7/4/2018 8:51:00 AM
.

Việt Nam có nguy cơ thành “bãi rác phế liệu” của thế giới


Sau khi Trung Quốc ngưng nhập khẩu 24 mặt hàng phế thải, hàng nghìn container phế liệu của Việt Nam có nguy cơ biến thành rác.

Tính đến ngày 18/5, cảng Cát Lái (TP.HCM) đã có trên 8.000 TEU (chiếm khoảng 10% tổng dung lượng bãi) hàng hóa nhập khẩu tồn đọng trên 40 ngày, trong đó khoảng 70% là hàng nhựa,giấy phế liệu mà cơ quan hải quan yêu cầu khóa, không được giao nhận. Số container hàng tồn còn lại chủ yếu là hóa chất, máy móc thiết bị, phân bón, kính nổi màu, đồ chơi trẻ em…

Các hãng tàu cho biết, lượng hàng nhựa, giấy phế liệu này đang được tiếp tục nhập lượng lớn về Việt Nam, chưa có dấu hiệu dừng lại. Như vậy, container tồn đọng đang chiếm khoảng 10% tại Cát Lái khiến công suất thực của cảng giảm đi 8%.

Trong khi đó, cảng vụ không xác định được chủ hàng để thu phí, thậm chí cơ quan chức năng còn tốn chi phí chuyển các container này đi chỗ khác để lấy diện tích, làm gia tăng chi phí tại cảng và giảm hiệu quả khai thác cảng, chưa kể việc này còn gây ảnh hưởng tới hàng hoá xuất nhập khẩu khác của Việt Nam.

Việc các cảng hiện tồn đọng hàng nghìn container phế liệu được nhận định là do ảnh hưởng từ việc Trung Quốc thông báo ngưng nhập khẩu 24 mặt hàng phế thải.

Ông Nguyễn Xuân Sang (Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam) cho rằng, nếu chủ hàng làm thủ tục nhận hàng, thực hiện kiểm tra chi tiết, xử lý nghiêm nếu sai phạm; trường hợp chủ hàng không làm thủ tục, khi quá hạn 90 ngày thực hiện xử lý theo quy định về xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan và về hoạt động tạm nhập, tái xuất, tải nhập, chuyển khẩu hàng hóa và các quy định của pháp luật liên quan khác, nhằm giải quyết kịp thời và tránh lãng phí hàng còn giá trị, xử lý tiêu hủy những lô hàng ảnh hưởng đến môi trường.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện xử lý hàng hóa tồn đọng, vấn đề xác lập quyền sở hữu nhà nước đối với hàng hóa tồn đọng, trình tự thực hiện bán đấu giá chưa quy định quyền và nghĩa vụ các bên và nhiều vấn đề liên quan khác.

Ngoài ra, đối với hàng hoá chậm luân chuyển hiện nay chưa có quy định cụ thể nên các cảng buộc phải đưa ra những giải pháp “chữa cháy” tạm thời như chỉ tiến hành dỡ hàng từ tàu sau khi khách hàng xuất trình đủ giấy phép nhập khẩu của lô hàng được cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực và văn bản cam kết thời gian nhận hàng cụ thể. Riêng tại cảng Tân Cảng, từ 10/6 – 30/9, TCSG ngưng tiếp nhận toàn bộ hàng nhựa phế liệu nhập khẩu trực tiếp tại cảng.

Để kịp thời có biện pháp xử lý hàng hoá chậm luân chuyển theo đúng quy định của pháp luật và tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng biển, lãnh đạo Cục Hàng hải cho rằng cần nhiều giải pháp đồng bộ như thành lập Tổ công tác liên ngành (Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ GTVT) để trực tiếp làm việc chủ hàng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các bên liên quan để sớm có giải pháp cụ thể đối với các lô hàng cần sớm giải phóng, giảm ùn tắc hàng hóa tại cảng biển.

Bộ GTVT cũng kiến nghị Tổng Cục Hải quan sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc di chuyển container nhựa, giấy phế liệu chậm luân chuyển nêu trên về các ICD hoặc bến cảng khác; đồng thời nghiên cứu, xem xét sửa đổi Thông tư số 203/2014/TT-BTC hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan.

Theo thống kê của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, tính đến ngày 20/6, tại cảng Cát Lái còn 3.231 container phế liệu chưa làm thủ tục hải quan trong đó, có 2.183 container tồn quá 90 ngày kể từ ngày hàng về cảng nhưng đến nay chủ hàng vẫn chưa đến làm thủ tục hải quan, nhận hàng.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo)

.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn