4/27/2023 2:25:00 PM
.

Mức phạt vi phạm bản quyền sẽ ngày càng cao hơn


Để phù hợp với thực tiễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được Chính Phủ giao chủ trì soạn thảo, nghiên cứu để làm sao có những mức phạt đảm bảo đủ sức răn đe trong việc vi phạm bản quyền.

Ngày 26/4, tại TP.HCM, hội thảo "Sở hữu trí tuệ và ngành công nghiệp sáng tạo trong kỷ nguyên số tại Việt Nam" do Cục Bản quyền Tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM tổ chức.

Tại Hội thảo, bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) - cho rằng hiện nay, các cá nhân, tổ chức đã chủ động hơn trong việc đăng ký bản quyền để có căn cứ ban đầu trong quá trình khai thác sử dụng và xử lý vi phạm khi có các hành vi xâm phạm xảy ra. 

Theo bà Oanh trong môi trường số, vi phạm bản quyền vẫn còn diễn ra trên nhiều lĩnh vực, hình thức với mức độ khác nhau và nhanh nhạy đến mức chủ sở hữu quyền đã áp dụng biện pháp công nghệ để bảo vệ nhưng không biết rằng người khai thác sử dụng cũng nghĩ ra cách thức vi phạm tinh vi hơn. 

Cho đến nay, hành lang pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan được các nước phát triển đánh giá là tương đối đầy đủ và đồng bộ, mức xử phạt không phải là không có và không đủ sức răn đe. Theo thực tiễn, với sự phát triển của khoa học công nghệ đã tạo nên nhiều cơ hội giúp con người có khả năng tiếp cận môi trường số nhưng đồng thời nhiều người lợi dụng để vi phạm bản quyền.

Để xử lý vi phạm một cách nhanh chóng và kịp thời, bản thân chủ thể quyền khi phát hiện hành vi xâm phạm phải thực hiện các biện pháp mà pháp luật đang cho phép để có thể yêu cầu các bên chấm dứt hành vi vi phạm, hoặc yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xử phạt theo quy định. 

Theo bà Oanh, công nghệ phát triển thì các bạn trẻ cũng đang sử dụng mạng xã hội để tạo nên các sáng tạo của mình và truyền bá rộng rãi nhưng cũng có nhiều trường hợp vi phạm bản quyền. Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được Chính Phủ giao chủ trì soạn thảo, nghiên cứu để làm sao có những mức phạt đảm bảo đủ sức răn đe trong việc vi phạm bản quyền.

"Điều quan trọng nhất là chúng ta có mức phạt rồi nhưng phải cùng nhau hợp tác để đấu tranh chống vi phạm bản quyền và chủ sở hữu phải chủ động bảo vệ quyền khi có hành vi xâm phạm xảy ra", bà Oanh nói. 

Đồng tình với bà Oanh, ông Lê Thanh Liêm – Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch – khẳng định quan điểm của Nhà nước, các cơ quan thực thi pháp luật là không dung túng cho các hành vi xâm phạm bản quyền. Hiện nay, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đang cố gắng hoàn thiện cơ sở pháp lý về nội dung đến quy định xử phạt, mức phạt sẽ ngày càng cao hơn phù hợp đến điều kiện thực tiễn. 

Trong khi đó, ông Tarun Sawney - Giám đốc Khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Liên minh Phần mềm (BSA) - cho rằng cần phải từ chối thói quen xâm phạm bản quyền, không để xâm phạm bản quyền trở thành văn hóa. "Nếu như các bạn muốn phát triển tốt các ý tưởng sáng tạo thì điều đầu tiên là chúng ta không nên thỏa hiệp với hành vi xâm phạm bản quyền", ông Tarun Sawney nói.

Cũng tại Hội thảo, ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chia sẻ đối với ngành công nghiệp sáng tạo, để có được ngành công nghiệp thì điểm quan trọng nhất là công nghệ. Có thể thấy, công nghệ dựa trên sáng chế và bí quyết kỹ thuật.

Thực tế, không thể độc quyền hay sở hữu công nghệ nếu không có quyền đối với sáng chế trước đó, bởi vì công nghệ không tuân theo quy định của Luật Dân sự mà nó dựa trên sự bảo hộ của quyền sở hữu trí tuệ. Nếu không có quyền sở hữu trí tuệ thì công nghệ không phải là mắt xích quan trọng trong quá trình đổi mới sáng tạo. 

Cũng theo ông Hồng, tại Việt Nam, việc bảo hộ những sáng chế liên quan đến công nghệ có con số rất khiêm tốn, tổng số đơn đăng sáng chế của Việt Nam cao nhất tại năm 2022 chỉ có 8707 đơn, trong đó có 895 đơn người Việt Nam đăng ký. Trong tổng số lượng bằng được cấp ra của năm 2022, chỉ có 3715 văn bằng được cấp nhưng Việt nam chỉ có 153 bằng độc quyền sáng chế.

Theo ông Hồng, để phát triển được công nghệ, các ngành sản xuất công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam còn nhiều khó khăn vì nền tảng công nghệ lõi không có.

Ông Hồng cũng nêu lên kỳ vọng mọi người cần nhận thức một cách đầy đủ hơn về công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, các trường đại học, viện cần đầu tư, nghiên cứu phát triển để có được công nghệ. "Nếu như nền kinh tế không có được sự thay đổi trong vấn đề về công nghệ thì không thể đáp ứng được sự thay đổi tăng trưởng theo chiều sâu, điều này dẫn đến Việt Nam khó có thể trở thành một nước có thu nhập cao vào năm 2045", ông Hồng nói. 

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ - Link gốc)

.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn