3/24/2017 11:04:00 AM
.

Triển vọng tăng giá trị thương hiệu hạt điều Việt Nam


Để đáp ứng sản phẩm "sạch" mà người tiêu dùng đòi hỏi, nông dân và doanh nghiệp phải chuyển nhanh sang trồng và chế biến điều hữu cơ với phương pháp hấp để bảo vệ môi trường.

"Chưa năm nào giá hạt điều thô tươi cao như năm nay, có ngày lên đến 46.000đ/kg. Với 3,5 tấn hạt điều, nếu giữ giá đó thì tôi thu được khoảng 160 triệu đồng", ông Nguyễn Anh Tuấn - một nông dân chuyên canh điều nhiều năm ở xã Hòa Hội, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai vui vẻ bộc bạch. Nhưng không phải người trồng điều nào cũng vui như ông Tuấn vì năm ngoái mưa muộn, trúng kỳ điều ra hoa nên tỷ lệ đậu trái thấp, và sâu bệnh, nhất là bệnh thán thư dẫn đến cháy lá, khô bông, khô cành, héo trái non, đặc biệt sâu róm đỏ lây lan nhanh, trở thành dịch trên diện rộng.

Theo khảo sát của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) trong tháng 2 vừa qua, do bị sâu hại nặng nên ở Lâm Đồng, Bình Thuận, sản lượng hạt điều thô có thể giảm đến 80% so với vụ trước, nhưng ở Bình Phước (tỉnh có diện tích trồng điều lớn nhất, chiếm trên 50% của cả nước), Đồng Nai (xếp sau Bình Phước về diện tích điều), Bà Rịa - Vũng Tàu, năng suất điều không ảnh hưởng lớn bởi dịch hại.

Vì thế về tổng thể, sản lượng điều thô năm nay không giảm quá nhiều. Như vậy, giá điều trong nước đang giữ kỷ lục như hiện nay chưa hẳn do "mất mùa được giá" như "quy luật" của nông sản Việt Nam, mà còn vì giá điều thô trên thế giới liên tục tăng và cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 30%, chẳng hạn đầu tháng 3 giá điều thô khô nhập khẩu là 1.850 USD/tấn, một tuần sau đã lên 2.000 USD/tấn.

Giá nguyên liệu tăng cao như vậy sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc chế biến nhân điều xuất khẩu của các doanh nghiệp điều Việt Nam? Chủ tịch Vinacas Nguyễn Đức Thanh đồng thời là chủ một doanh nghiệp điều lớn cho rằng "không đáng ngại".

Ông chia sẻ: "Năm nay lượng điều thô trong nước giảm nhưng ở châu Phi được mùa, trong đó sản lượng điều của Bờ Biển Ngà dự báo đạt trên 700.000 tấn, Guinea Bissau hơn 200.000 tấn; sản lượng điều ở Campuchia có thể bằng với Guinea Bissau, nên doanh nghiệp điều Việt Nam không lo thiếu nguyên liệu chế biến vì lượng nhập khẩu sẽ bù vào. Trong chế biến hạt điều, nguyên liệu nhập chỉ chiếm 40% giá thành và giá điều nguyên liệu cũng không thể tăng cao hơn nữa, vì nửa cuối tháng 3 này rộ vụ thu hoạch, và quan trọng nhất là sẽ được thị trường điều tiết. Thế giới có 12 loại hạt có dầu mà con người ưa thích, thiếu hạt này thì dùng hạt khác, cho nên nếu đẩy giá hạt điều lên quá cao, hậu quả sẽ đến, như có thời gian doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hạt mắc ca ở một số nước lợi dụng sự hấp dẫn của nó đã bán ra với giá không thể chấp nhận được, đã bị người tiêu dùng "ngoảnh mặt". Đó cũng là bài học cho doanh nghiệp điều Việt Nam. Vì thế mà trong 2 tháng đầu năm, giá điều nhân xuất khẩu của các doanh nghiệp điều Việt Nam chỉ ở mức 9.180 UDS/tấn (kim ngạch 255 triệu USD), dự kiến giá cao nhất trong năm nay không vượt 9.200 USD/tấn".

Mấy năm gần đây, mỗi năm thế giới chế biến khoảng 3 triệu tấn hạt điều thô và dự báo năm 2017 vẫn ở mức đó. Năm ngoái, Việt Nam chế biến 1,5 triệu tấn điều thô, tương đương 50% sản lượng toàn cầu và xuất khẩu 348.000 tấn, thu về 2,84 tỷ USD, kế hoạch xuất khẩu năm nay là 360.000 tấn, kim ngạch trên 3,3 tỷ USD, có thể vẫn đứng thứ 2 về kim ngạch trong các loại nông sản xuất khẩu chủ lực, sau cà phê, trước gạo.

Những con số này cho thấy ngành điều Việt Nam vẫn phát triển tốt, nhất là thị trường đang mở rộng đến nhiều quốc gia, cao nhất là Mỹ với 50% thị phần, tiếp sau là Trung Quốc với 31% thị phần. Theo Vinacas, việc mua bán hạt điều giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc khá suôn sẻ và chắc chắn còn phát triển mạnh bởi người tiêu dùng đại lục ưa hạt điều Việt Nam do chất lượng cao. Đây là một lợi thế mà ngay cả đối thủ cạnh tranh lớn như Ấn Độ cũng không có được.

Đã có ý kiến lo ngại rằng vài năm nữa, các nước trồng điều ở châu Phi và Trung Quốc (nhập khẩu điều thô) sẽ tự chế biến hạt điều bởi họ đã nắm được công nghệ bóc tách vỏ, lựa hạt, lựa màu, chế biến hấp từ Việt Nam thì việc cạnh tranh của doanh nghiệp điều nước ta trở nên khó khăn, thậm chí có thể gặp rủi ro.

Theo một số chuyên gia trong ngành thì nếu có ngại cạnh tranh là với doanh nghiệp điều Trung Quốc, Ấn Độ chứ không phải 11 nước trồng điều ở châu Phi. Và một khi các nước châu Phi chế biến nhân điều thì doanh nghiệp Việt Nam lại nhập sản phẩm của họ để làm gia tăng giá trị. Với Trung Quốc cũng không đáng ngại vì nước họ không trồng được điều và còn lâu mới xây dựng được thương hiệu điều như Việt Nam, đó là chưa kể ta đã có một lượng khách hàng lớn, ổn định.

Nhưng theo ông Nguyễn Đức Thanh, đã kinh doanh thì không được chủ quan. Vì thế Vinacas đã ký hợp đồng song phương với một số doanh nghiệp điều châu Phi để bảo đảm nhập đủ lượng điều thô có độ ẩm dưới 10%, nếu độ ẩm trên 10% thì bên xuất bị phạt nặng, đồng thời không trả tiền trước, kể cả đặt cọc để tránh bị "xù hàng" như đã xảy ra nhiều lần.

Để đáp ứng sản phẩm "sạch" mà người tiêu dùng đòi hỏi, nông dân và doanh nghiệp phải chuyển nhanh sang trồng và chế biến điều hữu cơ với phương pháp hấp để bảo vệ môi trường. Về phía Nhà nước, năm nay Bộ Thương mại sẽ cùng Vinacas tổ chức xúc tiến thương mại điều ở châu Âu và tổ chức hội nghị điều quốc tế ở Phú Quốc. Với 2 sự kiện này, chắc chắn hạt điều Việt Nam càng tăng giá trị thương hiệu.

Nhanhieuviet (Theo doanhnhansaigon.vn)

Tin trong ngày
Các tin khác
.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn