3/20/2023 12:08:00 PM
.

Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ: Tác phẩm được hỗ trợ bởi AI có thể đăng ký bản quyền


Ngày 15/3, Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ đã ban hành hướng dẫn những điều kiện để một tác phẩm có sự hỗ trợ từ AI được đăng ký bản quyền.

Tháng trước, Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ đã đưa ra quyết định không cấp phép bản quyền cho các hình ảnh tạo bởi hệ thống tổng quát Midjourney. Dựa trên quyết định này, văn phòng cho biết việc bảo vệ bản quyền phụ thuộc vào việc hỗ trợ của AI có phải là “kết quả của sự tái tạo cơ học” hay không. Ví dụ, một tác phẩm từ AI nói lên được “quan niệm tinh thần” của riêng tác giả sẽ được cấp bản quyền.

Tuy nhiên, văn phòng Bản quyền không có những hướng dẫn cụ thể để đăng ký bản quyền cho tác phẩm tạo từ AI.

“Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào hoàn cảnh, đặc biệt là cách công cụ AI hoạt động cũng như các sử dụng để tạo ra tác phẩm”, theo văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ. 

Trong thời gian gần đây, có thể thấy mức độ phổ biến của AI, như Midjourney, ChatGPT và DALL-E, đang ngày càng tăng vọt. Những hệ thống AI này có khả năng tạo văn bản và hình ảnh theo hướng dẫn của con người. Hơn nữa, các công ty này cũng liên tục cập nhật và cho ra các sản phẩm công nghệ mới, như OpenAI phát hành GPT–4, phiên bản nâng cấp của ChatGPT.  

Được biết, văn phòng Bản quyền bắt đầu cân nhắc về vấn đề này khi những hình ảnh được tạo ra từ AI của Midjourney trong truyện tranh “Zarya of the Dawn” (Kris Kashtanova) không được bảo vệ bản quyền, dù nội dung và bố cục độc đáo của cuốn sách được cấp phép. 

Ngày 15/3, văn phòng nhắc lại việc bảo vệ bản quyền phụ thuộc vào mức độ sáng tạo của con người và các hệ thống AI phổ biến có thể không tạo ra tác phẩm có bản quyền. Theo Văn phòng Bản quyền, người dùng không thể hoàn toàn kiểm soát quá trình tạo ra các nội dung trên hệ thống trí tuệ nhân tạo, và họ cần xem các thông tin và hướng dẫn cung cấp như là một chỉ dẫn, tương tự như cách một họa sĩ được thuê để tạo ra một bức tranh với các hướng dẫn chung. Như vậy, các công nghệ AI chỉ có thể giúp đỡ người dùng tạo ra các nội dung, mà không thể thay thế hoàn toàn công việc sáng tạo của con người. 

Văn phòng Bản quyền cho rằng những tác phẩm tạo bởi AI vẫn có thể đăng ký bản quyền nếu có sự sửa đổi và sáng tạo. Với chính sách của văn phòng, những công cụ công nghệ vẫn được coi là một phần của quá trình sáng tạo. Văn phòng cho biết: “Trong mỗi trường hợp, điều quan trọng là mức độ can thiệp của con người có quyền kiểm soát sáng tạo đối với tác phẩm và thực sự tạo nên các yếu tố truyền thống của quyền tác giả”.

Các yếu tố truyền thống của tác giả là yếu tố quan trọng để quyết định về quyền sở hữu trí tuệ của một tác phẩm. Các yếu tố này bao gồm sự sáng tạo, sự đóng góp sáng tạo và quá trình thực hiện của tác giả trong việc tạo ra tác phẩm.

Những yếu tố này giúp xác định vai trò của tác giả trong việc tạo ra tác phẩm và quyền lợi của tác giả đối với tác phẩm đó. Những người đăng ký bản quyền cần phải công bố khi tác phẩm của họ sử dụng tài liệu được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo. Nếu có bất kỳ yếu tố nào của tác phẩm được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo thì người đăng ký bản quyền phải thông báo về việc đó.

Để đảm bảo tính minh bạch của quá trình đăng ký bản quyền, những người đã đăng ký trước đó chưa tiết lộ vai trò của trí tuệ nhân tạo trong tác phẩm của họ cũng phải sửa đổi và cập nhật lại thông tin để phản ánh đầy đủ vai trò của trí tuệ nhân tạo trong tác phẩm.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ - Link gốc)

.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn