11/25/2019 4:15:00 PM
.

Giá lợn hơi ngày 25/11/2019: Miền Bắc giảm nhẹ, miền Trung tăng


Giá lợn hơi hôm nay biến động trái chiều tại nhiều nơi trên cả nước, miền Bắc tiếp xu hướng giảm nhẹ từ tuần trước.

Tại miền Bắc giảm nhẹ

Giá lợn hơi tại Tuyên Quang, Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên đồng loạt giảm nhẹ 1.000 đ/kg, xuống 74.000 - 75.000 đ/kg. Tuy nhiên, tại Phú Thọ tăng 2.000 đ/kg lên 75.000 đ/kg; Thái Nguyên tăng 1.000 đ/kg lên 77.000 đ/kg. Các địa phương như Vĩnh Phúc, Hà Nội, Ứng Hoà 73.000 - 75.000 đ/kg; Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình, Thái Bình vẫn đạt mức 76.000 - 77.000 đ/kg. Nhìn chung giá lợn tại khu vực đang dao động 73.000 - 77.000 đ/kg.

Hiện ở các địa phương lượng lợn trong dân không còn nhiều, chỉ có ở những trang trại lớn hoặc trang trại nuôi gia công của các doanh nghiệp. Đáng chú ý, giá lợn hơi ở một số địa phương giáp biên giới như Cao Bằng rất cao, 80.000 - 82.000 đ/kg, nguồn cung vô cùng khan hiếm, nhiều tiểu thương chỉ bán cầm chừng để giữ khách khiến giá thịt lợn lên đến 130.000 - 150.000 đ/kg.

Theo nhận định, giá lợn hơi sẽ còn tiếp tục tăng cao và chưa có dấu hiệu dừng lại trong những tháng cuối năm. Tình hình xuất khẩu lợn theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc vẫn diễn ra, ngày 21/11/2019, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi đã có Công văn số 12/BCDDTLCP gửi Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, các địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát, ngăn không cho lợn xuất trái phép sang bên kia biên giới.

Trong công văn do Thứ trưởng Bộ NNPTNT - Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bênh dịch tả lợn châu Phi Phùng Đức Tiến ký nêu rõ, theo phản ánh của người dân và một số cơ quan truyền thông về tình trạng buôn lậu lợn qua biên giới, mỗi ngày có trên 50 chuyến xe chở lợn tỏa đi khắp các chợ biên giới của tỉnh Cao Bằng.

Để bảo vệ sản xuất trong nước, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, nhất là trong điều kiện hiện nay bệnh dịch tả lợn châu Phi đang từng bước được kiểm soát tốt, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi đề nghị Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp kiểm soát lợn và sản phẩm từ lợn ra, vào Việt Nam.

Thành lập ngay các đoàn công tác của Ban chỉ đạo trực tiếp đến các địa phương biên giới để kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép lợn, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam.

Tại miền Trung, Tây Nguyên tăng 1.000 - 2.000 đ/kg

Tại Đắk Lắk giá tăng 2.000 đ/kg lên 70.000 đ/kg; Bình Định tăng 1.000 đ/kg lên mức tương tự. Lợn hơi tại Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh vẫn ở mức tốt 75.000 - 76.000 đ/kg; Quảng Bình, Quảng Trị cũng dao động quanh mức 70.000 đ/kg. Từ Thừa Thiên Huế trở vào tới Bình Thuận, giá lợn phổ biến ở mức 63.000 đ/kg. Trung bình toàn khu vực, giá đạt khoảng 67.000 đ/kg.

Tại miền Nam tiếp tục biến động trái chiều

Giá lợn hơi tại Cà Mau, Bến Tre và Tiền Giang tăng tới 3.0000 đ/kg lên lần lượt 73.000 đ/kg và 75.000 đ/kg. Ngược lại, giá giảm 1.000 – 2.000 đ/kg tại Bình Dương, Sóc Trăng, TP HCM, Tây Ninh và Hậu Giang xuống 71.000 đ/kg, những địa phương khác, giá không thay đổi so với cuối tuần trước, vẫn đạt trên 70.000 đ/kg.

Báo Cần Thơ cho biết giá lợn hơi tại khu vực ĐBSCL liên tục tăng cao và đang ở mức 6,5 - 7 triệu đồng/tạ, trong khi nguồn cung trên thị trường hạn chế đã khiến tình trạng buôn lậu lợn thịt từ bên kia biên giới, đặc biệt là từ Campuchia vào Việt Nam tăng mạnh.

Trong nhiều ngày qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh An Giang liên tục bắt giữ các đối tượng vận chuyển lợn từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ; số lượng lợn bị bắt giữ phần lớn đều không rõ nguồn gốc.

Theo thống kê, từ đầu tháng 11 đến nay, lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh An Giang đã bắt giữ 5 vụ buôn lậu lợn từ Campuchia vào Việt Nam, bắt giữ và tịch thu 165 con lợn, tổng trọng lượng gần 12 tấn, trị giá hơn 525 triệu đồng.

Giá lợn hơi tăng cao khiến sức mua thịt lợn của người tiêu dùng giảm, lượng thịt bán ra tại các chợ khá chậm. Tại chợ Biên Hòa (Đồng Nai), giá thịt lợn nạc hiện từ 100.000 - 140.000 đ/kg, tăng khoảng 20.000 - 35.000 đ/kg so với cách đây hơn 1 tháng; sườn non lên đến 160.000 - 195.000 đ/kg. Trước tình hình giá thịt lợn tăng cao, một số tiểu thương bán thịt lợn trong chợ đã tạm thời ngưng bán vì thiếu hàng.

Theo thông tin từ danviet.vn, Ông Lê Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cho biết, trước tình hình giá lợn tăng cao như hiện nay, Sở sẽ chủ động làm việc với các doanh nghiệp lớn về chăn nuôi trên địa bàn tỉnh để nắm rõ tình hình về giá cả, đề xuất các phương án, kế hoạch đảm bảo cung ứng thịt lợn, cũng như có phương án bình ổn giá phù hợp cho thời điểm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 sắp tới.

Hiện, nhiều địa phương đang lo ngại tình trạng nhập lậu lợn và các sản phẩm từ lợn do nguồn cung đang khan hiếm giá tăng cao.

Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Hậu Giang cho biết, việc giết mổ nhỏ lẻ không đúng quy định còn tồn tại khá nhiều, cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa. Chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố Vị Thanh hiện có 4 lò giết mổ, trong đó 3 lò giết mổ gia súc, 1 lò giết mổ gia cầm. Lượng lợn tiêu thụ trên địa bàn khoảng 100 con/ngày.

Theo thông tin từ người dân, hiện nay tình trạng buôn bán thịt lợn không rõ xuất xứ được vận chuyển trên xe gắn máy khá phổ biến. Đây cũng là vấn đề khó khăn của ngành thú y cũng như các địa phương trong công tác quản lý.

Nhanhieuviet (Theo VITIC)

.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn