2/22/2021 9:44:00 AM
.

OECD – FAO dự báo xuất nhập khẩu sữa của thế giới đến năm 2029


New Zealand vẫn là nước xuất khẩu chủ yếu bơ và sữa bột béo WMP trên thế giới, dự báo sẽ chiếm lần lượt 42% và 52% vào năm 2029.

Sữa được xuất khẩu ra thế giới chủ yếu dưới dạng các sản phẩm sữa chế biến, mặc dù tiêu thụ sữa tính theo đầu người tại Trung Quốc ở mức thấp, nhưng dự kiến Trung Quốc vẫn là nhà nhập khẩu quan trọng nhất các sản phẩm sữa, đặc biệt là sữa bột nguyên kem (WMP).

Nhật Bản, Liên bang Nga, Mexico, Trung Đông và Bắc Phi sẽ tiếp tục là những nước nhập khẩu ròng sản phẩm sữa. Ngược lại, châu Á tiêu thụ các sản phẩm sữa ở mức thấp, đặc biệt là Đông Nam Á; tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế và tăng dân số cùng với sự chuyển hướng sang các sản phẩm thực phẩm có giá trị cao, dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm sữa ngày càng tăng ở nhiều nước châu Á. Các hiệp định thương mại quốc tế (ví dụ như CPTPP, CETA và hiệp định thương mại ưu đãi giữa Nhật Bản và EU) có các thỏa thuận cụ thể đối với các sản phẩm sữa (ví dụ hạn ngạch thuế quan) tạo cơ hội cho tăng trưởng thương mại.

Xuất nhập khẩu sữa có thể thay đổi đáng kể do những chính sách thương mại. Ví dụ, một lượng lớn pho mát và các sản phẩm sữa được trao đổi giữa EU và Vương quốc Anh có thể bị ảnh hưởng bởi các thỏa thuận thương mại. Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) dự kiến sẽ ảnh hưởng đến nhập khẩu sữa ở Bắc Mỹ. Cho đến nay, các nước tiêu thụ sữa lớn là Ấn Độ và Pakistan vẫn chưa hội nhập vào thị trường quốc tế, nhưng lượng nhập khẩu lớn của hai nước này có thể tác động đáng kể đến thị trường thế giới.

Khoảng 8% sản lượng sữa thế giới được xuất khẩu, Trung Quốc trong những năm gần đây đã tăng mạnh nhập khẩu sữa nước từ EU và New Zealand. Nhập khẩu ròng các sản phẩm sữa tươi của Trung Quốc khoảng 0,7 triệu tấn/năm và dự kiến sẽ tăng 3,6%/năm từ nay đến năm 2029. Thị phần sữa bột béo WMP và sữa bột gầy SMP chiếm hơn 40% trong tổng sản lượng sữa của thế giới, nhưng thường chỉ được sản xuất để dự trữ và để kinh doanh lâu dài.

EU, New Zealand và Mỹ là ba thị trường xuất khẩu lớn các sản phẩm từ sữa, dự kiến đến năm 2029 sẽ chiếm khoảng 65% trong tổng sản lượng pho mát của thế giới, chiếm 68% tổng sản lượng sữa béo WMP, chiếm 76% tổng sản lượng bơ và 77% tổng sản lượng sữa gầy SMP

Xuất khẩu sữa bột gầy SMP và pho mát của Australia đã bị giảm thị phần. Achentina là nước xuất khẩu sữa bột béo (WMP) quan trọng và được dự báo sẽ chiếm 5% tổng lượng xuất khẩu của thế giới vào năm 2029. Trong những năm gần đây, Belarus đã trở thành nước xuất khẩu sữa bột béo quan trọng, chủ yếu sang thị trường Nga.

New Zealand là nước sản xuất và xuất khẩu sữa lớn, nhưng trong những năm gần đây, sản lượng sữa của New Zealand tăng trưởng thấp hơn nhiều so với Bắc Mỹ và Châu Âu. Tuy nhiên, năng suất cao nên vẫn có khả năng cạnh tranh. New Zealand tiêu thụ nội địa ít nên tăng trưởng sản lượng sữa sẽ hoàn toàn dành cho xuất khẩu, tuy nhiên phải đối mặt với những bất ổn lớn do đại dịch COVID-19.

EU sẽ tiếp tục là nước xuất khẩu pho mát lớn nhất thế giới, tiếp theo là Mỹ và New Zealand. Dự kiến, thị phần của EU chiếm khoảng 44% vào năm 2029, trong đó xuất khẩu sang Canada sẽ tăng do hiệp định CETA đã được thông qua và xuất khẩu sang Nhật Bản cũng tăng sau khi hiệp định thương mại song phương được phê chuẩn vào năm 2019. Vương quốc Anh, Liên bang Nga, Nhật Bản, EU và Saudi Arabia được dự đoán là 5 nhà nhập khẩu pho mát hàng đầu vào năm 2029, tuy nhiên, các quốc gia này cũng xuất khẩu pho mát.

New Zealand vẫn là nước xuất khẩu chủ yếu bơ và sữa bột béo WMP trên thế giới, dự báo sẽ chiếm lần lượt 42% và 52% vào năm 2029. Trung Quốc nhập khẩu sữa bột béo WMP chủ yếu từ New Zealand, nhưng dự kiến sẽ chỉ tăng nhẹ từ nay đến năm 2029, do sản lượng sữa nội địa của Trung Quốc tăng nên hạn chế nhập khẩu. Dự kiến, New Zealand sẽ đa dạng hóa và tăng sản lượng pho mát trong thời gian tới.

Trung Đông, Bắc Phi (MENA), các nước phát triển, Đông Nam Á và Trung Quốc là các thị trường nhập khẩu sữa chủ yếu.Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục là nước nhập khẩu sữa lớn nhất thế giới, đặc biệt là sữa bột béo WMP, chủ yếu nhập khẩu từ Australia, mặc dù trong những năm gần đây EU đã đẩy mạnh xuất khẩu bơ và sữa gầy SMP sang Trung Quốc. Trung Đông và Bắc Phi dự kiến nhập khẩu chủ yếu từ EU, trong khi các nước Đông Nam Á chủ yếu nhập khẩu từ Mỹ và Australia. Các nước phát triển đã nhập khẩu một lượng lớn pho mát và bơ, tương ứng khoảng 54% và 39% trong tổng nhập khẩu của thế giới trong giai đoạn 2017 – 2019, dự kiến các tỷ lệ này sẽ giảm nhẹ từ nay đến năm 2029.

Nhanhieuviet (Theo VITIC/OECD – Link gốc)

.
.
.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn