7/26/2018 9:48:00 AM
.

“Mập mờ” thương hiệu Petrolimex, người tiêu dùng chịu thiệt


Hiện tại có rất nhiều cửa hàng xăng dầu không thuộc hệ thống Petrolimex nhưng vẫn tự ý sử dụng các nhãn hiệu Petrolimex đã được pháp luật bảo hộ. Điều này gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.

Petrolimex là nhãn hiệu nổi tiếng do nhiều thế hệ CBCNV-NLĐ Petrolimex dày công xây dựng hơn 62 năm qua; được các thế hệ tiếp nối tự hào, trân trọng, giữ gìn.

Các nhãn hiệu Petrolimex đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam và một số nước trên thế giới; và do đó, được pháp luật bảo hộ. Tuy nhiên tình trạng vi phạm nhãn hiệu Petrolimex vẫn đang công khai diễn ra.

Qua kiểm tra, khảo sát ở một số tỉnh, thành phố như Hải Phòng, TP.HCM, Sơn La, Hòa Bình, Đắk Lắk, Quảng Nam... cho thấy, tình trạng cố tình sử dụng nhãn hiệu của Petrolimex diễn ra rất phổ biến. Nhiều doanh nghiệp tự ý sử dụng nhãn hiệu Petrolimex hoặc chữ "P" trên mái cửa hàng, dán nhãn hiệu chữ "P" ở cột bơm xăng hay sơn màu diềm mái cửa hàng (cam và xanh dương), giống hệt của Petrolimex.

Các sai phạm trên của các doanh nghiệp gây ra nhiều hệ lụy, như: xăng dầu không đạt được sự minh bạch theo các quy định của pháp luật về nhận diện thương hiệu; gây nhầm lẫn cho khách hàng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người tiêu dùng; làm ảnh hưởng đến sản lượng hàng bán ra và năng suất của người lao động Petrolimex.

Trong trường hợp doanh nghiệp xâm phạm/lạm dụng thương hiệu Petrolimex có sai phạm về đo lường, chất lượng và tác phong ứng xử thì gây ảnh hưởng đến niềm tin & uy tín thương hiệu Petrolimex trong công chúng & khách hàng.

Để ngăn ngừa, các đơn vị thành viên của Petrolimex đã nhiều lần gửi thư khuyến cáo, thậm chí là phản ánh tới các cơ quan chức năng nhờ can thiệp, nhưng các vi phạm vẫn diễn ra công khai, suốt thời gian dài, đến nay chưa được các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm.

Trong các Thư khuyến cáo này, các đơn vị thành viên Petrolimex cũng cảnh báo về việc đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước xử lý vi phạm theo điều 211 của Luật Sở hữu Trí tuệ và Điều 11 Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; đồng thời sẽ tiến tới thực hiện khởi kiện ra toà án địa phương có thẩm quyền cũng như yêu cầu bồi thường thiệt hại.

 Tuy nhên, các biện pháp gửi Thư khuyến cáo này của Petrolimex xem ra không có hiệu quả bởi trên thực tế có doanh nghiệp vẫn tiếp tục vi phạm cho dù đã bị gửi thư khuyến cáo đến lần thứ 3.

Thực tế tại nhiều quốc gia cho thấy, việc vi phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ có thể khiến doanh nghiệp vi phạm bị xử phạt nặng về tài chính, thậm chí bị rút giấy phép kinh doanh hay bị kiện ra Toà án.

 Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh tăng cường công tác thanh tra, giám sát, việc sớm xây dựng các chế tài xử phạt nghiêm minh với các hành vi nhái thương hiệu, vi phạm thương hiệu sẽ là giải pháp hữu hiệu xử lý tận gốc những tồn tại này, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo)

Tin trong ngày
Các tin khác
.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn