra giá trị chung, phát triển ngành cà phê trong nước.

Năm 2022 là năm rất khởi sắc cho ngành cà phê, lần đầu kim ngạch xuất khẩu hơn 4 tỷ USD, sản lượng hơn 1,7 triệu tấn, đây là điều đáng mừng cho ngành cà phê trong 10 năm qua. Chúng ra cần có kế hoạch lâu dài để tiếp nối cho kế hoạch phát triển cà phê trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Theo ông Đinh Vĩnh Cường - Chủ tịch CLB Kết nối doanh nhân Việt Nam – Quốc tế, để phát triển và nâng giá trị cà phê Việt trong thời gian tới, chúng ta cần chú trọng đầu tư sản xuất cà phê sạch để đáp ứng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là những thị trường khó tính.

Thứ hai là vấn đề chế biến sâu. Hiện nay, rất ít công ty làm thương hiệu cho cà phê Việt Nam xuất khẩu ra thế giới.

“Ở Thái Lan có loại cà phê cao cấp, được bán từ 50 USD - 100 USD/ly ở các khách sạn 5 sao trên thế giới. Trong khi đó, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê nhưng chưa có thương hiệu nào góp mặt trong danh sách 10 thương hiệu cà phê đắt nhất thế giới. Khi giá trị cà phê tăng, ngành cà phê Việt Nam mới phát triển tốt lên”, ông Cường nói.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng cần xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các vùng trồng cà phê lớn để gia tăng giá trị cho sản phẩm cà phê từ các vùng trồng này.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ - Link gốc) 

Tin trong ngày
Các tin khác
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn