4/26/2023 9:13:00 AM
.

Sở hữu trí tuệ là vấn đề thiết yếu để phát triển bền vững nội dung số


Đối với các doanh nghiệp nội dung số, nếu không chú trọng đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thì khi bước ra thị trường toàn cầu, chỉ cần một vụ việc xâm phạm quyền, cạnh tranh không lành mạnh, liên quan đến pháp lý kiện tụng, có thể sẽ mất khả năng ứng phó, duy trì hoạt động...

Trong thời gian qua, ngành viễn thông - công nghệ thông tin; báo chí, phát thanh, truyền hình tại Việt Nam đã có những bước phát triển nổi bật trong các hoạt động xây dựng hạ tầng kỹ thuật số, sản xuất và kinh doanh trên môi trường số.

Tại Diễn đàn Sáng tạo nội dung số, bảo vệ bản quyền số và quảng cáo số, ông Vũ Kiêm Văn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) cho hay, sáng tạo nội dung số, bảo vệ bản quyền số và quảng cáo số là những nhân tố chính, liên quan mật thiết với nhau trong công nghiệp nội dung số.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA), trong khi số người tiêu thụ nội dung số tăng thì số người dùng trái phép nội dung vi phạm bản quyền cũng tăng. VDCA ước tính số lượng người tiêu thụ nội dung video vi phạm bản quyền năm 2022 là 15,5 triệu người, làm thất thoát gần 350 triệu USD, chiếm 18% doanh thu ngành video hợp pháp. Đến năm 2027, con số này có thể tăng đến hơn 19 triệu, làm thất thoát hơn 450 triệu USD.

Ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm Bản quyền số thuộc VDCA cũng nhận định: “Mỗi ngày một đơn vị hoặc nhà sáng tạo nội dung có thể tạo ra vài chục hoặc vài trăm nội dung mới, không dễ để có thể rà quét hoặc báo cáo vi phạm. Với các hoạt động xâm phạm như hiện tại, chủ sở hữu phải lập vi bằng, tiêu tốn thời gian và nguồn lực, và nhiều trường hợp phát hiện nhưng e ngại quy trình chứng minh vi phạm”.

Có thể thấy, doanh nghiệp, đặc biệt là startup nội dung số có nguồn lực hạn chế, nếu không chú trọng tính cạnh tranh, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hiệu ngay từ đầu thì khi bước ra thị trường toàn cầu, chỉ cần một vụ việc xâm phạm quyền, cạnh tranh không lành mạnh, liên quan đến pháp lý kiện tụng, có thể sẽ mất khả năng ứng phó, duy trì hoạt động...

Thời gian qua ở Việt Nam có không ít doanh nghiệp Việt Nam phải chật vật để đòi lại thương hiệu, nhãn hiệu, bảo vệ quyền tác giả bị xâm phạm, tranh chấp ở thị trường nước ngoài. Gần đây nhất là vụ tranh chấp xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giữa Sconnect Việt Nam sở hữu bộ phim hoạt hình và bộ nhân vật chú sói Wolfoo với Peppa Pig của EO (Entertainment One) thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp nội dung số.

Đại diện Sconnect, nhà sản xuất video hoạt hình xuất bản trên các nền tảng mạng xã hội, cho biết sau thời gian đầu không quan tâm nhiều đến vấn đề bản quyền, doanh nghiệp đi đến những thời điểm phải dành 2/3 doanh thu cho việc tổ chức lại các tài sản sở hữu trí tuệ và theo đuổi các vụ kiện bản quyền tại các quốc gia khác nhau.

“Ở giai đoạn đầu, chúng tôi chưa quy hoạch được đâu là những tài sản sở hữu trí tuệ mà mình cần phải bảo vệ, có quyền gì và những quy định, quy trình xử lý vi phạm để bảo vệ tài sản đó. Trong khi đó, mỗi quốc gia, mỗi nền tảng lại có những cách thức xử lý khác nhau”, ông Tạ Mạnh Hoàng, Giám đốc điều hành Sconnect, cho biết.

“Đây là tình trạng chung với nhiều doanh nghiệp, tập trung nhiều hơn đến việc kiếm tiền nhanh, chưa quan tâm đến các tài sản đó. Tuy nhiên bản quyền và sở hữu trí tuệ sẽ là vấn đề thiết yếu nếu muốn phát triển bền vững trong lĩnh vực nội dung số”, ông Mạnh Hoàng lưu ý.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ - Link gốc)

<>
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn