12/13/2019 10:38:00 AM
.

Thủy sản phải làm gì trước sự cạnh tranh quyết liệt


Với bước đột phá trong áp dụng khoa học kỹ thuật cũng như đẩy mạnh chất lượng, ngành thủy sản Việt Nam đã khẳng định vị thế là nước XK lớn trên thế giới.

Nhưng bên cạnh đó, mặt hàng này cũng gặp sự cạnh tranh gay gắt của các quốc gia khác.

Trung Quốc là thị trường NK lớn nhất của thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, toan tính trước mắt có lẽ không còn phù hợp khi mà tiêu chuẩn hóa cho một sản phẩm XK phải được tuân thủ bài bản từ nuôi trồng đến chế biến. Trước những khó khăn và thách thức của thị trường Trung Quốc, ngành thủy sản Việt Nam cần xác định chiến lược lâu dài nhằm tăng khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác cho toàn ngành.

Cạnh tranh bằng chất lượng

Theo thống kê của Bộ Công thương, thị phần tôm và cá tra, basa của Việt Nam tại Trung Quốc lần lượt là 24% và 98,9%. Nếu như cá tra, basa chiếm thị phần áp đảo thì tôm Việt Nam đang phải đối đầu với nhiều quốc gia có khả năng đẩy cao sản lượng XK như Argentina (29%), Ecuador (22,7%), Ấn Độ (14,6%), Thái Lan (14,6%). Về năng lực sản xuất, ngành thủy sản nhìn chung đã có bước chuyển biến rõ rệt để từ đó nâng cao sản lượng XK.

Trong năm 2018, sản lượng cá tra khoảng 1.418 nghìn tấn, tôm nước lợ 766 nghìn tấn, nuôi trồng khác 1.970 nghìn tấn. Đặc biệt, sản lượng cá tra đã tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng tôm tăng 10%.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), cho rằng: Chúng tôi nhận được dấu hiệu khá tích cực về ngành thủy sản của Việt Nam khi XK sang thị trường Trung Quốc. Tính đến nay, ngành thủy sản Việt Nam đang chiếm tỷ trọng cao tại thị trường này. Tuy nhiên, sự dẫn đầu về doanh số không còn quá quan trọng bởi yếu tố cạnh tranh về giá mới là điều quyết định.

“Đối với sản phẩm cùng chất lượng tại các quốc gia chúng ta xét đến, doanh nghiệp NK chọn hàng thủy sản Việt Nam vì có giá cạnh tranh hơn, bao gồm chi phí XK thông quan qua các cửa khẩu. Để phát huy về thế mạnh giá cả cũng như vị trí thuận lợi giáp với Trung Quốc, toàn ngành thủy sản đã và đang hướng đến chiến lược nâng cao giá trị công nghệ chế biến”, ông Toản nói.

Ngoài ra để làm được điều này, công nghệ cũng cần được chú trọng đầu tư để tạo ra nhiều sản phẩm có khả năng chế biến sâu, điều quan trọng là lựa chọn công nghệ tạo ra sản phẩm riêng biệt, nhưng có thể giúp giảm giá thành sản phẩm. Đây được coi là lựa chọn đúng đắn, nâng cao vị thế cạnh tranh. Tuy nhiên, hiện, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam XK sang Trung Quốc gặp vướng mắc vì việc đăng ký bổ sung các sản phẩm XK của Việt Nam vào danh sách các sản phẩm được chấp thuận NK vào Trung Quốc vẫn còn khó khăn. Theo ông Toản, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã có nhiều văn bản gửi phía Trung Quốc đề nghị xem xét, bổ sung một số loài như nghêu, cua biển, tôm hùm, ghẹ, bổ sung một số dạng sản phẩm như tôm thẻ, tôm sú ướp đá đã có bằng chứng thông thương, cũng như hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục đăng ký để bổ sung các sản phẩm mới như cá rô phi, cá hồi, cá cờ, cá thu... vào danh mục được phép XK sang Trung Quốc.

Nhìn nhận khả năng cạnh tranh thủy sản từ địa phương

Theo ông Đỗ Bình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh, hiện nay, ngành thủy sản được xác định không chỉ nuôi ở đất liền, ven biển mà còn có chiến lược nuôi ngoài biển. Theo đó cần có quy hoạch rõ ràng về vùng nuôi trồng cho người dân, đầu tư giống mới, tăng năng suất và áp dụng nhiều kỹ thuật nuôi, trồng đảm bảo VSATTP. Trên thực tế, vấn đề nuôi trồng thủy sản khu vực biển ở Quảng Ninh đang gây nhiều tranh cãi khi liên tục vướng phải vấn đề môi trường di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

Phần lớn, người dân cũng đã tự hiểu và nắm bắt rất rõ về kỹ thuật nuôi, vùng quy hoạch nuôi trồng và giảm mật độ thả nuôi, đảm bảo sức khỏe và chất lượng tôm XK. Tuy nhiên, tình trạng nuôi thủy sản vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị.

“Trong khi đó, cơ sở hạ tầng, hoạt động bảo quản sản phẩm sau thu hoạch còn hạn chế, chưa có nhiều doanh nghiệp chế biến sản phẩm thủy sản khai thác đáp ứng được yêu cầu. Việc ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong khai thác thủy sản còn hạn chế, tổn thất sau thu hoạch còn cao, chất lượng nguyên liệu thủy sản khai thác giảm do bảo quản, dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp”, ông Minh thẳng thắn nhìn nhận.

Trong thời gian tới, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người sản xuất tiếp tục các bước hoàn thiện việc truy xuất nguồn gốc đối với các mặt hàng thủy sản có trên địa bàn. Cùng với đó là nâng cao quy trình đảm bảo VSATTP, hạn chế các tạp chất lẫn trong thủy sản XK. Có như vậy, các doanh nghiệp mới đủ điều kiện nâng cao tỷ trọng các mặt hàng giá trị gia tăng XK, hoàn thiện các chương trình quản lý chất lượng.

Đồng thời, trong quá trình XK, các doanh nghiệp, người dân gặp những vướng vướng mắc, có thể thông báo đến chính quyền địa phương, để từ đó là kênh thông tin đắc lực tới các Bộ, ngành liên quan có hướng biện pháp xử lý kịp thời, tiếp tục đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các chính sách để tạo điều kiện tối đa cho hoạt động sản xuất, XK nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý và tăng trưởng bền vững.

“Trước những diễn biến khó lường của thị trường Trung Quốc, Quảng Ninh đã yêu cầu doanh nghiệp và người dân cần cải tiến điều kiện cơ sở sản xuất thủy sản, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm sản phẩm XK để đăng ký vào danh sách doanh nghiệp XK sang Trung Quốc, ưu tiên XK chính ngạch qua đường biển vì độ an toàn tránh rủi do và hưởng lợi ích trực tiếp từ hiệp định kinh tế thương mại đem lại”, ông Minh thông tin.

Nhanhieuviet (Theo Nongnghiep.vn)

.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn