9/14/2020 3:02:00 PM
.

Lạng Sơn: Xử lý 2 cơ sở kinh doanh sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ


Lực lượng QLTT tỉnh Lạng Sơn mới đây đã tiến hành kiểm tra và xử lý 2 cơ sở kinh doanh các sản phẩm hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Thực hiện kế hoạch về đấu tranh, phòng ngừa các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong năm 2020 Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn đã liên tiếp chỉ đạo các lực lượng tiếp tục triển khai kiểm tra, xử lý đối với các hộ kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trên địa bàn.

Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 2 phối hợp với Công an thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao lộc, tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với 02 cửa hàng kinh doanh mặt hàng quần áo thời trang, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu NIKE, ADIDAS và phát hiện nhiều hàng hóa giả mạo nhãn hiệu tại đây.

Tại cửa hàng quần áo may sẵn ở Ki ốt số 32, chợ Đồng Đăng, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, do ông Nguyễn Văn Sáng là chủ hộ kinh doanh phát hiện đang bày bán 64 bộ quần áo, quần, áo thể thao mang nhãn hiệu NIKE, ADIDAS.

Theo ghi nhận của lực lượng chức năng toàn bộ số hàng hóa thời trang trên đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam. Quá trình, kiểm tra, ông Nguyễn Văn Sáng thừa nhận ngoài việc bày bán trực tiếp số hàng hóa trên tại cửa hàng, ông Sáng còn đăng bán trên mạng xã hội qua tài khoản ZALO “NguyễnSáng” và FACEBOOK “nguyensangdh94”.

Tại cửa hàng quần áo may sẵn ở Ki ốt số 13, chợ Mái Tôn, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, do ông Đào Quốc Hưng là chủ hộ kinh doanh lực lượng chức năng phát hiện 28 bộ quần áo, quần, áo thể thao mang nhãn hiệu ADIDAS, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Theo đánh giá của Cục QLTT Lạng Sơn, nạn kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu không chỉ thực hiện ở trong nước, sản xuất hàng giả còn có sự tham gia của các đối tượng nước ngoài và sử dụng phương tiện công nghệ, kỹ thuật cao để đối phó các cơ quan chức năng. Tinh vi hơn, hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh ở một nơi, sau đó đặt gia công ở một nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm, sau khi có đơn đặt hàng mới được gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và giao liền cho khách hàng đặt mua, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không cất trữ chờ tiêu thụ.

Đặc biệt, sở hữu trí tuệ là lĩnh vực rất rộng, liên quan đến nhiều bộ, ngành, nhưng trên thực tế mối quan hệ phối hợp trong soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật chưa thực sự chặt chẽ, dẫn tới nội dung quy định trong một số văn bản còn mâu thuẫn, chồng chéo gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ việc. Do đó, phải nâng cao trách nhiệm và sự chủ động tham gia của doanh nghiệp trong việc đấu tranh với vấn nạn hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, nhưng mặt khác chế tài xử lý vi phạm cũng phải đủ sức răn đe, ngăn ngừa các hành vi tái diễn.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo - Link gốc)

Tin trong ngày
Các tin khác
.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn