6/27/2017 7:57:00 PM
.

Tổng quan thủy sản thế giới đến năm 2016


Đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất của thế giới là làm thế nào để cung cấp đủ lương thực cho hơn 9 tỷ người vào năm 2050 trong bối cảnh khí hậu biến đổi, những điểm không chắc chắn về tài chính kinh tế, và cạnh tranh ngày càng tăng đối với tài nguyên thiên nhiên.

Trước đó cộng đồng quốc tế đã đưa ra cam kết chưa từng có trong tháng 9/2015 khi các nước thành viên Liên Hợp Quốc đã thông qua Chương trình nghị sự về phát triển bền vững năm 2030. Chương trình này cũng đặt ra mục tiêu phát triển ngành thủy sản theo hướng an ninh lương thực và dinh dưỡng, cùng với việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên để đảm bảo phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường.

Nuôi trồng thủy sản

Hàng ngàn năm sau khi việc sản xuất lương thực được chuyển từ hoạt động săn bắn hái lượm sang nông nghiệp, sản xuất các sản phẩm thủy sản cũng chuyển từ việc phần lớn phụ thuộc vào nguồn khai thác thủy sản tự nhiên sang tăng nhiều loài nuôi. Năm 2014 đã đánh dấu cột mốc quan trọng khi tỷ trọng ngành nuôi trồng thủy sản lần đầu tiên vượt lượng thủy sản khai thác tự nhiên. Đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm thủy sản để đạt được mục tiêu của Chương trình năm 2030 sẽ mang tính cấp bách, và cũng đồng thời vô cùng khó khăn.

Với sản lượng khai thác thủy sản tương đối ổn định kể từ cuối những năm 1980, ngành nuôi trồng thủy sản cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nguồn cung cho tiêu dùng. Trong đó, năm 1974, tỷ trọng ngành nuôi trồng thủy sản chỉ đạt 7%, tỷ lệ này đã tăng lên 26% năm 1994 và 39% năm 2004. Trung Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng này vì quốc gia này cung cấp hơn 60% sản lượng nuôi trồng thủy sản thế giới.

Tiêu thụ thủy sản

Mức tiêu thụ đã tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng dân số trong 5 thập kỷ qua, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 3,2% trong giai đoạn 1961 - 2013, tăng gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng dân số. Tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người toàn cầu đạt mức 9,9 kg năm 1960 lên 14,4 kg năm 1990 và 19,7 kg năm 2013, và ước tính sơ bộ năm 2014 và 2015 tiếp tục tăng trưởng vượt mức 20 kg. Ngoài việc tăng sản lượng, các yếu tố khác góp phần làm tiêu thụ tăng bao gồm giảm chi phí, cải thiện các kênh phân phối và nhu cầu tăng do dân số tăng, thu nhập tăng và quá trình đô thị hóa. Thương mại quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa sự lựa chọn cho người tiêu dùng.

Mặc dù mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người hàng năm tăng trưởng khá ổn định tại khu vực các nước đang phát triển (từ 5,2 kg năm 1961 lên 18,8 kg năm 2013) và ở các nước thu nhập thấp (LIFDCs) (tương ứng là 3,5-7,6 kg), nhưng mức tiêu thụ này vẫn là thấp hơn đáng kể so với khu vực các nước phát triển, mặc dù khoảng cách này đang dần được thu hẹp. Năm 2013, mức tiêu thụ thủy sản bình quân tại các nước công nghiệp là 26,8 kg. Một phần đáng kể và ngày càng tăng trong lượng thủy sản tiêu thụ ở các nước phát triển là từ nguồn NK, do nhu cầu ổn định và sản xuất thủy sản tại các nước này không tăng. Ở các nước đang phát triển, khu vực tiêu thụ thủy sản chủ yếu là từ nguồn sản xuất trong nước, tiêu thụ được thúc đẩy mạnh hơn bởi cung vượt cầu. Tuy nhiên, do thu nhập trong nước tăng cao, người tiêu dùng ở các nền kinh tế mới nổi có sự lựa chọn đa dạng đối với các sản phẩm thủy sản do lượng NK tăng.

Khai thác thủy sản

Tổng sản lượng khai thác thủy sản toàn cầu năm 2014 là 93,4 triệu tấn, trong đó 81,5 triệu tấn là khai thác biển và 11,9 triệu tấn là khai thác nội địa. Đối với sản lượng khai thác biển, Trung Quốc vẫn là nước sản xuất lớn, tiếp đến là Indonesia, Mỹ và Liên bang Nga. Sản lượng khai thác cá cơm ở Peru đã giảm xuống 2,3 triệu tấn năm 2014 – bằng một nửa năm trước và là mức thấp nhất kể từ khi hiện tượng El Nino xảy ra năm 1998. Tuy nhiên, năm 2015, sản lượng khai thác loài đã phục hồi hơn 3,6 triệu tấn.

Bốn nhóm có giá trị cao (cá ngừ, tôm hùm, tôm và mực-bạch tuộc) đạt kỷ lục mới trong năm 2014. Tổng sản lượng đánh bắt cá ngừ đạt gần 7,7 triệu tấn.

Vùng Tây Bắc Thái Bình Dương vẫn là khu vực có sản lượng khai thác cao nhất, tiếp đến là Tây Trung Thái Bình Dương, Đông Bắc Đại Tây Dương và Đông Ấn Độ Dương. Ngoài Đông Bắc Đại Tây Dương, các khu vực còn lại đều cho thấy sản lượng khai thác tăng so với mức trung bình trong giai đoạn 2003 -2012. Tình hình ở Địa Trung Hải và Biển Đen đáng báo động, khi mà sản lượng khai thác giảm hơn 30% kể từ năm 2007, chủ yếu do giảm sản lượng khai thác các loài cá nổi như cá cơm và cá mòi.

Sản lượng khai thác nội địa toàn cầu đạt khoảng 11,9 triệu tấn trong năm 2014, tăng 37% so với thập kỷ trước. Có 16 quốc gia có sản lượng khai thác nội địa hàng năm đạt hơn 200.000 tấn, và chiếm khoảng 80% tổng sản lượng thế giới.

Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2014 đạt 73,8 triệu tấn, với trị giá khoảng 160,2 tỷ USD. Trong đó, có 49,8 triệu tấn cá (99,2 tỷ USD), 16,1 triệu tấn nhuyễn thể (19 tỷ USD), 6,9 triệu tấn giáp xác (36,2 tỷ USD) và 7,3 triệu tấn thủy sản khác bao gồm cả động vật lưỡng cư (3,7 tỷ USD). Sản lượng khai thác của Trung Quốc năm 2014 đạt 45,5 triệu tấn, chiếm hơn 60% sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn cầu. Các nước có sản lượng lớn khác là Ấn Độ, Việt Nam, Bangladesh và Ai Cập. Ngoài ra, có 27,3 triệu tấn là thực vật thuỷ sinh (5,6 tỷ USD). Nuôi trồng thực vật thuỷ sinh, đặc biệt là rong biển, đã phát triển nhanh chóng và hiện nay đã có trên khoảng 50 quốc gia. Liên quan đến vấn đề an ninh lương thực và môi trường, khoảng một nửa sản lượng nuôi trồng thủy sản của thế giới là các loài phát triển tự nhiên, không cần cho ăn thêm. Những loài này bao gồm: cá chép bạc và cá mè hoa, nhuyễn thể hai mảnh vỏ và rong biển.

Thương mại

Trung Quốc là nước sản xuất lớn đồng thời cũng là nước XK thủy sản lớn nhất thế giới. Quốc gia này cũng là một nhà NK lớn do gia công chế biến từ các nước khác cũng như tiêu thụ các loài không được sản xuất trong nước tăng. Tuy nhiên, năm 2015, sau nhiều năm tăng ổn định, thương mại thủy sản của Trung Quốc đã giảm do sản lượng chế biến giảm. Na Uy là nước XK lớn thứ hai trên thế giới cho thấy giá trị XK đạt kỷ lục trong năm 2015. Năm 2014, Việt Nam là nước XK lớn thứ ba, vượt Thái Lan, XK cũng giảm đáng kể từ năm 2013, chủ yếu do sản xuất tôm giảm vì vấn đề dịch bệnh. Trong năm 2014 và năm 2015, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường NK thủy sản lớn nhất, tiếp đến là Mỹ và Nhật Bản.

Nhanhieuviet (Theo Vinanet.vn)

.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn