11/30/2020 3:54:00 PM
.

Thị trường hàng hóa quốc tế tuần tới 27/11: Giá hầu hết tăng, ngoại trừ vàng


Tuần qua, giá dầu, kim loại công nghiệp và nông sản đồng loạt khởi sắc

Năng lượng: Giá dầu tăng tuần thứ 4 liên tiếp

Giá dầu thế giới phiên giao dịch cuối tuần biến động trái chiều, theo đó Brent kỳ hạn tháng 1/2021 tăng 38 US cent lên 48,18 USD/thùng, Brent kỳ hạn tháng 2/2021 tăng 46 US cent lên 48,25 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 18 US cent xuống 45,53 USD/thùng.

Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng 7,2%, trong khi WTI tăng 8%, là tuần tăng thứ 4 liên tiếp.

Thị trường đang chờ đợi kết quả cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga (gọi là OPEC+), theo đó dự báo nhóm này sẽ kéo dài thời hạn cắt giảm sản lượng như hiện nay thêm mấy tháng nữa (OPEC+ có kế hoạch sẽ nâng sản lượng thêm 2 triệu thùng/ngày từ tháng 1/2021, tương đương khoảng 2% tiêu thụ toàn cầu, sau khi cắt giảm nguồn cung ở mức kỷ lục trong năm nay).

Thời gian gần đây, giá dầu thế giới liên tiếp tăng do lạc quan về vắc-xin ngừa Covid-19 - điều có thể giúp cho nhu cầu dầu thế giới hồi phục. Thêm vào đó, số liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy tồn trữ dầu thô của nước này trong tuần qua giảm 754.000 thùng, trái với dự báo của các nhà phân tích.

Kim loại quý: Giá vàng giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 9/2020

Phiên giao dịch cuối tuần qua, giá vàng giảm 2% xuống mức thấp nhất gần 5 tháng và dưới ngưỡng 1.800 USD/ounce, do gia tăng lạc quan rằng vắc-xin Covid-19 thúc đẩy sự phục hồi nền kinh tế và sự chuyển giao quyền lực ở Nhà Trắng sẽ diễn ra suôn sẻ, đẩy thị trường chứng khoán Mỹ đạt mức cao kỷ lục.

Phiên này, giá vàng giao ngay giảm 1,3% xuống 1.787,46 USD/ounce, trong phiên có lúc chạm 1.773,1 USD/ounce – thấp nhất kể từ ngày 6/7/2020; tính chung cả tuần, giá vàng giảm khoảng 4,5% - tuần giảm mạnh nhất kể từ ngày 25/9/2020. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn New York giảm 1,3% xuống 1.781,9 USD/ounce.

Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay giá vàng vẫn tăng hơn 17%.

Nhà phân tích Craig Erlam của công ty tư vấn tài chính OANDA cho biết, ngay sau khi giá vàng rơi xuống dưới mức 1.800 USD/ounce quan trọng, làn sóng bán tháo trên thị trường đã được kích hoạt. Rất có thể giá vàng sẽ còn rơi xuống ngưỡng 1.750 USD/ounce khi có những yếu tố khá bất lợi, như các thông tin liên quan đến vắc-xin ngừa Covid-19.

Tạo thêm áp lực đi xuống cho giá vàng phiên này là thị trường chứng khoán Mỹ hướng tới những mức cao kỷ lục nhờ tâm lý lạc quan về vắc-xin. Việc giới đầu tư đặt cược vào một môi trường thương mại toàn cầu ôn hòa hơn dưới thời Chính quyền của ông Joe Biden cũng tạo đà đi lên mạnh mẽ cho chứng khoán trong phiên này.

Nhà phân tích Bernard Dahdah của ngân hàng đầu tư Natixis cho biết, các thị trường đang tin tưởng rằng Chính quyền của ông Biden sẽ có cách tiếp cận bình tĩnh hơn trong quan hệ thương mại với các nước khác như Trung Quốc. Và điều đó đang được phản ánh trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, chuyên gia Dahdah lưu ý rằng với lãi suất vẫn ở mức cực thấp và còn nhiều triển vọng cho một gói kích thích kinh tế lớn tại Mỹ, giá vàng sẽ vẫn vững trong dài hạn.

Kim loại công nghiệp: Giá đồng cao nhất 7,5 năm

Giá đồng trong phiên 27/11 tăng lên mức cao nhất 7,5 năm do hoạt động mua mạnh khi thông tin về vắc xin Covid-19 làm gia tăng hy vọng về sự hồi phục kinh tế toàn cầu.

Trên sàn London, đồng giao sau 3 tháng tăng 1,5% lên 7.510,5 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 5/2013. Tính chung cả tuần, giá đồng tăng 3,2% và tính đến nay giá đồng tăng 72% kể từ tháng 3/2020 do nhu mạnh cầu từ nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – tăng mạnh và tồn trữ giảm.

Các kim loại công nghiệp khác cũng đồng loạt tăng giá trong phiên này. Theo đó, giá chì và nickel trên sàn London đạt mức cao nhất 1 năm. Cụ thể, giá chì tăng 3,8% lên 2.111,5 USD/tấn – mức tăng mạnh nhất trong 8 tháng và giá nickel tăng 1,2% lên 16.460 USD/tấn. Giá kẽm cũng tăng 1,4% lên 2.799 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 2.809 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 5/2019.

Tổng lượng đồng lưu kho tại các sàn LME, ShFE, COMEX và kho ngoại quan Trung Quốc đã giảm xuống 692.279 tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 12/10, trong đó lượng lưu tại sàn ShFE giảm xuống mức thấp nhất 6 năm, là 92.912 tấn.

Tổ chức Nghiên cứu Đồng Quốc tế, ICSG, hồi tháng 10/2020 dự báo, khai thác đồng trên toàn cầu năm 202 sẽ tăng 2%. Tuy nhiên, dự báo này giờ đây đã thay đổi, theo đó sản lượng đồng khai thác trên toàn cầu dự báo sẽ giảm 1,5% trong năm nay, là năm thứ 2 liên tiếp giảm (năm 2019 đã giảm 0,2%).

Nhập khẩu quặng đồng tinh luyện của Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 202 tăng 2,3%, thấp nhất kể từ 2017, do biên lợi nhuận của các nhà máy luyện đồng giảm mạnh. Song chính vì tinh luyện đồng giảm nên nguồn cung đồng tinh luyện không đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng tăng của quốc gia này.

Nhu cầu đồng của Trung Quốc đang bùng nổ khi quốc gia này đang trong giai đoạn phục hồi nhanh chóng sau đợt đóng cửa đầu năm và do Chính phủ đưa ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế, trong đó có tăng cường đầu tư vào hạ tầng cơ sở.

Các nhà máy luyện kim của Trung Quốc đang phải chật vật để đáp ứng nhu cầu đó do thiếu nguyên liệu, dẫn đến việc phải tăng nhu cầu nhập khẩu kim loại tinh luyện, làm trung hòa phần dư thừa ở các nơi khác trên thế giới.

Về triển vọng năm 2021, ICSG dự báo sản lượng sẽ tăng 4,6%, khi những khó khăn trong việc sản xuất không còn nữa.

Cơ quan quản lý khai thác đồng của Chính phủ Chile (Cochilco) dự báo giá đồng sẽ còn tiếp tục tăng trong năm 2021, chủ yếu do kinh tế của Trung Quốc tăng mạnh và khả năng vắc-xin Covid-19 sẽ có trên thị trường trong nửa đầu năm 2021.

Cochilco dự báo giá đồng trung bình năm 2020 sẽ ở mức 2,75 USD/lb, cao hơn mức 2,62 USD dự báo hồi tháng 8, và năm 2021 cũng được nâng lên từ trung bình 2,85 USD/lb lên 2,9 USD/lb.

Giá sắt thép phiên cuối tuần cũng tăng. Theo đó, giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng tuần thứ 3 liên tiếp, trong khi giá thép cuộn cán nóng tăng tuần thứ 6 liên tiếp do tồn trữ thép giảm thúc đẩy kỳ vọng nhu cầu.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Đại Liên tăng 1,5% lên 902 CNY (137,07 USD)/tấn. Tính chung cả tuần, giá quặng sắt tăng 1,6%. Trên sàn Thượng Hải, giá thép cuộn cán nóng tăng 2,1% lên 4.151 CNY/tấn và tăng tuần thứ 6 liên tiếp. Giá thép cây tăng 1,2% lên 3.924 CNY/tấn và thép không gỉ tăng 1,1% lên 13.355 CNY/tấn.

Tồn trữ 5 sản phẩm thép chủ yếu bao gồm thép cây, thép dây, thép cuộn cán nóng, thép cuộn cán nguội và thép tấm trung bình giảm 3,3% trong tuần tính đến ngày 25/11/2020 xuống 15 triệu tấn, công ty tư vấn Mysteel cho biết.

Nông sản: Xu hướng tăng chiếm đa số

Giá đậu tương tại Chicago tăng, do thời tiết khô hạn tại Nam Mỹ đe dọa năng suất cây trồng tại Brazil và Argentin, trong khi nhu cầu xuất khẩu ngô và lúa mì tăng mạnh

Trên sàn Chicagao phiên 27/11, giá đậu tương kỳ hạn tháng 1/2021 tăng 7-3/4 US cent lên 11,91-3/4 USD/bushel; trước đó ở phiên 23/11/2020, giá đậu tương đạt 12 USD/bushel – cao nhất 4 năm. Tính chung cả tuần, giá đậu tương tăng 10-3/4 US cent và có tuần tăng thứ 4 liên tiếp.

Giá ngô kỳ hạn tháng 3/2021 tăng 6-1/4 US cent lên 4,33-3/4 USD/bushe; giá lúa mì giao cùng kỳ hạn tăng 9-1/2 US cent lên 6,06 USD/bushel. Tính chung cả tuần, giá ngô tăng 5-3/4 US cent và giá lúa mì tăng 6 US cent, cả hai đều tăng tuần thứ 2 liên tiếp.

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn ICE tăng 0,17 US cent tương đương 1,15% lên 14,94 US cent/lb; đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 1,2 USD tương đương 0,3% lên 405,3 USD/tấn.

Giá cà phê arabica cũng tăng mạnh bởi lo ngại thời tiết khô hạn tại nước sản xuất hàng đầu – Brazil. Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn New York tăng 5,8 US cent tương đương 4,95% lên 1,2295 USD/lb; robusta kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn London giảm 1 USD tương đương 0,1% xuống 1.410 USD/tấn.

Vụ thu hoạch tại nước sản xuất cà phê robusta hàng đầu – Việt Nam – tiếp tục chậm lại và dự kiến sẽ có mưa lớn vào cuối tuần có thể làm chậm tiến độ vụ thu hoạch.

Giá cao su trên sàn Osaka vừa trải qua tuần tăng đầu tiên trong 2 tuần, theo xu hướng giá cao su tại Thượng Hải tăng sau số liệu chính thức cho thấy lợi nhuận của ngành công nghiệp tại Trung Quốc tăng, khi nước này tiếp tục hồi phục sau đại dịch.

Phiên cuối tuần 27/11, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Osaka tăng 9,7 JPY tương đương 4,1% lên 245,7 JPY/kg. Tính chung cả tuần, giá cao su tăng 8,3%.

Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 4% lên 15.230 CNY/tấn.

Lợi nhuận của các công ty công nghiệp tại Trung Quốc – nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới – trong tháng 10/2020 tăng 28,2% so với tháng 10/2019. Điều này cho thấy, sự phục hồi vững chắc sau khi lĩnh vực này bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng sức khỏe.

Nhanhieuviet (Theo VITIC/Reuters, Bloomberg – Link gc)

Tin trong ngày
Các tin khác
.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn