10/18/2017 9:49:00 AM
.

Sản phẩm tôm Việt Nam thắng lớn tại thị trường châu Âu


Trong khoảng thời gian từ tháng 6-7/2017, ngành xuất khẩu tôm trầm lắng vì nguồn nguyên liệu thiếu hụt, giá nguyên liệu tăng cao, kéo theo giá thành phẩm cũng tăng, các nhà nhập khẩu châu Âu giảm nhập khẩu tôm từ các nước; trong đó, có Việt Nam.

Đến tháng 8-9/2017, ngành xuất khẩu tôm bật mạnh xuất khẩu, đặc biệt là "cú hích" tại thị trường châu Âu.

Tăng tưởng mạnh tại châu Âu

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, trong chín tháng năm 2017, ước tính ngành tôm Việt Nam xuất khẩu đạt kim ngạch 2,5 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, thị trường châu Âu tiêu thụ tôm Việt tăng mạnh, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là một triển vọng mới cho ngành tôm Việt Nam.

Trong khoảng thời gian nguồn cung tôm thiếu hụt, giá tôm tăng cao làm cho các thị trường nhập khẩu đứng lại, thậm chí có giai đoạn giảm, thì đến tháng 8-9/2017, thị trường châu Âu vươn lên trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam.

Trong khối thị trường châu Âu, có ba thị trường nhập khẩu lớn là Vương quốc Anh (hơn 46%), Hà Lan (47%) và Bỉ (34%). Giải thích cho hiện tượng tăng trưởng này, đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhấn mạnh người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng các sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng tiện lợi. Đồng thời, từ nay đến cuối năm, thị trường này tăng nhập khẩu tôm để phục vụ cho các lễ hội ẩm thực và văn hóa.

Cũng theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, hiện tại, các kênh bán lẻ lẫn kênh dịch vụ ẩm thực tại thị trường châu Âu chỉ tiêu thụ các sản phẩm thủy sản sản xuất bền vững. Vì vậy, các quy cách sản xuất bền vững, an toàn với môi trường và phát triển diện tích nuôi tôm sú sinh thái, tôm thẻ hữu cơ tại Việt Nam đang được các thị trường này ưa chuộng. Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào thị trường này nên chú trọng vấn đề dán nhãn và kiểm định chất lượng để xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường.

Chính điều này đã kéo theo giá tôm tại thị trường trong nước tăng cao. Điển hình như trong những ngày qua, giá tôm nguyên liệu tại các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang tăng, người nuôi tôm thu được lợi nhuận cao trong thời điểm này.

Theo ông Mã Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau, với sự tăng trưởng xuất khẩu tôm vào châu Âu, đã giúp tiêu thụ nguồn tôm nguyên liệu lớn trong nước với giá cao, cụ thể, với cỡ tôm 30 con/kg có giá hơn 220.000 đồng/kg, cỡ 40 con/kg có giá 190.000 đồng/kg, đặc biệt cỡ 100 con/kg có giá 107.000 đồng/kg. Riêng các cỡ từ 70-100 con/kg hiện đang được các doanh nghiệp thu mua mạnh để đáp ứng tiêu chuẩn của người tiêu dùng châu Âu nên có thể giá của cỡ tôm này còn tăng.

Chú trọng chất lượng để cạnh tranh

Hiện nay, tôm trở thành mặt hàng kinh doanh hấp dẫn và được các doanh nghiệp lớn tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương lựa chọn để kinh doanh trên quy mô lớn. Theo đánh giá của Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Bắc Mỹ và Tây Âu hiện đang là thị trường mục tiêu của các công ty đa quốc gia. Thêm vào đó, vụ tôm của Mỹ vừa qua cũng tăng mạnh về sản lượng, đạt gần 7.250 tấn tôm nguyên liệu.

Dự báo đây là nguồn cung ổn định tại Mỹ và có khả năng gây cạnh tranh với tôm Việt Nam khi nhập khẩu vào thị trường này. Đồng thời, sau khi Hiệp định thương mại giữa Ecuado và châu Âu có hiệu lực thì nguồn tôm xuất khẩu sang châu Âu cũng tăng. Ước tính, trong thời gian tới, mỗi năm châu Âu sẽ nhập khẩu khoảng 40.000 tấn tôm thẻ chân trăng từ Ecuador với thuế suất 0% theo hạn ngạch thuế quan độc lập. Với đà này, ngành tôm Ecuador sẽ tăng trưởng 7-9% trong năm 2017, Ecuador được dự báo trở thành đối thủ cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam.

Chế biến tôm tẩm bột xuất khẩu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Theo ông Trần Văn Phẩm, Giám đốc Công ty cỏ phần Thủy sản Sóc Trăng, yếu tố quan trọng để cung cấp nguồn nguyên liệu sạch cho ngành chế biến, xuất khẩu tôm đúng yêu cầu của các thị trường thế giới hiện nay, ngành tôm Việt Nam phải đầu tư thêm về công nghệ, thiết bị phục vụ chế biến. Để hình thành hệ thống quy mô lớn, thì mỗi doanh nghiệp cần có diện tích lớn để đầu tư đồng bộ, quy mô và giảm thiểu hợp tác sản xuất với các đối tác nước ngoài mới giảm được chi phí sản xuất, hạ giá thành, nâng cao chất lượng. Từ đó mới thu được lợi nhuận cao.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú, chia sẻ để có thể nâng cao sức cạnh tranh với nguồn cung nguyên liệu tôm lẫn tôm chế biến từ các nước khác, Minh Phú đã đầu tư công nghệ sản xuất tôm sinh thái hoàn chỉnh trên 900ha của tập đoàn và liên kết, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật nuôi cho 12.000 hộ nuôi tôm sinh thái khác, trên diện tích khoảng 100.000ha. Cùng đó, đầu tư hệ thống sản xuất con giống chất lượng cao, ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý đầm ao, áp dụng công nghệ chế biến khép kín, đảm bảo chất lượng như nhà nhập khẩu yêu cầu. Nhờ đó mà các sản phẩm tôm chế biến của Minh Phú đã có mặt tại hơn 50 quốc gia trên thế giới; trong đó có cả những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu.

Nhanhieuviet (Theo TTXVN)

.
.
.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn