2/24/2023 8:44:00 AM
.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phòng chống tội phạm: Hiệu quả và thách thức


Trong thời đại công nghệ 4.0, hàng loạt công cụ máy móc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hứa hẹn sẽ giúp bảo vệ an ninh trật tự thế giới hiệu quả hơn; song đi kèm với đó là những thách thức lớn khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Tại Hoa Kỳ, Hội đồng giám sát thành phố San Francisco gần đây đã bỏ phiếu cho phép cảnh sát triển khai robot được trang bị chất nổ trước những trường hợp nguy hiểm đến tính mạng của con người.

Quyết định này đã làm dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt về việc quân sự hóa cảnh sát, đồng thời đặt ra những câu hỏi cho tất cả chúng ta về vai trò của trí tuệ nhân tạo trong cuộc chiến chống tội phạm.

Tại Vương quốc Anh, các sĩ quan hoạt động theo nguyên tắc “Công chúng càng hợp tác với cảnh sát thì càng giảm bớt việc sử dụng vũ lực không cần thiết”. Tuy nhiên, theo Khảo sát tội phạm năm 2020 ở Anh và xứ Wales, niềm tin của công chúng vào cảnh sát đã giảm từ 62% vào năm 2017 xuống còn 55%.

Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi xét đến các trường hợp đạo đức xuống cấp, tha hóa của các sĩ quan cảnh sát, điển hình như David Carrick, một trong những tội phạm tình dục nguy hiểm nhất trong lịch sử hiện đại, đã náu mình trong bộ đồng phục cảnh sát và che giấu tội ác đáng sợ.

Liên quan đến vấn đề này, Ủy viên mới của Sở cảnh sát Luân Đôn, Mark Rowley phát biểu: “Chúng ta phải chuẩn bị cho những tình huống tồi tệ hơn” và cảnh báo rằng sẽ có một số sĩ quan phải hầu tòa với các cáo buộc hình sự trong những tháng tới. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu tình trạng “những con sâu làm rầu nồi canh” ngày càng gia tăng, thậm chí vượt qua rào cản văn hóa và các chính sách phân biệt đối xử? Có quá nhiều quyết định cần đưa ra mỗi ngày mà người cảnh sát chỉ có thể hành động dựa trên phán đoán từ trực quan của bản thân.

Ngược lại, trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng hấp thụ lượng dữ liệu khổng lồ và sử dụng dữ liệu đó để liên tục điều chỉnh và cải thiện hiệu suất, đồng thời đảm nhận ngày càng nhiều nhiệm vụ mà con người thực hiện tại nơi làm việc. Minh chứng mới đây phải kể đến ChatGPT, một mô hình xử lý ngôn ngữ tiên tiến có khả năng viết bài nghiên cứu, bản báo cáo và thậm chí cả bài thơ chỉ trong vòng vài giây.

Hiện tại, công nghệ AI đã có thể tìm kiếm qua hàng triệu bức ảnh và phân tích số lượng lớn các bài đăng trên mạng xã hội để xác định và định vị các nghi phạm tiềm năng. Dựa trên các loại dữ liệu khác, công nghệ này có thể giúp dự đoán thời gian và địa điểm mà các vụ phạm tội có nhiều khả năng xảy ra nhất. Trong các trường hợp cụ thể, AI có thể phân tích các lỗi vi phạm và cho phép người sĩ quan cảnh sát tập trung vào công tác điều tra hợp lý nhất bằng các bằng chứng sẵn có.

Ngoài việc đưa ra quyết định nhanh hơn, công bằng hơn, loại mô hình áp dụng AI này vẫn có khả năng gặp sai sót trong cơ sở dữ liệu nguồn. Năm 2018, sở cảnh sát Luân Đôn sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để xác định 104 người được cho là đã phạm tội. Tuy nhiên, chỉ có 2 trong số 104 trường hợp là đúng. Điều này dẫn đến sự hoài nghi về độ chính xác của hệ thống AI.

Công nghệ và trí tuệ nhân tạo rất quan trọng đối với việc thực thi pháp luật hiện đại, nhưng không thể dựa vào đó mà đẩy yếu tố con người sang một bên. Bất kỳ quốc gia nào cũng phải luôn đảm bảo yếu tố con người là lực lượng nòng cốt duy trì ổn định trật tự, an ninh trong nước và trên thế giới.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ - Link gốc)

Tin trong ngày
Các tin khác
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn