10/11/2017 8:52:00 AM
.

Bảo hộ bản quyền ẩm thực: Khó như hái sao trên trời


Các đầu bếp trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia có nền pháp lý phát triển về Sở hữu trí tuệ thì vẫn luôn băn khoăn về câu hỏi: Khi nào công thức món ăn được bảo hộ bản quyền? Tuy nhiên các chuyên gia cũng nhận định đây là việc khó như hái sao trên trời.

Trên thế giới đã xuất hiện rất nhiều những món ăn mới lạ, những loại bánh ngọt đặc trưng do các đầu bếp sáng tạo lên. Và chính chủ nhân của những món ăn này cũng muốn bảo hộ món ăn của mình để ngăn chặn việc bị người khác lấy cắp ý tưởng sáng tạo để thu lợi, đặc biệt là trong ngành kinh tế - nơi đầu bếp có thể mượn và lấy cảm hứng từ ý tưởng của những đầu bếp khác. Tuy nhiên vấn đề bảo hộ bản quyền ẩm thực đến hiện tại vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Trả lời về những điều kiện để được bảo hộ, luật gia Gene Quinn - biên tập viên và người sáng lập IP Watchdog, trang web chuyên về SHTT đứng đầu thế giới cho hay: ’Một tài sản trí tuệ muốn được bảo hộ phải đáp ứng những yêu cầu: Thuộc lĩnh vực có thể cấp bằng sáng chế, sáng chế phải hữu dụng, có tính mới và tính khác biệt".

Trong khi đó, chuyên gia về sáng chế hóa học, Jo Shaw cũng đã chia sẻ trong một bài viết đăng tải trên tạp chí Luật Quốc tế: "Thực phẩm được tạo nên từ việc kết hợp những nguyên liệu truyền thống và sử dụng kỹ thuật chuẩn bị, nấu nướng thông thường, đúng chuẩn thì khó có thể đáp ứng những yêu cầu trên. Tuy vậy, nếu có sáng tạo trong công nghệ tạo đồ ăn thì sẽ có cơ hội đăng ký bảo hộ sáng chế".

Đồng tình với ý kiến này, luật sư Natasha Reed - thuộc Văn phòng Bảo hộ sở hữu trí tuệ Foley Hoag, Mỹ - nói: “Luật bản quyền chỉ được áp dụng cho thực phẩm nếu chúng kết hợp được các tính năng có tính sáng tạo cao, tách rời hoàn toàn (về hình thức, ý tưởng) khỏi những tính năng thông dụng của thực phẩm”.

"Luật bản quyền không bảo hộ cho ý tưởng, thực tế hay công thức nên đầu bếp không thể đảm bảo được quyền là người đầu tiên có ý tưởng tạo ra một loại thức ăn. Tương tự như thế, dù công thức và miêu tả món ăn trong sách hướng dẫn nấu ăn có thể được bảo hộ bản quyền, nhưng việc nêu ra nguyên liệu trong công thức lại không được bảo hộ. Đây chính là hạn chế mà các đầu bếp có thể dựa và để mượn công thức hoặc ý tưởng từ người khác"

Nhiều chuyên gia cũng nhận định rằng việc bảo hộ bản quyền ẩm thực khó như hái sao trên trời. Cái khó trong vấn đề này chính là việc chứng minh tính khác biệt của món ăn đó với những món ăn còn lại. Vì không bảo hộ được nên nhiều đầu bếp coi những công thức món ăn có giá trị kinh tế lớn của mình là một bí mật thương mại.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo)

.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn