4/9/2020 12:55:00 PM
.

Mỹ trì hoãn lời kêu gọi tham gia cắt giảm sản lượng dầu của OPEC


Saudi Arabia, Nga và các nhà sản xuất dầu đồng minh sẽ đồng ý cắt giảm sâu sản lượng tại cuộc họp trong tuần này chỉ nếu Mỹ và một số nhà sản xuất khác tham gia các biện pháp hạn chế để hỗ trợ giá.

Tuy nhiên, Bộ Năng lượng Mỹ cho biết sản lượng của Mỹ đang giảm không cần chính phủ hành động, phù hợp với sự nhấn mạnh của Nhà Trắng rằng họ sẽ không can thiệp vào các thị trường tư nhân. Tuy nhiên, sự sụt giảm đó sẽ diễn ra từ từ trong 2 năm tới.

Nhu cầu dầu toàn cầu đã giảm khoảng 30% hay khoảng 30 triệu thùng/ngày do các biện pháp giảm sự lây lan của virus khiến nhu cầu nhiên liệu bay, xăng và dầu diesel giảm mạnh.

Trong khi Saudi Arabia, Nga và các thành viên khác của tổ chức này gọi là OPEC+ bày tỏ sẵn sàng trở lại bàn thương lượng, họ đưa ra các phản ứng có điều kiện dựa trên hành động của Mỹ và các nhà sản xuất khác không phải thành viên OPEC. Không có thỏa thuận nào được chính thức hóa.

Bijan Zanganeh, Bộ trưởng Dầu mỏ của Iran cho biết “trước khi có bất cứ cuộc họp nào giữa OPEC và ngoài OPEC cần một sự nhất trí về số lượng sản xuất cho bất kỳ quốc gia nào sẽ giảm sản lượng”, ngoài ra Mỹ và Canada cần đóng vai trò trong việc cắt giảm sản lượng nhất định.

OPEC+ sẽ tổ chức hội nghị qua video trong ngày 9/4, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước cho biết Riyadh và Moscow đã đồng ý cắt giảm sản lượng chưa từng có 10 triệu tới 15 triệu thùng/ngày hay khoảng 10 – 15% nguồn cung toàn cầu. Ông đã không cam kết bất kỳ hành động nào của các công ty Mỹ.

Bộ Năng lượng cho biết liên quan tới các báo cáo của truyền thông rằng OPEC+ sẽ yêu cầu Mỹ thực hiện cắt giảm để đi đến một thỏa thuận. Báo cáo của EIA đã chứng minh rằng các công ty dự kiến giảm 2 triệu thùng dầu mỗi ngày mà không có bất cứ sự can thiệp nào từ chính phủ liên bang.

Sau cuộc họp của OPEC+, Saudi Arabia sẽ tổ chức hội nghị qua video trong ngày hôm sau với các Bộ trưởng Năng lượng từ 20 nền kinh tế lớn (G20) để giảm bớt ảnh hưởng của đại dịch tới các thị trường năng lượng.

Riyadh và Moscow đang cố gắng vượt qua những bất đồng bắt nguồn từ cuộc đàm phán tháng 3/2020, khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng đã sụp đổ. Kể từ đó, Saudi Arabia đã đổ thêm dầu vào thị trường và họ khẳng định không còn mang những gì coi là gánh nặng không công bằng của việc cắt giảm sản lượng. Dầu thô giao dịch khoảng 32 USD/thùng trong ngày 7/4, bằng khoảng một nửa giá hồi cuối năm 2019.

Thỏa thuận giảm sản lượng kéo dài hơn 3 năm của OPEC+ đã mở cửa cho Mỹ tăng thị phần khi họ tăng sản lượng dầu đá phiến khiến sản lượng quốc gia này đạt 13 triệu thùng/ngày, cao nhất trên thế giới.

Mỹ thành công trong việc tăng sản lượng dầu thô đã làm một số thành viên của hiệp ước giảm sản lượng thất vọng, đặc biệt là Nga, có các công ty dầu phải từ bỏ thị trường cho Mỹ.

Các dự báo của Bộ Năng lượng Mỹ hiện nay cho thấy sản lượng dầu của nước này đạt trung bình 11 triệu thùng/ngày trong năm 2021, giảm khoảng 2 triệu thùng/ngày so với mức đỉnh cuối năm 2019.

Luật chống độc quyền của Mỹ cấm các nhà sản xuất dầu của Mỹ thực hiện các bước để đẩy giá dầu lên cao. Việc hạn chế sản lượng sẽ là hợp pháp nếu các cơ quan quản lý nhà nước hay chính quyền liên bang thiết lập mức sản lượng thấp hơn.

Ông Trump đã đe dọa áp đặt thuế quan với dầu thô nhập khẩu từ Nga và Saudi Arabia, trong khi 2 thượng nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Cộng hòa đưa ra dự luật loại bỏ lực lượng Mỹ khỏi đồng minh Saudi Arabia.

Saudi Arabia với công suất dự phòng lớn nhất thế giới và là một trong số có chi phí sản xuất thấp nhất, cho biết họ đã nâng sản lượng dầu thô lên 12,3 triệu thùng vào ngày 1/4/2020 và dự định xuất khẩu hơn 10 triệu thùng/ngày.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết bất kỳ việc cắt giảm sản lượng nào nên được thực hiện từ mức trong quý 1, trước khi Saudi Arabia và các nước khác tăng sản lượng. Nguồn tin OPEC cho biết Riyadh muốn cắt giảm được tính toán từ mức cao hiện tại.

Nguồn tin của OPEC cho biết không có sự đồng thuận giữa Riyadh và Moscow về mức cơ sở giảm sản lượng. Hãng thông tấn TASS của Nga cho biết việc cắt giảm có thể kéo dài 3 tháng bắt đầu từ tháng 5.

Darren Woods giám đốc tập đoàn dầu hàng đầu của Mỹ Exxon Mobil cho biết ông ủng hộ thương mại tự do và thuế quan thấp. Tuy nhiên, công ty của ông đã cắt giảm đầu tư 1/3 xuống 23 tỷ USD, chủ yếu trong các mỏ dầu đá phiến ở Mỹ.

Occidental Petroleum, nhà sản xuất lớn khác của Mỹ đã lập luận trong một lá thư gửi cơ quan quản lỷ Texas rằng việc cắt giảm bắt buộc sẽ là thiển cận. Texas là bang sản xuất lớn nhất của Mỹ và các cơ quan quản lý sẽ họp vào tuần tới để xem xét việc cắt giảm sản lượng.

Các nhà sản xuất dầu khác ngoài tổ chức OPEC+ đã sẵn sàng hỗ trợ, mặc dù các nhà sản xuất tư nhân tại Canada, nơi có trữ lượng dầu lớn thứ 3 thế giới, đã giảm sản lượng bởi giá giảm mạnh.

Nhanhieuviet (Theo VITIC/Reuters – Link gốc)

.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn