10/5/2017 10:19:00 AM
.

Nhập siêu dưới mức 3,5% có thể kiểm soát trong tầm tay


Kết thúc quý 3/2017 với những kết quả khả quan trong hoạt động xuất nhập khẩu, ngành công thương hoàn toàn tự tin khẳng định có thể đạt kim ngạch 207 tỷ USD.

Bốc xếp container tại Cảng Sài Gòn. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Đặc biệt hơn, khi nhập siêu đã liên tiếp giảm trong những tháng gần đây khiến Việt Nam có thể lạc quan với con số nhập siêu dự kiến của năm 2017 là 1 tỷ USD, bằng 0,5% kim ngạch xuất khẩu và thấp hơn 3,5% mục tiêu Quốc hội đề ra.

Nhiều gam màu sáng

Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), cho biết chín tháng, mức nhập siêu của Việt Nam đã giảm chỉ còn 442 triệu USD, bằng 2,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, cách xa mục tiêu Quốc hội giao là 3,5%. So với mức cao điểm trong những tháng đầu năm, khi nhập siêu cả nước có thời điểm lên đến 4,4% tổng kim ngạch xuất khẩu thì đây là con số khả quan, thể hiện những chính sách điều hành xuất nhập khẩu đã đi đúng hướng.

Trong tháng Chín, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt 19,33 tỷ USD, giảm nhẹ 3,9% so với tháng trước. Riêng nhóm nhiên liệu và khoáng sản tăng 18,4% so với cùng kỳ do các mặt hàng dầu thô, than đá tăng mạnh kim ngạch.

Như vậy, tính chung chín tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 154,03 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 110,86 tỷ USD, tăng 21%, khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 43,16 tỷ USD, tăng 16,8%. Đáng chú ý, hầu hết tất cả các nhóm hàng đầu có mức tăng trưởng khá, từ 18,9-35%.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), với tốc độ tăng trưởng cao trên 20%, rau quả là mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm nông, thủy sản. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,67 tỷ USD, tăng 45,6% so với cùng kỳ. Đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng này là do quá trình hội nhập khu vực ASEAN của Việt Nam và của ASEAN với các quốc gia khác.

Đến nay, hoa quả Việt Nam đã thâm nhập được vào nhiều thị trường có yêu cầu chất lượng cao như Hoa Kỳ đã cho phép nhập khẩu thanh long ruột trắng, ruột đỏ, chôm chôm, nhãn, vải; Nhật Bản nhập khẩu thanh long ruột trắng, ruột đỏ, xoài; Hàn Quốc cho phép nhập khẩu thanh long ruột trắng, ruột đỏ, xoài; còn New Zealand cũng nhập khẩu xoài, thanh long ruột trắng và đỏ; hayAustralia nhập khẩu vải, xoài từ Việt Nam.

Cùng với đó, xuất khẩu gạo trong chín tháng đạt 3,8 triệu tấn với tổng giá trị xuất khẩu đạt 2,03 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ 2016. Xuất khẩu gạo tăng so với cùng kỳ năm 2016 cả về số lượng và trị giá nhờ sự tăng trưởng xuất khẩu tại các thị trường Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Bangladesh, theo cả hợp đồng tập trung, hợp đồng thương mại và cả sự tăng trưởng ở các khu vực thị trường mới, còn nhiều tiềm năng.

Đặc biệt, tại thị trường Malaysia, Việt Nam đã ký được các hợp đồng tập trung với tổng khối lượng 150.000 tấn; tại thị trường Bangladesh ký được các hợp đồng tập trung với tổng khối lượng là 250.000 tấn; tại thị trường Philippines, bốn thương nhân Việt Nam đã trúng thầu cung cấp 175.000 tấn gạo.

Hơn nữa, giá gạo xuất khẩu tăng trong các tháng gần đây và duy trì ở mức cao đã góp phần tiêu thụ lúa gạo hàng hóa với mức giá cao, có lợi cho người nông dân sản xuất lúa.

Đáng lưu ý là cơ cấu gạo xuất khẩu tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực; xuất khẩu giảm mạnh ở phân khúc gạo cấp trung bình và cấp thấp; tăng mạnh ở dòng gạo cao cấp, các loại gạo chất lượng cao, giá trị cao (gạo nếp, japonica, gạo lứt), phù hợp với định hướng phát triển thị trường xuất khẩu.

Ông Trần Thanh Hải chia sẻ, có được kết quả này bởi Việt Nam tham gia tích cực vào các Hiệp định thương mại tự do và điều đó đã lôi cuốn các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư mạnh hơn vào lĩnh vực sản xuất, bắt đầu xuất khẩu gia tăng tương đối mạnh.

Hơn nữa, do giá trên thế giới hiện nay đang có xu hướng tăng, kể cả giá hàng nguyên liệu cũng như hàng chế biến điều này đã tạo thuận lợi cho hàng hóa và khối lượng xuất khẩu gia tăng, bên cạnh đó, giá trị kim ngạch cũng gia tăng tương ứng. Hầu hết các mặt hàng của Việt Nam như dệt may, da giầy, điện thoại, máy tính vẫn có sự tăng trưởng cũng như nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường trên thế giới rất cao.

Song hành với đó là sự nỗ lực của Chính phủ khi đã có những hành động cải cách quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc giảm bớt các rào cản và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, được cộng đồng doanh nghiệp hào hứng đón nhận.

Đòn bẩy cho tăng trưởng

Theo đánh giá của các chuyên gia thương mại, hoạt động xuất nhập khẩu trong 3 quý của năm 2017 đã đạt được những kết quả tích cực. Tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao, nhập khẩu tăng cao trong những tháng đầu năm; trong đó tập trung vào các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất và máy móc thiết bị phục vụ các dự án, điều này tạo tiền đề cho tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng tiếp theo.

Xuất khẩu điện thoại, máy tính là hai nhóm mặt hàng đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong ba quý năm 2017. Dự kiến trong những tháng cuối năm, xuất khẩu mặt hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện vẫn có khả năng tăng trưởng do Dự án Samsung Display (mới được tăng vốn đầu tư trong những tháng đầu năm 2017) đã có sản phẩm xuất khẩu ngay từ những tháng cuối năm 2017.

Giới phân tích cũng cho rằng, trong những tháng cuối cùng của năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ liên tục có những cải thiện tích cực. Cụ thể, đối với xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo được dự báo có khả năng tăng trưởng mạnh do 9 tháng vừa qua đã nhập khẩu rất nhiều các mặt hàng là nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu như xăng dầu, nguyên phụ liệu dệt may, chất dẻo, ngô, cao su, bông, sắt thép.

Đặc biệt, đối với một số mặt hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn bắt đầu vào chu kỳ tăng trưởng như dệt may, giày dép, đồ gỗ… sẽ tăng trưởng cao bởi thu đông là mùa vụ xuất khẩu chính của các mặt hàng này. Bên cạnh đó, xuất khẩu nông, thủy sản đã tăng vào giữa năm và đạt mức cao nhất vào thời điểm cuối năm theo chu kỳ thông thường sẽ góp phần giảm bớt mức nhập siêu của cả nước.

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại Công ty cổ phần lương thực Hậu Giang. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu trong những tháng qua đã tăng ở mức cao và dự báo sẽ giảm dần vào cuối năm do một số mặt hàng có xu hướng giảm cả về giá và lượng như thức ăn chăn nuôi, thép, phân bón, máy móc thiết bị. Do đó, mục tiêu nhập siêu không quá 3,5% kim ngạch xuất khẩu trong năm nay sẽ nằm trong tầm tay. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia dù có nhiều yếu tố thuận lợi nhưng vẫn còn một số yếu tố bất lợi có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu, đặc biệt là nhóm nông thủy sản. Chẳng hạn như thị trường thế giới vẫn có những diễn biến khó lường nên sự điều chỉnh chính sách thương mại của các đối tác lớn gây bất lợi đến xuất khẩu. Mặt khác, xu hướng bảo hộ và tự phát triển sản xuất gia tăng thông qua kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, áp dụng hàng rào kỹ thuật và phòng vệ thương mại.

Ngoài ra, các nước đối thủ tăng cường đẩy mạnh xuất khẩu, cạnh tranh gay gắt về giá và chất lượng; nguồn cung trong nước chưa ổn định như thừa sản phẩm không được thị trường chấp nhận, thiếu sản phẩm thị trường có nhu cầu nhưng không đáp ứng được về số lượng, chất lượng...

Các chuyên gia cho rằng, mục tiêu quan trọng nhất đối với Việt Nam trong thời gian tới là đảm bảo duy trì cán cân thương mại hợp lý. Về lâu dài, Việt Nam cần chuyển biến từ gia tăng về lượng sang gia tăng về chất. Đặc biệt, hoạt động điều hành xuất nhập khẩu không nên chạy theo những con số tăng trưởng mà cần hướng tới sự ổn định về sản xuất cũng như phát triển kinh tế-xã hội ở vùng sâu, vùng xa, nâng cao mức sống tối thiểu cho người dân.

Bộ Công Thương hiện đang tiến hành cải cách rất mạnh trong đơn giản thủ tục hành chính nói chung và thủ tục hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng. Đặc biệt, bộ này cũng đang tập trung rà soát các thủ tục liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu để tạo ra sự đột phá, cải cách trong công tác quản lý. Điều này vừa đảm bảo quản lý được chặt chẽ nhưng mặt khác lại tạo ra sự thông thoáng cho doanh nghiệp, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, qua đó giải phóng tiềm lực, khả năng của doanh nghiệp để đưa vào sản xuất và tạo tiền đề cho tăng trưởng xuất khẩu bền vững.

Nhanhieuviet (Theo TTXVN)

.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn