10/9/2018 9:10:00 AM
.

Cao khô Vạn Linh được bảo hộ nhãn hiệu: Cơ hội khẳng định giá trị thương hiệu


Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Cao khô Vạn Linh của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vạn Linh, Chi Lăng, Lạng Sơn. Đây được xem là cơ hội để khẳng định giá trị thương hiệu, giúp người dân phát triển kinh tế.

Mì khô (dân địa phương thường gọi cao khô) là đặc sản của Lạng Sơn với hương thơm của gạo, vị dai, dễ ăn, dễ chế biến thành nhiều món. Nghề làm cao khô (mì khô) đã xuất hiện ở đây từ lâu đời. Nhiều gia đình tại đây hiện nay vẫn duy trì và phát triển nghề cha ông để lại này.

Đặc biết, khi nhắc đến cao khô Vạn Linh, không ít người đều biết đây là sản phẩm thủ công do người dân xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng làm ra. Với bà con dân tộc Nùng ở xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, thì mỳ khô (hay còn gọi là cao khô) được chế biến từ những hạt gạo địa phương, là món đặc sản luôn được đem ra đãi khách phương xa với niềm tự hào.

Theo chia sẻ của bà con, mặc dù ngày nay làm cao có sự hỗ trợ của máy móc song gạo vẫn phải sàng sảy kỹ, vo đãi thật sạch, đem ngâm khoảng 2 tiếng trước khi nghiền. Gạo nghiền càng kỹ, càng mịn thì sợi mỳ càng mượt và bóng. Vì vậy, mỗi gia đình làm cao khô ở Vạn Linh đều đặt làm riêng một chiếc cối đá chứ không dùng cối nghiền công nghiệp. Nhờ đó, sản phẩm rất thơm, ngon được người dân các tỉnh, thành phố khác trong cả nước ưa chuộng.

Cao khô Vạn Linh được người dân sản xuất từ nhiều loại gạo ngon, trong đó chủ yếu là gạo bao thai do người dân sở tại làm ra. Sản xuất cao khô là nghề truyền thống của người dân ở đây. Phải mất 2 ngày và nhiều công đoạn mới có thể cho ra những sợi cao khô trắng, dai, thơm và vị ngọt bùi của gạo. Cao khô có thể chế biến thành nhiều món ăn và nhiều cách làm khác nhau. Hiện xã Vạn Linh có hơn 100 hộ sản xuất cao khô, tập trung chủ yếu ở thôn Phố Cũ và Phố Mới. Với sản lượng hơn 1.000 tấn/năm, sản phẩm này được cung cấp đến nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, do chưa được cấp thương hiệu nên mặt hàng này chủ yếu được các tư thương đến thu mua chứ chưa thu hút được doanh nghiệp nào đầu tư, bao tiêu sản phẩm. Vì vậy, cao khô Vạn Linh được tiêu thụ một cách bấp bênh và thường xuyên bị ép giá.

Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi người sản xuất và khẳng định giá trị của thương hiệu Cao khô Vạn Linh, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Cao khô Vạn Linh của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vạn Linh. Nhận định của chuyên gia, đây là cơ hội khẳng định giá trị thương hiệu cho mặt hàng nông sản của bà con vùng cao; góp phần tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Người dân ở đây mong muốn thời gian tới, huyện Chi Lăng cũng như các sở, ngành chức năng có giải pháp hỗ trợ làng nghề sản xuất Cao khô Vạn Linh đổi mới công nghệ, thiết bị trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh sản phẩm, nhằm nâng giá trị hàng hóa và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm Cao khô Vạn Linh.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo)

.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn