1/19/2021 2:48:00 PM
.

Giá dầu năm 2021 được dự báo tăng nhẹ do kinh tế thế giới khởi sắc


Triển vọng kinh tế toàn cầu hiện đã chuyển biến tích cực hơn, đặc biệt là khi các ngân hàng trung ương năm qua tung ra rất nhiều biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ lớn để giảm bớt tác động của đại dịch. Điều này khiến giá dầu năm 2021 được dự báo sẽ tăng nhẹ.

Năm 2021, giá dầu thô Dubai –tham chiếu cho thị trường xăng dầu Đông Nam Á – được dự báo sẽ đạt trung bình 44 – 45 USD/thùng, theo nhận định của các chuyên gia của Bangkokpost ngày 08/01/2021.

Nhiều quốc gia đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt, bao gồm phong tỏa toàn quốc, để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Việc triển khai dần các loại vắc xin ngừa virus này đã mang lại hy vọng rằng giai đoạn tồi tệ nhất có thể sẽ kết thúc trong vài tháng tới.

Bước sang năm 2021, giá dầu đã liên tiếp tăng. Chứng khoán toàn cầu cũng đồng loạt tăng điểm. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản và chứng khoán Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục mới do các nhà đầu tư kỳ vọng vào các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn nữa để chống lại Covid-19.

Tuần trước, Saudi Arabia đã tự nguyện cam kết cắt giảm sản lượng dầu thô thêm 1 triệu thùng trong tháng 2 và tháng 3/2021, tương đương 1% tổng cung dầu thế giới. Điều này đã thuyết phục được nhóm OPEC+ thống nhất tiếp tục thực hiện mức hạn chế sản xuất như hiện nay trong tháng 2 và 3/2021 tới, trong đó chỉ cho phép Nga và Kazakhstan nâng sản lượng lên 75.000 thùng/ngày.

Trong báo cáo hồi tháng 12/2020 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sau khi nhu cầu dầu mỏ giảm mạnh khoảng 8,8 triệu thùng/ngày trong năm 2020, sang năm 2021 sẽ tăng 5,7 triệu thùng/ngày lên 96,9 triệu thùng/ngày. Điều này phù hợp với mức tăng trưởng kinh tế thế giới là 5,2% - hồi phục mạnh mẽ từ mức -4,4% trong năm 2020 (theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF) – là mức tồi tệ chưa từng có, thậm chí tệ hơn cả mức -4,3% của thời kỳ Đại suy thoái (1930-1932).

Thị trường dầu mỏ được hỗ trợ khi khi các hoạt động kinh tế và du lịch trở lại bình thường, khiến nhu cầu dầu có thể hồi phục, nếu các loại vắc xin đã được phê duyệt phát huy hiệu quả và có đủ để tiêm cho toàn thế giới. Tuy vậy, năm 2021, giá dầu thô sẽ vẫn chịu áp lực từ nguồn cung tăng dần, bởi OPEC+ vẫn có kế hoạch giảm dần mức cắt giảm sản lượng để phù hợp với nhu cầu dầu, đồng nghĩa với sản lượng sẽ tăng dần trong suốt cả năm. Họ phản ứng nhanh chóng với sự phá hủy nhu cầu sớm trong quá trình đại dịch, lấy đi 9,7 triệu thùng /ngày trên thị trường từ tháng 5 - tháng 7/2020. Điều đó đã giúp đảo ngược sự lao dốc về giá mà có thời điểm đã đưa hợp đồng tương lai đối với dầu thô West Texas Intermediate vào vùng âm .

OPEC+ sau đó đã điều chỉnh giảm sản lượng xuống 7,7 triệu thùng/ngày vào tháng 8/2020 và hiện là 7,2 triệu thùng/ngày, tin rằng mức giá hiện tại là khả thi đối với hầu hết các nhà sản xuất.

Tuy nhiên, giá dầu vẫn có nguy cơ quay đầu giảm trong những tháng tới nếu nhu cầu nhiên liệu bị suy giảm mạnh do đại dịch. Nhiều nước trên thế giới đang hạn chế nghiêm ngặt việc đi lại, gây áp lực lên tiêu thụ nhiên liệu và làm suy yếu triển vọng hồi phục nhu cầu năng lượng ở nửa đầu năm nay.

Nhanhieuviet (Theo VITIC/Reuters – Link gốc)

Tin trong ngày
Các tin khác
.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn