10/3/2022 3:11:00 PM
.

Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa, gạo ở ĐBSCL đều tăng


Giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 5.750 đồng/kg, giá bình quân là 5.582đồng/kg, tăng 86 đồng/kg; trong khi đó giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên từ 420-425 USD/tấn.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời thu hoạch lúa cho bà con nông dân tham gia cánh đồng liên kết phục vụ xuất khẩu ở huyện Thoái Sơn, tỉnh An Giang.

Trong tuần qua, số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, giá lúa và gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung đều tăng.

Giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 5.750 đồng/kg, giá bình quân là 5.582đồng/kg, tăng 86 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cao nhất 7.350 đồng/kg, trung bình là 6.571 đồng/kg, tăng 113 đồng/kg.

Giá các mặt hàng gạo cũng có sự tăng nhẹ. Theo đó, giá gạo 5% tấm có giá cao nhất 9.700 đồng/kg, giá bình quân 9.479 đồng/kg, tăng 179 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 9.400 đồng/kg, giá bình quân 9.275 đồng/kg, tăng 167 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 9.150 đồng/kg, giá bình quân 9.058 đồng/kg, tăng 150 đồng/kg. Gạo lứt loại 1 có giá trung bình là 8.863 đồng/kg, tăng 248 đồng/kg.

Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy giá lúa tại Sóc Trăng vẫn duy trì ổn định như Đài Thơm 8 là 6.600 đồng/kg; OM 4900 là 6.700 đồng/kg. Riêng ST 24 tăng 100 đồng/kg, lên 8.100 đồng/kg.

Tại Cần Thơ, lúa IR 50404 đi ngang ở mức 6.000 đồng/kg; Jasmine là 7.100 đồng/kg; OM 4218 là 6.300 đồng/kg.

Tại Bến Tre, giá lúa cũng không có sự biến động như: ST là 6.900 đồng/kg; IR 50404 là 5.650 đồng/kg.

Giá lúa tại Hậu Giang lại có sự tăng giảm tùy loại, điển hình lúa OM 18 giảm 200 đồng/kg còn 6.400 đồng/kg, RVT thì lại tăng 300 đồng/kg lên 8.500 đồng/kg.

Riêng lúa ở Tiền Giang có sự giảm giá ở một vài loại như: IR 50404 giảm 200 đồng/kg còn 6.700 đồng/kg; Jasmine giảm 100 đồng/kg còn 7.500 đồng/kg; riêng OC 10 vẫn ổn định ở mức 6.500 đồng/kg.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá lúa tươi tại An Giang hầu hết có sự ổn định so với tuần trước, như lúa Nàng hoa 9 đang được thương lái thu mua ở mức 5.600-5.700 đồng/kg, Đài Thơm 8 từ 5.600-5.800 đồng/kg, lúa OM 5451 từ 5.400-5.600 đồng/kg, OM 18 từ 5.600-5.700 đồng/kg; IR 50404 ở mức từ 5.300-5.500 đồng/kg.

Hiện các huyện, thị vùng Đồng Tháp Mười và vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang bắt đầu thu hoạch vụ lúa Hè Thu 2022. Trước tình hình thời tiết, thủy văn diễn biến phức tạp, mưa lũ kéo dài ảnh hưởng trên diện rộng, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các địa phương và nông dân, nhất là tại những địa bàn khó khăn khẩn trương thu hoạch trà lúa Hè Thu 2022 dứt điểm, an toàn trước mùa mưa lũ, giảm thất thoát.

Tại Nam Bộ đang vào cao điểm mùa mưa lũ, thời tiết rất phức tạp nên việc thu hoạch, phơi sấy rất khó khăn, tiến độ thu hoạch rất chậm. Với mục tiêu thu hoạch ăn chắc vụ lúa Hè Thu, không để thiên tai gây hại, ngành nông nghiệp các địa phương tích cực tháo gỡ khó khăn cho nông dân, chỉ đạo thu hoạch nhanh gọn trà lúa vừa chín tới, phát huy vai trò cơ giới hóa nông nghiệp trong thu hoạch và xử lý sau thu hoạch; thu hoạch cuốn chiếu từng vùng, từng cánh đồng; tranh thủ thời tiết nắng ráo đến đâu tổ chức thu hoạch khẩn trương đến đó.

Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên từ 420-425 USD/tấn so với mức từ 400-410 SSD/tấn trong tuần trước.

Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho hay giá gạo cao hơn nhưng không có nhiều giao dịch mới được ký kết trong thời gian gần đây do người mua vẫn trầm lắng, trong khi người bán vẫn chờ đợi giá tăng thêm.

Số liệu sơ bộ cho thấy 37.400 tấn gạo sẽ được thông quan qua cảng Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 1-9/10; trong đó phần lớn xuất sang Philippines và Bangladesh.

Cùng chung xu hướng với thị trường trong nước, trên thị trường gạo châu Á, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã tăng trong tuần qua nhờ nhu cầu từ các nước Trung Đông và Nam Á. Trong khi đó giá mặt hàng thiết yếu này tại nước xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ giảm do đồng rupee yếu đi.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên từ 422-435 USD/tấn so với mức từ 420-435 USD/tấn trong tuần trước.

Một thương nhân tại Bangkok cho hay Bangladesh đang có nhu cầu mua từ 200.000-300.000 tấn. Ngoài ra còn có đơn đặt hàng từ Iraq và Iran, nhưng chỉ một số công ty Thái Lan có đủ yêu cầu về thực hành sản xuất hàng hóa (GMP) để phục vụ thị trường đó.

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức từ 376 -384 USD/tấn, giảm so với mức từ 385-392 USD/tấn trong tuần trước, giữa bối cảnh đồng rupee suy yếu và đồn đoán nguồn cung tăng lên sau khi chính phủ quyết định kéo dài chương trình lương thực miễn phí cho người nghèo.

Đồng rupee đã chạm mức thấp kỷ lục hôm 28/9, làm tăng lợi nhuận của các thương nhân từ việc bán hàng ở nước ngoài và cho phép họ giảm giá xuất khẩu.

Một nhà xuất khẩu tại Kakinada, bang Andhra Pradesh, cho biết một số thương nhân đã hy vọng chính phủ sẽ không tiếp tục chương trình thực phẩm miễn phí sau tháng 9/2022. Nhưng với sự phân bổ của chính phủ trong ba tháng nữa, thị trường sẽ bị thừa cung.

Trong khi đó, những hạn chế gần đây của Ấn Độ đối với xuất khẩu đã thúc đẩy dự đoán về nhu cầu nhiều hơn từ các “vựa lúa” khác như Việt Nam.

Số liệu về lúa mỳ của USDA có xu hướng tăng. Sản lượng lúa mỳ của Mỹ năm 2022 đã giảm đáng ngạc nhiên 133 triệu bushel xuống 1.650 triệu bushel. Dự trữ lúa mỳ tính đến ngày 1/9 của Mỹ đạt tổng cộng 1,776 triệu bushel, phù hợp với ước tính thị trường và không thay đổi so với năm ngoái.

Bích Hồng-Minh Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Nhanhieuviet (Theo Bích Hồng-Minh Hằng (TTXVN/Vietnam+) Link gốc)

<>
.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn