9/26/2022 8:52:00 AM
.

Huế: Những gương mặt “thương hiệu” của làng hương Thủy Xuân


Làng hương Thủy Xuân nổi tiếng với nghề làm hương trầm có lịch sử hàng trăm năm, với phẩm độc quyền được dâng lên vua chúa. Nơi đây cũng được du khách biết đến với những con người rất đặc biệt.

Những năm gần đây, người dân làng hương Thủy Xuân (phường Thủy Xuân, TP Huế) phát triển loại hình du lịch truyền thống kết hợp trải nghiệm nhằm quảng bá làng nghề và cách làm hương đến du khách.

Làng Hương Thủy Xuân trở thành một điểm đến check in không thể bỏ lỡ dành cho du khách khi đến Huế. Bên cạnh những khóm hương nhiều sắc màu, nơi đây còn nổi tiếng bởi những con người đặc biệt tạo nên thương hiệu cho làng hương Thủy Xuân.

Mệ Tuyết hơn 10 năm chung sức vì trẻ ung thư

Ngày nào cũng thế cứ 4 - 5 giờ sáng, mệ Tôn Nữ Ánh Tuyết (72 tuổi, trú phường Thủy Xuân, TP Huế) lại cặm cụi dọn hàng, bưng bê mấy chục bó chân hương ra trưng bày trước quán nhỏ của mình. Công việc cứ đều đặn như thế chỉ vì cái tâm với làng nghề và mong muốn giúp đỡ những em nhỏ mắc bệnh ung thư.

Hương trầm trong đời sống tâm linh của người dân Huế rất quan trọng. “Mỗi sáng mệ đều thắp 3 nén nhang nhớ đến vong linh các trẻ em ung thư đã ra đi, mong các cháu cầu chúc cho mệ buôn may bán đắt, để mệ có quỹ giúp đỡ những bệnh nhân khác nữa. Chiều tối mệ lại thắp nén nhang để cảm ơn, vì một ngày làm việc suôn sẻ”, mệ Tuyết chia sẻ.

Đến với làng hương Thủy Xuân du khách được chiêm ngưỡng không gian đầy màu sắc của mhững bó chân hương xanh, đỏ, tím, vàng, lục,... Ngoài việc khám phá sắc màu của văn hóa Huế, chứng kiến vẻ đẹp của làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi. Nhiều khách du lịch tìm đến làng hương còn để gặp mệ Tuyết, nghe những tâm sự của mệ về hành trình với trẻ em ung thư.

Mệ Tuyết nhớ lại: “Cách đây hơn 10 năm, tôi gặp một bệnh nhi ung thư ở bệnh viện Trung Ương Huế. Đứa trẻ mắc bệnh u não, đã phải phẫu thuật bỏ đi một con mắt, mắt còn lại bị sưng tấy, chờ ngày phải cắt bỏ. Đau xót vì đứa trẻ còn nhỏ đã phải trải qua nỗi đau rất kinh khủng, tôi quyết làm việc gì đó để giúp đỡ những trẻ em mắc bệnh ung thư”.

Hơn 10 năm qua, đều đặn mỗi tháng từ 1 đến 2 lần, quỹ từ thiện của mệ Tuyết sẽ tổ chức thăm các em nhỏ ở khoa Ung bướu bệnh viện Trung ương Huế. Mỗi chuyến thăm dao động từ 80 đến hơn 100 em nhỏ, tùy vào số lượng bệnh nhân. Món quà gửi các bệnh nhi được trích từ lợi nhuận của tiệm hương nhỏ của mệ Tuyết và sự đóng góp của khách hàng ghé quán mệ. Phần quà là phong bì 100.000 đồng kèm theo quà, bánh, sữa do mệ và các bạn tình nguyện viên chuẩn bị.

Thời điểm dịch Covid-19, thu nhập từ quán hương ế ẩm, số tiền mệ ủng hộ cũng giảm xuống.

“Mệ cũng buồn nhưng cũng may mắn vì giữa đại dịch mà quán mệ vẫn còn có khách ghé thăm. Có nhiều bạn tình nguyện viên là sinh viên đã phụ giúp công việc thiện nguyện với mệ Tuyết được hơn 3 - 4 năm, mệ trân quý và xem các bạn đó như con trong nhà", mệ Tuyết bộc bạch.

Đến nay, khi đại dịch qua đi, thu nhập từ quán hương ổn định hơn, quỹ từ thiện đã có thể giúp đỡ thêm cả các bệnh nhân ở bệnh viện Y Dược Huế. Kinh phí mỗi chuyến thiện nguyện lên đến vài chục triệu đồng.

Mệ Tuyết chính là người phụ nữ đặc biệt nhất ở làng hương Thủy Xuân. Mệ tâm sự: “Cuộc sống của mệ dành hết cho trẻ em ung thư. Mệ muốn sẽ có nhiều người biết đến để mệ có thể giúp đỡ cho trẻ em ung thư, trong lòng mệ mãi mãi là trẻ em ung thư. Con có biết không mệ đã từng khóc hết bao nhiêu nước mắt vì trẻ em ung thư, rất ư là tội!”.

Đối với mệ Tuyết, còn được sống là còn nỗ lực vì trẻ em ung thư, “ung thư không đợi mình”, đó là câu nói mà mệ luôn nhắc bản thân mình mỗi ngày.

Chị Trần Huyền Trang đến từ TP.HCM cho biết: "Tôi biết đến làng hương Thủy Xuân qua một bài báo viết về mệ Tuyết. Tôi rất khâm phục mệ, một bà cụ vóc dáng nhỏ bé, nhựng có tấm lòng hy sinh to lớn vì trẻ em ung thư. Đến thăm quán mệ, tôi cũng rất vui vì được giúp đỡ cho quỹ từ thiện của mệ, cũng như những hoàn cảnh khó khăn, nhờ đó mà chuyến du lịch của tôi cũng ý nghĩa hơn rất nhiều".

Người phụ nữ lưu giữ nghề truyền thống

Nghề truyền thống của ông cha đã ăn sâu vào máu thịt của người dân làng Thủy Xuân. Họ say mê, yêu nghề, tỉ mẩn với nghề từ sáng đến tối. Làng hương cung cấp ra thị trường đủ các loại hương như: Hương quế, dầu sả, hương thơm tẩy mùi, nhang vòng, nụ trầm, nổi bật nhất là hương trầm, nguyên liệu tự nhiên thân thiện với môi trường, không sử dụng hóa chất.

Bà Tôn Nữ Mộng Hoa (53 tuổi, trú phường Thủy Xuân, TP Huế) là một trong những người tiên phong làm du lịch ở làng hương Thủy Xuân. Bà Hoa cho biết: “Năm 9 tuổi tôi nghỉ học, bắt đầu làm hương. Lúc đó người dân Thủy Xuân, Tự Đức làm hương nhiều lắm. Riêng tôi có ngày làm cả vạn que hương”.

Thu nhập từ nghề hương trầm thủ công không cao, nhưng với những người như bà Hoa, đó là cái nghề đã nuôi sống bản thân, gia đình. Hơn hết, đó là cái hồn quê mà những người như bà phải lưu giữ.

Để phục vụ nhu cầu của khách hàng, hương Thủy Xuân có nhiều mùi như sả, trầm, hoa lài, hoa sứ. Mỗi người làm hương sẽ có tay nghề, kĩ thuật khác nhau, tùy thuộc vào việc chọn hương liệu, làm hồ, mỗi xưởng sẽ cho ra sản phẩm mang nét riêng biệt.

Nghề làm hương từng tạo nên cơ ngơi cho dân làng Thủy Xuân, nhưng càng về sau khi hương không còn được ưa chuộng, hương sản xuất công nghiệp ra đời khiến làng hương thủ công như Thủy Xuân dần lép vế, nhiều người phải tính đến chuyện bỏ nghề.

“Trước đây, hương chủ yếu làm trong nhà, trong xưởng, rồi một lần có đoàn khách Nga ghé thăm, họ rất thích và bị thu hút bởi làng nghề làm hương”, bà Hoa cho hay. Có khách du lịch, mỗi bó hương có thể bán với mức giá 1 đô (13 ngàn đồng). Từ đó bà Hoa nảy ra ý tưởng kết hợp làm hương với du lịch làng nghề.

Nhờ kết hợp làm hương với các sản phẩm du lịch, bán các mặc hàng lưu niệm như nón, tranh sơn dầu, quạt, đồ thổ cẩm, các cơ sở du lịch ở làng hương Thủy Xuân có mức thu nhập từ 1 triệu đồng mỗi ngày.

Làng hương Thủy Xuân đã trở thành một nét đẹp văn hóa đặc sắc của vùng đất Cố đô. Cuối năm 2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận nghề làm hương trầm Thủy Xuân là nghề truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế. Điều này góp phần bảo tồn, tôn vinh nghề hương thủ công truyền thống và nhằm khuyến khích người dân làm du lịch, tạo thêm một điểm đến nổi tiếng trên bản đồ du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ - Link gốc)

Tin trong ngày
Các tin khác
.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn