6/14/2022 10:10:00 AM
.

Cục QLTT Tiền Giang: Dấu ấn trong công tác đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ


Vượt qua khó khăn vì dịch bệnh, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong quá trình hoạt động, đặc biệt là công tác đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ.

Thích ứng với khó khăn

Năm 2021 là một năm khó khăn do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động kinh tế - xã hội ở phía Nam có nhiều biến động, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý thị trường (QLTT). Tuy nhiên, nhờ nắm vững chuyên môn nghiệp vụ, cũng như tích cực thích nghi trong tình hình mới, Cục QLTT Tiền Giang đã vượt qua, đạt được nhiều thành tích đáng kể.

Theo ông Đỗ Văn Phước – Quyền Cục trưởng Cục QLTT Tiền Giang, tỉnh Tiền Giang là cửa ngõ từ các tỉnh miền Tây lên TP.HCM và ngược lại. Khi các tỉnh phía Nam rơi vào cao điểm dịch bệnh, việc lưu thông hàng hóa giữa 2 đầu ảnh hưởng nặng nề, hoạt động QLTT gần như bị đóng băng.

“Có giai đoạn toàn Cục có đến mấy chục thành viên nhiễm Covid-19, trong khi đó chúng tôi phải phối hợp thêm với các đơn vị khác để thành lập đoàn liên ngành, tham gia trực 24/24 tại các chốt kiểm soát trên địa bàn tỉnh”, ông Đỗ Văn Phước nói.

Thời gian này, số vụ vi phạm bị phát hiện giảm đáng kể, chủ yếu là lương thực, thực phẩm và một số hàng hóa liên quan đến ngành y tế. Nguyên nhân một phần do hoạt động buôn bán tạm “đóng băng” vì dịch, một phần thì chuyển dịch kinh doanh lên môi trường trực tuyến.

Thế nhưng, quá trình thu thập thông tin, phát hiện vi phạm đối với các loại hình kinh doanh trực tuyến qua các trang mạng xã hội cũng gặp không ít khó khăn. Bởi lẽ, các đối tượng kinh doanh này thường không có cửa hàng, kho hàng mà chỉ giới thiệu đặt hàng, lấy hàng ở nơi khác để giao cho người tiêu dùng.

Trước những trở ngại đó, Cục QLTT Tiền Giang đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đội, qua đó phân công từng công chức theo dõi những dấu hiệu bất thường trong việc kinh doanh trên mạng. Tùy theo từng vụ việc, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với cơ quan chức năng có thẩm quyền để kiểm tra và xử lý.

Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng lực lượng QLTT tỉnh Tiền Giang vẫn bám sát tình hình diễn biến thị trường, thường xuyên giám sát, kiểm tra và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Kết quả năm 2021, toàn Cục kiểm tra 1.049 vụ việc; phát hiện vi phạm và xử lý 608 vụ việc; thu nộp ngân sách hơn 5,4 tỷ đồng. Trong đó 2 địa bàn phức tạp nhất là là TP Mỹ Tho và huyện Châu Thành”, Quyền Cục trưởng Đỗ Văn Phước cho biết.

Kiên quyết xử lý hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ

Theo thống kê của Cục QLTT tỉnh Tiền Giang, năm 2021, có một số nhóm mặt hàng vi phạm nổi cộm như hàng cấm, hàng lậu, an toàn thực phẩm, gian lận thương mại và nhóm hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Trong đó, có 33 quyết định vi phạm trong nhóm nhóm hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, số tiền thu phạt gần 650 triệu đồng, tịch thu các sản phẩm như phụ tùng xe máy giả mạo nhãn hiệu Honda, các loại nước yến nha đam xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ,…

5 tháng đầu năm 2022, đối với lĩnh vực hàng giả, sở hữu trí tuệ, toàn tỉnh Tiền Giang phát hiện và xử lý 23 vụ, thu phạt hơn 1,4 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là hành vi buôn bán phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng; giả mạo nhãn hiệu bột giặt nhãn hiệu OMO;… với nhiều thủ đoạn tinh vi. Cục QLTT tỉnh Tiền Giang nhanh chóng xác định đây là mặt hàng trọng tâm và đưa vào kế hoạch kiểm tra định kỳ.

Ông Nguyễn Văn Phước – Phó Cục trưởng Cục QLTT Tiền Giang chia sẻ kinh tế địa phương còn chuyên về nông nghiệp, vì vậy tình trạng phân bón giả, nhái thương hiệu tăng mạnh là vấn đề dễ hiểu.

"Qua kiểm tra và ghi nhận thực tế, địa bàn nào sản lượng phân bón khan hiếm khiến giá cả lên. Trong khi đó, địa bàn nào có giá phân bón thấp thì phát hiện số lượng hàng giả nhiều. Chúng tôi nhận định đầu mối vẫn là các đại lý, vì vậy yêu cầu các đại lý khi nhập hàng phải có hồ sơ, danh mục sản phẩm, đồng thời tuyên truyền người dân để nhận biết hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu”, ông Nguyễn Văn Phước chia sẻ.

Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Văn Phước, quy mô hàng giả, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ ở Tiền Giang không quá lớn, mà tập trung ở TPHCM và Bình Dương. Các đối tượng thường không dự trữ, mà khi có ai mua sẽ vận chuyện thẳng từ TP.HCM đến người mua. Từ đó, hoạt động kiểm tra của QLTT tốn không ít công sức.

“Cục sẽ giao các đội để phân công từng người quản lý địa bàn cụ thể, có trách nhiệm, thống kê theo dõi những dấu hiệu bất thường. Khi thấy dấu hiệu bất thường thì báo cáo với đội trưởng. Ngoài ra, đội trưởng xây dựng cơ sở báo tin đơn tuyến, duy nhất đội trưởng biết. Đội trưởng sẽ thực hiện giám sát, nếu có vi phạm thì tiến hành kiểm tra”, ông Phước cho biết.  

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ - Link gốc)

Tin trong ngày
Các tin khác
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn