3/25/2021 9:59:00 AM
.

Giờ Trái Đất 2021: Hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả


12 năm qua, Bộ Công Thương luôn là đơn vị chủ trì, đồng hành cùng Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam tổ chức các chuỗi sự kiện Giờ Trái đất và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.

Nhân sự kiện Giờ Trái Đất 2021 sẽ diễn ra vào 20h30 tối 27/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã có cuộc trao đổi nhanh với các cơ quan thông tấn báo chí nhằm kêu gọi các tổ chức, cơ quan, địa phương, người dân tích cực hưởng ứng Chiến dịch bằng những hành động cụ thể trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cùng chung tay bảo vệ môi trường.

Thưa Thứ trưởng, Chiến dịch Giờ Trái Đất 2021 có khẩu hiệu “Lên tiếng vì thiên nhiên”. Khẩu hiệu này sẽ mang đến thông điệp cụ thể nào?

Đây là năm thứ 13 Việt Nam tham gia, hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái Đất, Chiến dịch do Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức, phát động.

Giờ Trái đất được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2009 với sự tham gia của 6 tỉnh/ thành phố. Tới nay, sau 12 năm tổ chức đã lan tỏa cả nước với 63/63 tỉnh/thành phố của Việt Nam đều tham gia.

Giờ Trái Đất 2021 với khẩu hiệu “Lên tiếng vì thiên nhiên” (Speak up for Nature) tập trung vào hai chủ đề: “Tiết kiệm năng lượng - Giảm phát thải khí nhà kính” và “Không còn rác nhựa trong môi trường tự nhiên”.

Thông điệp kêu gọi tất cả mọi người suy ngẫm về mối liên kết giữa con người và thiên nhiên, mối quan hệ tương sinh giữa các giống loài, để từ đó có những hành động và đóng góp cụ thể nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế tiêu thụ các chế phẩm nhựa dùng một lần, hướng tới đảm bảo mục tiêu mà Thoả thuận Khí hậu Paris đã đặt ra.

Tại Việt Nam, năm 2021, Chiến dịch Giờ Trái Đất nhận được sự đồng hành của Bộ Công Thương, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cùng đông đảo các doanh nghiệp, các tổ chức và hàng triệu cá nhân khác.

Qua 12 năm tham gia Giờ Trái Đất, ngày càng có nhiều bạn trẻ, thanh niên tham gia, hưởng ứng nhiệt tình, đây là tín hiệu tốt để Việt Nam nâng cao nhận thức cộng đồng về mối liên hệ giữa các tác động của con người với thiên nhiên, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Bộ Công Thương kỳ vọng, thông qua các hoạt động trực tuyến, thông điệp, ý nghĩa và chủ đề của Chiến dịch Giờ Trái Đất 2021 sẽ được truyền tải đầy đủ đến đông đảo người dân, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể xã hội. Chiến dịch Giờ Trái Đất 2021 sẽ góp phần giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết với thế giới trong Thỏa thuận Paris về giảm thiểu phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sống.

Liên quan đến Thoả thuận Khí hậu Paris, xin Thứ trưởng cho biết, những chính sách, chương trình hành động của Bộ Công Thương về lĩnh vực năng lượng, công nghiệp và thương mại trong thời gian tới nhằm hướng tới phát triển bền vững ngành năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp vào thực hiện các cam kết của Việt Nam trong Thỏa thuận?

Theo cam kết của Việt Nam về thực hiện thảo luận về biến đổi khí hậu, đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và tăng đóng góp lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện các cơ chế mới theo Thỏa thuận Paris.

Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện các cam kết của quốc gia về thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Theo đó, Bộ Công Thương được Chính phủ giao xây dựng và tổ chức các chính sách về giảm khí thải nhà kính trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng và thương mại.

Đối với lĩnh vực công nghiệp, hiện nay Bộ Công Thương đã tập trung vào các giải pháp chính liên quan đến việc sử dụng tiết kiệm năng lượng hiệu quả và tăng phát triển năng lượng tái tạo.

Trong thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện tiết kiệm năng lượng hiệu quả và hiện nay, Bộ Công Thương đang thực hiện tới giai đoạn thứ 3, giai đoạn 2019-2030 với mục tiêu sẽ giảm từ 8 đến 10% tổng năng lượng cuối cùng cho cả giai đoạn vào năm 2030, tương đương với 60-80.000.000 tấn dầu quy đổi. Tổng kinh phí thực hiện chương trình hiện nay là 4.400 tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực năng lượng, Bộ Công Thương đang tập trung vào việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong lĩnh vực năng lượng. Mục tiêu dài hạn là đạt mức tổng cung năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng quốc gia lên đến 15-20% vào năm 2030 và 25-30% vào năm 2045 theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị. Hiện nay, Bộ Công Thương đang xây dựng 2 văn bản rất quan trọng, một là Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII); hai là Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tất cả các mục tiêu này sẽ được cụ thể hóa trong hai Quy hoạch này và Bộ Công Thương sẽ tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, đối với lĩnh vực công nghiệp, thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Công Thương đang tổ chức thực hiện kế hoạch hành động của Chính phủ đối với việc phát triển năng lượng ngành công nghiệp. Mục tiêu lớn của chúng ta là chuyển đổi, thúc đẩy tái cơ cấu ngành công nghiệp từ các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng và lao động, chuyển sang các ngành công nghiệp khoa học công nghệ cao hơn và thân thiện hơn với môi trường.

Về lĩnh thương mại, Bộ Công Thương cũng tổ chức nhiều chương trình và mục tiêu chính là thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tổ chức dán nhãn tiết kiệm năng lượng cho các thiết bị điện. Hoạt động này nhận được sự hưởng ứng của đông đảo cộng đồng các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng trên cả nước. Bộ Công Thương tin rằng, những hành động thiết thực cùng những đường lối chỉ đạo của Bộ sẽ đóng góp vào việc thực hiện các cam kết của Việt Nam trong Thỏa thuận Paris.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Nhanhieuviet (Theo Báo Công Thương - Link gốc)

.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn